Liên kết để phát triển bền vững

12/08/2016 - 14:52
Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, bên con đường bê tông nội đồng, là những cánh đồng lúa xanh bát ngát, là những trang trại chăn nuôi tập trung cách xa khu dân cư. Chị em phấn khởi: “Vào hợp tác xã, mới thực sự hiểu giá trị của liên kết”.

Đầu năm 2016, từ 25 thành viên mô hình tổ hợp tác chăn nuôi lợn sạch Thành Đạt, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng có 8 thành viên đứng ra thành lập Hợp tác xã dịch vụ và chăn nuôi an toàn Thái Sơn, xã Tú Sơn, vốn điều lệ của HTX là 1 tỷ đồng, với ngành nghề đăng ký hoạt động chính là chăn nuôi và kinh doanh thức ăn gia súc, thuốc thú y, trong đó chăn nuôi lợn là mũi nhọn. Chị Đồng Thị Doanh được Đại hội thành viên bầu làm Giám đốc HTX. Chị Doanh cho biết, nguyên nhân dẫn đến thu nhập trong chăn nuôi thấp vì từ trước tới nay người nông dân mạnh ai nấy làm, mua con giống lẻ tẻ không đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh, vệ sinh và chất lượng con giống. Từng hộ mua giống, thức ăn đơn lẻ, số lượng mua ít nên khó có khả năng đàm phán với các công ty cung cấp giống để mua với giá rẻ hơn, và đương nhiên cũng hiếm có doanh nghiệp nào bán thức ăn chăn nuôi, con giống với số lượng ít mà giá thành lại rẻ. Hộ nông dân đơn lẻ không có sự lựa chọn nào khác là phải mua giá cao, khi hộ nông dân tự bán sản phẩm đơn lẻ trên thị trường thì cũng không có khả năng đàm phán với thương lái hoặc doanh nghiệp thu mua với giá cao, và lợi dụng điều đó họ dễ dàng thỏa thuận để dìm giá mua thấp.

img_5937.JPG
 Nuôi trồng thủy sản tại HTX

Khi vào Hợp tác xã, các hộ thành viên liên kết với nhau, đặt hàng với quy mô lớn, trực tiếp tại các cơ sở sản xuất đầu vào mà không phải qua thêm một khâu trung giao nào, từ đó sẽ mua được giá thấp hơn. Cùng với đó khi đặt hàng với số lượng lớn Hợp tác xã còn được chiết khấu phần trăm, điều này nếu tự mua bán đơn lẻ thì rất khó, như vậy, các hộ thành viên sẽ bán được giá cao hơn, nguồn thức ăn mua về cũng rẻ hơn. Khi đã hình thành chuỗi liên kết trong chăn nuôi với một quy trình sản xuất cũng đồng nghĩa với việc tạo ra chất lượng đồng đều, có chứng nhận chất lượng sản phẩm, giá bán ra được cao hơn, từ đó khắc phục sự phụ thuộc và chèn ép của hệ thống tư thương hiện nay, tăng thu nhập cho các hộ thành viên.

img_5922.JPG
 Chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn Vietgap

Nhận thức được điều đó, Hợp tác xã đã cùng với các thành viên bàn bạc, thống nhất liên kết tìm đầu vào, ký hợp đồng với công ty cám CJ và công ty thuốc thú y của Hàn Quốc nhằm giảm giá thành nhập nguyên liệu, thức ăn, đảm bảo chăn nuôi được truy xuất nguồn gốc, đồng thời, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap cho thành viên. Từ việc ký được hợp đồng với công ty cám, giá thành thức ăn chăn nuôi đã giảm 1trđ/tấn, đem lại lợi nhuận cho các thành viên của hợp tác xã là 120 triệu đồng/tháng (HTX tiêu thụ trung bình 120 tấn cám/tháng, mỗi thành viên nuôi 100-300 lợn thịt và từ 10-30 con nái). Từ nguồn lợi nhuận này, mỗi tháng HTX trích 10-30trđ theo cổ phần đóng góp của mỗi thành viên để lại làm quỹ tín dụng trong năm, dùng cho vay ưu đãi đầu tư trang trại nuôi con giống có giá trị cao cho các thành viên trong HTX. Ngoài ra, công ty cám còn trích doanh thu 1%/năm cho HTX, nguồn này HTX sử dụng để trả lương cho ban quản lý, thuê kế toán có trình độ chuyên môn, với mức lượng 3trđ/tháng. Bên cạnh đó, Hợp tác xã còn được cán bộ Hội Phụ nữ tư vấn, hướng dẫn, tập huấn kỹ năng quản lý, điều hành, định kỳ họp 1 tháng/1 lần để chia sẻ trao đổi kinh nghiệm. Hợp tác xã cũng đã thành lập mô hình tiết kiệm (5.000đ/ngày/thành viên) tạo nguồn vốn cho chị em khó khăn vay phát triển sản xuất. Hiện, Hợp tác xã đã cam kết cùng các hộ thành viên liên kết sản xuất chăn nuôi theo đúng tiêu chuẩn VietGap, nhiều công ty đã tìm đến, đặt vấn đề ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm như Công ty chế biến nông sản Hải Phòng, công ty chuyên thực phẩm an toàn…

Thời gian tới, Hợp tác xã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh với mục tiêu hàng đầu là phát triển đa dạng và bền vững, từng bước củng cố và  tiếp cận thị trường, tạo thu nhập ổn định cho thành viên, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương thông qua mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng quy trình khép kín từ khâu chuồng trại, giống, lò mổ, tiêu thụ, mở cửa hàng trưng bày sản phẩm, xây dựng trụ sở hoạt động…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm