Lo con "no đòn" nơi trường học

09/10/2015 - 14:40
Trước những hình ảnh bạo hành trẻ liên tiếp được công luận phơi bày khiến nhiều người có con tuổi mầm non thực sự bất an. Điều họ lo nhất là những đứa trẻ chưa thể có bất cứ cách nào tự bảo vệ dễ phải chịu trận trước những "hổ dữ" mang danh "mẹ hiền".

Những đứa trẻ non nớt rất cần bàn tay chăm sóc của người lớn. Ảnh: Bích Ngọc


Không dừng ở chuyện học sinh đánh nhau, thầy đánh trò mà giờ đây chính những giáo viên vốn là tấm gương cho học trò soi vào cũng công khai chửi bới, dọa… chém nhau ngay trong trường học. Mới đây nhất, phụ huynh lại tiếp tục bàng hoàng trước 2 vụ bạo hành trẻ mầm non: Vụ một bé bị cô giáo bỏ ngoài cửa lớp, nhặt rác ăn (ở trường mầm non Xuân Mai, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn); vụ một bé trai bị 3 cô giáo hùa nhau trói chân tay, nhét giẻ vào miệng, trên cơ thể có nhiều vết bầm tím ở trường mầm non Sơn Ca (TP. Đồng Hới, Quảng Bình). 
Những vụ việc đau lòng này khiến nhiều bậc cha mẹ có con tuổi mầm non vừa xót xa vừa lo sợ. Chị Lê Thùy Linh (Việt Trì, Phú Thọ) cho biết: “Mỗi lần đọc những câu chuyện bạo hành trẻ nhỏ, người có con nhỏ như tôi lạnh cả người vì thương xót những cháu bé còn non nớt và lo sợ cho chính con mình. Vụ gần đây nhất bé trai 14 tháng bị cô trói chân tay, nhìn hình ảnh tôi đã thấy quặn lòng”.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa (Hồ Tùng Mậu, Hà Nội) chia sẻ rằng, càng ngày, chị càng có cảm giác sợ và ngán ngẩm mỗi khi nghĩ đến việc cho đứa con 3 tuổi đến trường mầm non. “Tôi thực sự thấy bất an khi những hình ảnh cô giáo mầm non hành xử dã man với học trò được phơi bày. Bao nhiêu lần cơ quan quản lý nói tăng cường kiểm tra chặt chẽ nhưng rồi đâu vẫn đóng đấy. Chỉ có những đứa trẻ là phải gánh rủi ro và cha mẹ thì nhói lòng thương con, cho con đi học mà không thể yên tâm”.
Theo chị Hoa, đây dường như là hệ quả của việc kiểm soát lỏng lẻo của cơ quan quản lý đối với hoạt động nhà trường. “ Tuyển dụng giáo viên lẽ ra phải là khâu gắt gao nhất thì thực tế tôi thấy hình như ai cũng có thể làm bảo mẫu ở trường mầm non được. Thậm chí không ít người trở thành giáo viên mầm non sau vài tháng bồi dưỡng nghiệp vụ. Giáo viên chất lượng đầu vào kém nên xảy ra những điều đó như là chuyện đương nhiên”, chị Hoa bức xúc.
TS. Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chia sẻ: “Điều khiến tôi thấy thật sự lo lắng là những câu chuyện này có vẻ như không giảm đi mà có chiều hướng gia tăng. Năm ngoái là chuyện giáo viên mầm non dốc đầu các cháu bé vào lu nước. Từ đó tới giờ vẫn liên tiếp xảy ra những vụ việc chấn động khác trong môi trường sư phạm, từ học sinh đánh nhau cho tới cả giáo viên bạo hành học sinh, thậm chí xô xát lẫn nhau. Tuy nhiên, việc bạo hành với trẻ nhỏ non nớt, không thể tự bảo vệ là hành động dã man”.
Vẫn biết những câu chuyện trên chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng không ít phụ huynh cho rằng đó chỉ là những vụ việc được phát hiện. Làm sao cha mẹ có thể yên tâm khi rất có thể một ngày kia chính con họ cũng chịu cảnh tượng đau lòng ở ngay trường học, nơi vốn được xem là an toàn với con trẻ, nơi cô giáo vốn được coi như mẹ hiền của trẻ?

“Trẻ bị bạo hành sẽ hoảng loạn, để lại nhiều di chứng. Nếu tổn thương nghiêm trọng có thể dẫn đến chậm nói, thiếu tự tin và những ám ảnh kéo dài thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến thần kinh đứa trẻ”- TS Vũ Thu Hương.

“Quá nhiều trường hợp trẻ bị bạo hành, tổn hại tinh thần khiến phu huynh như tôi không yên lòng. Mong rằng, tất cả các trường học đều phải có camera giám sát, bảo mẫu phải được đào tạo đàng hoàng để các phụ huynh có thể yên tâm. Với những cô giáo từng bạo hành trẻ, cần loại khỏi ngành vĩnh viễn” - Chị Phan Thanh Thủy (Hà Nam)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm