pnvnonline@phunuvietnam.vn
Yêu
Liều vaccine cho tình yêu và hôn nhân
Ngay từ khi chào đời, chúng ta đã bắt đầu một hành trình học làm người, học làm chủ cuộc sống của mình. Từ ngậm bầu sữa mẹ, tưởng như là bản năng, cũng được mẹ uốn từng chút. Rồi học nhìn theo, học cười, học nói, học lẫy, học ngồi, học đi. Rồi học những chữ cái, con số đầu tiên. Rồi học một cái nghề. Rồi học làm việc nhà, nấu nướng, cắm hoa, làm bánh. Rồi học bơi, học lái xe…
Vậy trước khi bước vào một tình yêu, một cuộc hôn nhân đầy mới lạ và bỡ ngỡ, nếu như chúng ta chủ động học sẽ có trong tay hành trang vững vàng xử lý và ứng phó với các tình huống.
Nhân kỷ niệm 19 năm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, PNVN sẽ cùng trao đổi với chị Hà Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, người đã 20 năm tâm huyết với những khoá học kỹ năng mềm đặc biệt này.
Hy vọng kiến thức và thực tế giảng dạy của chị Thanh Vân sẽ giúp chúng ta hình dung ra những điều cần chuẩn bị cho tương lai một cuộc sống vui vẻ, bình an của gia đình nhỏ.
+ MC: Thưa chị, trong thực tế giảng dạy và làm việc với sinh viên, học viên của mình, chị thấy họ có những quan niệm chưa chuẩn nào về tình yêu, cuộc sống hôn nhân?
Chị Hà Thanh Vân: Những quan niệm là ý kiến cá nhân của mỗi người. Tuy nhiên theo những đúc kết chung và thông tin từ những học viên mình từng chia sẻ, có những ngộ nhận. Thứ nhất, họ nghĩ những gì khiến người ta rung động từ giây phút đầu tiên thì đó là tình yêu thực sự mà họ tìm thấy. Trên thực tế, điều đó không hoàn toàn đúng. Khoa học đã đúc kết, người phụ nữ cần 45 giây để cảm nhận sự rung động trái tim mình dành cho một người đàn ông, còn đàn ông thì gấp 3 lần như vậy.
Quan niệm sai lầm thứ 2 là họ nghĩ mình cứ yêu đi rồi mình sẽ cải tạo người yêu theo ý của mình. Thực tế mỗi người sinh ra và lớn lên trong một gia đình, mang theo một văn hoá thấm đẫm từ những ngày đầu đời, lớn lên gần như chuyển dịch nguyên vẹn, rất khó để thay đổi.
Quan niệm sai lầm thứ 3 là mọi người đi tìm kiếm một người yêu hoàn hảo với rất nhiều tiêu chí. Người phụ nữ thì đặt ra phải đẹp trai, galant, chỉn chu, biết yêu thương. Nam giới mong muốn gặp và yêu được người phụ nữ dịu dàng, đoan trang, biết quan tâm đến những vấn đề, sở thích của tôi. Nhưng thực tế, những khái niệm đó không đến từ một người mà là sự đồng điệu từ hai bên. Không có ai hoàn hảo. Có một câu rất hay tôi không nhớ của ai là "Không thể đi tìm một người hoàn mỹ để yêu, để lấy nhưng có thể học cách chung sống với một người không hoàn mỹ một cách trọn vẹn nhất".
Quan niệm sai lầm thứ tư là sống thử, nhất là các bạn trẻ. Sống thử rất nguy hiểm. Sống thử người ta hướng đến chung sống như vợ chồng trước hôn nhân. Điều đó bất lợi với cả hai bên, đặc biệt là đối với nữ và là nguy cơ của bạo lực sau này. Thực tế, hiếm có những cuộc tình sống thử tồn tại được đến lúc kết hôn. Đây cũng là 1 trong những lý do tỷ lệ nạo phá thai của nữ thanh niên trẻ chưa có gia đình thống kê được đã rất cao.
Quan niệm sai lầm thứ 5 là ghen là biểu hiện của sự quan tâm và yêu thực lòng. Bản chất của những người ghen chỉ thể hiện cái tôi cá nhân của mình trong việc khẳng định sở hữu đối với người yêu. Trong tình yêu, hôn nhân không có khái niệm sở hữu con người của nhau mà là sự tương tác, hợp tác, chia sẻ và gắn bó với nhau giữa hai con người.
+ MC: Vậy các hành trang cơ bản nhất mà các bạn trẻ cần chuẩn bị cho mình để chủ động yêu và làm chủ cuộc sống gia đình nhỏ mới của mình là gì?
Chị Hà Thanh Vân: Giao tiếp là một trong những kỹ năng quan trọng. Nếu không nghiêm túc trong tình yêu, họ không coi trọng giao tiếp mà coi trọng sự chinh phục, thuyết phục. Chinh phục để có người mình muốn, chinh phục để thoả mãn những gì mình muốn.
Thứ hai là kỹ năng tin tưởng và tôn trọng. Vị kỷ cá nhân tồn tại cả ở nam giới và phụ nữ. Vì sự vị kỷ, họ không biết được những khó khăn của người mình yêu để đáp ứng những yêu cầu của mình. Các bạn trẻ cần học cách để biết mình là ai và người bạn của mình là ai để có những ứng xử đúng.
Khi bắt đầu yêu đã khẳng định người đó như sở hữu của mình, có quyền định đoạt, có quyền xử lý đối với cái thuộc sở hữu của mình. Nếu các cặp này tiến đến hôn nhân thì nguy cơ bạo lực sẽ phổ biến.
Người ta hay nhắc đến khái niệm người vợ hoàn hảo chứ không bao giờ nhắc đến khái niệm người chồng hoàn hảo. Trong cuộc hôn nhân bao giờ cũng có một sự hy sinh, người ta nghĩ nghiễm nhiên là người phụ nữ vì người phụ nữ là tay hòm chìa khoá, sau này liên quan nhiều đến con nên họ phải hoàn hảo. Vì vậy, thực tế, nhiều phụ nữ phải gồng mình lên để trở thành người phụ nữ hoàn hảo trong con mắt của người khác, làm cuộc sống của họ trở nên bế tắc và là một trong những lý do nhiều phụ nữ bị trầm cảm.
+ MC: Tôi thấy rằng nếu được tham gia các khóa học như thế này không khác gì được tiêm vaccine ngừa bệnh cho cuộc sống hôn nhân của các bạn trẻ. Vậy điều chị mong muốn nhất khi viết sách hay thiết kế các bài giảng về vấn đề này?
Chị Hà Thanh Vân: Có một câu nói hay mình rất tâm đắc là "Hãy đối xử với người khác theo cách mà mình mong muốn họ đối xử với mình". Tình yêu cũng như hôn nhân, đó là sự tương tác ứng xử giữa các thành viên với nhau. Mỗi khi thiết kế các bài giảng về lĩnh vực này tôi luôn hướng đến 3 giá trị. Đầu tiên là phải biết mình là ai. Phải hiểu tất cả mọi người trong các mối quan hệ mà mình thiết lập sau khi xây dựng gia đình để đồng cảm, sẻ chia, tôn trọng và tin tưởng để tương tác với nhau. Thứ 2, từ việc họ biết điểm mạnh, điểm yếu của mình và những người thân của mình, giúp họ phát huy những điểm mạnh đó, không biến điểm mạnh thành điểm yếu hoặc cực yếu, có cách thức phát huy nó, gìn giữ nó và thay đổi nó theo chiều hướng tốt hơn. Thứ 3, chia sẻ với họ làm thế nào để hài hoà các mối quan hệ.
Đồng thời hướng họ quản trị gia đình của mình ở 5 góc độ. Một biết quản trị bản thân, biết cân đối chung riêng. Hai là biết cách quản trị các mối quan hệ. Thứ ba là quản trị công việc của mình, cân đối giữa công việc gia đình với công việc kiếm tiền. Bốn là quản trị tài chính, vợ chồng phải quy về một mối, không để nhiều mối dễ khủng hoảng, khó khăn. Và năm là quản trị rủi ro và nguy cơ rủi ro có thể xảy đến với gia đình. Nếu như chúng ta quản trị tốt 5 khía cạnh đó thì sẽ có cơ hội vận hành gia đình tốt.
+ MC: Điều gì chị thấy vui nhất qua các khóa học tiền hôn nhân này?
Chị Hà Thanh Vân: Học viên trong lớp kỹ năng ở nhiều độ tuổi, hoàn cảnh khác nhau. Cái khéo của người giảng là tìm ra điểm chung của mọi người để chia sẻ chung, còn những cái riêng tư không nên để họ chia sẻ công khai. Trên cơ sở những cái chung thì họ nhìn thấy mình trong đó. Ngay sau các bài học họ đã có thể áp dụng những kiến thức mới vào cuộc sống gia đình và có sự thay đổi, họ cởi mở hơn để chia sẻ.
+ MC: Hy vọng những chia sẻ của chị Thanh Vân sẽ giúp các bạn chủ động hơn trong việc chuẩn bị hành trang cần thiết của mình bước vào tình yêu và cuộc sống hôn nhân đầy màu sắc. Trân trọng cám ơn chị Hà Thị Thanh Vân đã chia sẻ với PNVN!