Liveshow Xuân Hinh: Hề khóc cho đời đời có biết?

06/10/2016 - 11:06
Khán giả hâm mộ Xuân Hinh đã có một bữa tiệc khóc – cười mãn nguyện cùng thần tượng của mình trong đêm 5/10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.
 Trích đoạn "Phù thủy sợ ma"

Liveshow Xuân Hinh – Kẻ chọc cười dân dã diễn ra đúng thời điểm Hà Nội vào mùa show. Hàng loạt chương trình ca nhạc hấp dẫn được tổ chức, nhưng một liveshow Hề Chèo lại cháy vé trước hẳn 2 ngày. Nhưng cũng không đáng kinh ngạc. Bởi trong 40 năm làm nghề đã trôi qua, Xuân Hinh vốn chưa bao giờ ế khách.

Chương trình của Xuân Hinh mở màn lúc 8 giờ và kết thúc lúc 11 giờ 38 phút. Trong 3 tiếng 38 phút đồng hồ ấy, Xuân Hinh đã đem tất cả những ngón nghề chơi điêu luyện của mình mà cống hiến cho khán giả. Từ hề Chèo đến bi hài kịch hiện đại, từ hát Xẩm, hát Văn, hầu đồng, Quan họ đến cả ngâm thơ, lẩy Kiều, tân nhạc. Những gì làm nên tên tuổi của Xuân Hinh, những gì là tinh túy của Xuân Hinh, đều được anh mang ra trưng trổ như một sự tri ân.

 Tiết mục Hề cu sứt

Nhưng điều đáng quý hơn nữa, trên sân khấu dành riêng để tôn vinh anh, anh lại sẵn sàng nhường sân cho đồng nghiệp và thế hệ sau. Chỉ giữ lại cho mình một phần nhỏ vừa đủ sắc, vừa đủ sáng. Xuân Hinh không mang tham vọng của vua chúa như anh từng chia sẻ với báo Phụ nữ Việt Nam, càng không muốn làm một tượng đài không người vượt qua. Lẽ sống ấy anh ngầm ngỏ ý trong việc để cậu bé thần đồng Đức Vĩnh – Quán quân Vietnam’s Got Talent  - làm người hát mở màn, với một tiết mục dày dặn và đĩnh đạc Vương triều chỉ có bước đi của Hề. Hay cách anh chọn vai diễn nhỏ trong Của gia bảo, dành đất cho bạn bè mình tỏa sáng.

Mặc dù hai chữ Hề Chèo đã được bỏ đi khỏi tên chính thức của liveshow, nhưng Xuân Hinh vẫn chọn Hề Chèo để làm món khai vị đãi khán giả. Ngũ biến, một tiết mục kéo dài chừng 15 phút, với 5 lát cắt Chèo cổ chuẩn mực, được trình diễn theo phong cách giải trí đương đại hấp dẫn. Hàng chục diễn viên múa minh họa dưới bàn tay biên đạo tài tình của Kiều Lê  - Hồng Phong  vừa làm một chiếu Chèo xôm tụ vừa làm tấm bình phong thị giác ấn tượng để Xuân Hinh “trở mặt”, thay trang phục, thay lớp hóa trang, biến hóa đủ 5 vai Chèo.

 Trong tiểu phẩm "Người ngựa - Ngựa người"

Trong hơn chục phút ngắn ngủi ấy, Xuân Hinh tài hoa tái hiện lại ký ức người mộ điệu bằng những vai diễn để đời đã làm nên cái danh lẫy lừng của anh những năm 90 thế kỷ trước. Mà không cần nhiều, chỉ với cái cờ cắm sau lưng ông phù thủy sợ ma cùng chiếc râu quặp một bên kinh điển, chỉ với cái gậy của anh cu Sứt với lối đi co chân mà đôi khi một anh hề phải mất cả đời để học từ thầy. Xuân Hinh hát Bà chúa càng cua, hát hề Cu cậu, hát Thị Màu lên chùa ngọt như chưa từng xa chiếu Chèo ngày nào.

Nhưng để khóc cười cùng Xuân Hinh thì phải chờ đến Ngựa người người ngựa và Của gia bảo. Hai vở bi hài kịch cười ra nước mắt này mới đúng là Xuân Hinh, mới lột tả hết cái tài hoa thiên bẩm của anh. Những ai từng yêu và từng thất vọng khi Xuân Hinh ngày một xa chất hề Chèo giễu nhại đắng đót trong các băng đĩa hài Tết những năm cười cợt lên ngôi sau này có thể yên tâm rằng: Xuân Hinh vẫn thế. Anh có thể thay đổi biến báo đi cho phù hợp với thị hiếu tiếng cười nhưng không làm mất đi cái triết lý cười của mình. Đấy là chất cười dân dã, thô đấy, tục đấy nhưng rất đời. Cười đấy, cợt nhả đấy nhưng cay nghiệt, đắng chát lẽ nhân sinh.

 Biểu diễn trích đoạn hát văn trong một số giá hầu đồng

Thỏa thuê cười khóc nhất cùng Xuân Hinh có lẽ vẫn là Ngựa người người ngựa. Vở kịch của NSND Lê Hùng đã được nhiều nghệ sĩ dựng đi dựng lại nhưng chưa từng ai vượt qua được đỉnh cao mà Xuân Hinh - Thanh Thanh Hiền đã tạo ra. Sự ăn ý trời sinh của hai nghệ sĩ đưa khán giả đi từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác, vừa ngặt nghẽo ôm bụng cười rũ thoắt cái đã sụt sùi lấy tay lau nước mắt. Cái đỏng đảnh lẳng lơ của cô gái bán hoa quyện vào cái ỡm ờ tưng tửng của anh phu xe chọc cho khán giả ngả nghiêng, rồi cũng chính họ làm cho khán giả thấm thía nỗi thống khổ của phận người dưới đáy xã hội bằng lối diễn đau đời, trải đời.

Trong khoảnh khắc anh phu xe nón mê áo rách chờ đợi đến bất lực một cuốc xe đêm trong dồn dập tiếng pháo giao thừa, người xem ngậm ngùi liên tưởng đến Xuân Hinh những ngày thiếu thời khốn khó, lặn lội miền ngược miền xuôi buôn bán thượng vàng hạ cám để đàn em thơ dại và nuôi giấc mơ hề Chèo. Đã nhiều lần trùm chăn khóc nên mới bán tiếng cười duyên đến thế chăng?

 Trích đoạn thầy bói đi chợ

“Hề khóc cho đời đời đâu biết. Gọi cho đời tỉnh đời vẫn mê. Yêu đời mà vẫn cho đời ghét. Thương đời đời vẫn cứ cười chê” – Xuân Hinh ngâm nga cho chính phận anh hề của mình trên sân khấu. Nhưng chỉ vài giây tư lự vậy thôi, Xuân Hinh lại đong đưa với khán giả bằng giọng anh hề Chèo quen thuộc. Sự mãn nguyện hiện rõ trong mắt anh, bởi anh hiểu rõ sau 40 năm làm nghề, khán giả trân trọng anh còn chưa đủ, nỡ đành oan uổng khen chê.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm