Liên kết để tránh 'được mùa rớt giá'

10/04/2016 - 17:27
Nhiều hộ gia đình hội viên, phụ nữ các dân tộc xã Cẩm Tâm, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) nuôi gia súc, gia cầm đã cùng nhau liên kết lại để sản xuất với tên gọi: HTX chăn nuôi tổng hợp Xuân Quỳnh.

Được thành lập từ tháng 9-2014, đến nay HTX làm ăn khá hiệu quả do chị Nguyễn Thị Quỳnh được tín nhiệm bầu làm Giám đốc HTX. Từ một gia đình còn nhiều khó khăn về kinh tế, với đồng vốn tự có ít ỏi và vay thêm 9 triệu đồng, vợ chồng chị Quỳnh mua một lò ấp trứng gà để bán giống, nuôi chim trĩ… Với đức tính chịu thương, chịu khó vợ chồng chị Quỳnh đã dần vượt qua khó khăn. Nợ đã trả được, kinh tế gia đình dần khá lên, trừ chi phí mỗi năm thu nhập đạt 160 triệu đồng. Chị còn giúp nhiều hộ gia đình khó khăn trong xã về con giống, kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh.

anh-htx-xuan-quynh.jpg
 Mô hình nuôi Dê của thành viên HTXDịch vụ chăn nuôi tổng hợp Xuân Quỳnh

Nhận thấy tiềm lực làm kinh tế của chị Quỳnh và để giúp hội viên, phụ nữ liên kết cùng sản xuất, nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập, Hội LHPN huyện Cẩm Thủy đã khảo sát, thẩm định và tham mưu Hội LHPN tỉnh hỗ trợ chị Quỳnh và các hội viên khác trên địa bàn xã Cẩm Tâm thành lập mô hình điểm HTX kiểu mới do nữ làm chủ. Hiện nay, HTX đã thu hút 31 thành viên tham gia. Ngay sau khi thành lập, HTX đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ hơn 146 triệu đồng xây sửa chuồng trại chăn nuôi cho các thành viên chăn nuôi chủ yếu là dê, gà, ngan, vịt, thỏ cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi... Quy mô chuồng trại của các thành viên HTX được đầu tư nâng cấp, mở rộng, con giống được chọn lựa kỹ càng và đặc biệt là chú trọng đến công tác phòng và chữa bệnh, thị trường tiêu thụ sản phẩm nên nhiều xã viên đã tăng đàn nuôi từ 20 con đến 70 con. Theo tính toán của các thành viên HTX, trừ chi phí, lợi nhuận bình quân của HTX đạt 36.000.000đ/năm, thu nhập của xã viên đạt 2,5 triệu đồng/tháng trở lên, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững của địa phương.

anh-trao-bo-cho-tht.jpg
 Hội LHPN tỉnh trao hỗ trợ bò cái sinh sản cho thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh

Cùng với thực hiện điểm mô hình này, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo thực hiện điểm các mô hình HTX do nữ làm chủ khác, như: HTX sản xuất chổi đót Tuấn Dung xã Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn; HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành; HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn phường Đông Cương, TP Thanh Hóa; HTX chế biến Hải sản xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, đồng thời phối hợp với Liên Minh HTX Thanh Hóa tư vấn, tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho ban giám đốc các HTX về Luật HTX, chuỗi giá trị sản phẩm…

Sau gần 3 năm thành lập, đến nay, các HTX do nữ làm chủ đều phát huy hiệu quả nguồn vốn sử dụng, vận dụng linh hoạt cơ chế thị trường để phát triển. Bình quân mỗi HTX đang tạo việc làm cho 30 lao động, đạt thu nhập ổn định từ 2,5 triệu đồng đến 4 triệu đồng/thành viên/tháng và giải quyết việc làm cho nhiều lao động thời vụ. Cũng từ hiệu quả thiết thực mô hình HTX do nữ làm chủ, các cơ sở hội đã bước đầu nhân rộng bằng việc xây dựng các tổ hợp tác, tổ liên kết cùng phát triển. Đến nay, các cấp hội phụ nữ tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả hơn 100 HTX, tổ hợp tác và tổ liên kết do phụ nữ làm chủ. Tiêu biểu như: Tổ liên kết chăn nuôi và tiêu thụ Chim Bồ câu lai pháp theo quy trình khép kín xã Xuân Tân (Thọ Xuân); tổ liên kết sản xuất nấm Linh Chi, xã Đông Hòa (Đông Sơn); tổ hợp tác chăn nuôi Bò sinh sản xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh… Tuy mới thành lập, nhưng các mô hình kinh tế tập thể của các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh thực sự có hiệu quả về kinh tế, nâng cao nhận thức và tăng tình đoàn kết, tương trợ nhau trong cuộc sống, đồng thời thể hiện tính năng động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, khẳng định vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Chị Nguyễn Thị Hà - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Thành Hưng (Thạch Thành) - tâm sự: “Trước đây sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, đa số hộ dân chúng tôi phụ thuộc nhiều yếu tố và hay gặp rủi ro nên thu nhập thấp. Nay tham gia mô hình HTX kiểu mới, tôi cũng như các thành viên khác của HTX đã liên kết với nhau từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm nên tránh được tình trạng “được mùa rớt giá”, thị trường tiêu thụ ổn định, huy động được nguồn vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, tiết kiệm thời gian, chi phí đầu vào, tăng thu nhập. Đồng thời tăng tính đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống”. 

anh-tap-huan-htx.jpg

Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tập huấn nâng cao năng lực cho BQL Hợp tác xã

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX kiểu mới và nhân rộng mô hình góp phần tích cực vào mục tiêu xây dựng nông mới, tỉnh cần lựa chọn các đơn vị có khả năng để triển khai xây dựng mô hình kinh tế tập thể phù hợp với vùng miền để đạt kết quả và mang tính bền vững ở địa phương. Xây dựng kế hoạch hoạt động, kinh phí từng mô hình, phân công nhiệm vụ cho từng cấp hội phụ trách các phần việc cụ thể trên cơ sở chức năng của từng cấp; phối hợp với Liên minh HTX tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho thành viên HTX và người dân về Luật HTX năm 2012; hỗ trợ nguồn lực, kết nối bạn hàng, giới thiệu sản phẩm để các HTX duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững. Phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, do vậy, tỉnh cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để giúp các tổ chức kinh tế tập thể tháo gỡ khó khăn, chủ động vươn lên khắc phục hạn chế, yếu kém, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và hiệu quả hoạt động để tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường. Thực tế cho thấy, ở đâu cấp ủy, chính quyền, đặc biệt người đứng đầu quan tâm thì ở đó kinh tế tập thể, HTX phát triển và chính sự phát triển đó góp phần rất tích cực cho nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an sinh của địa phương.



Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm