Lo ngại hệ quả pháp lý với chính sách hỗ trợ tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất

HH
17/08/2021 - 18:05
Lo ngại hệ quả pháp lý với chính sách hỗ trợ tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất

Tăng cường thanh tra, kiểm tra góp phần giảm tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH. Ảnh BHXH

Thẩm tra về tình hình thực hiện chính sách BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, lãnh đạo Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, cần phải có tính toán về hệ quả pháp lý đối với chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất khi triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ với các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Tại phiên họp thứ 2 diễn ra ngày 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình thực hiện hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020. 

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến hết năm 2020, tổng số đối tượng tham gia BHXH hơn 16,16 triệu người, tăng 2,5% so với năm 2019. Số thu BHXH năm 2020 đạt hơn 263.949 tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra...

Riêng về tình hình chậm đóng, tạm dừng đóng vào Quỹ BHXH, đến 31/12/2020, tổng số số tiền nợ đóng BHXH bắt buộc là 11.666 tỷ đồng, tăng 1.566 tỷ đồng so với 2019, chiếm 4,2% số phải thu (trong đó nợ lãi chậm đóng chiếm khoảng 26% tổng số nợ).

Đặc biệt, tình hình chậm đóng BHXH tiếp tục gia tăng, trong đó, việc chậm đóng BHXH chủ yếu diễn ra ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiến hơn 71%. Tuy nhiên, theo Bộ LĐ-TB&XH, năm 2020 ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng số tiền chậm đóng ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước, với mức tăng số tiền chậm đóng lên hơn 50% so với năm 2019.

Số tiền chậm đóng khó thu hồi là 2.190 tỷ đồng, giảm 1,19% so với năm 2019.

Thực hiện các giải pháp hạn chế tình trạng chậm đóng, thu hồi  tiền chậm đóng, nợ đọng BHXH, Bộ LĐ-TB&XH đã tăng cường thanh tra, kiểm tra về BHXH, xử ly nghiêm các đơn vị, doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ đóng BHXH.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo các cơ quan BHXH địa phương phối hợp để xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm tự nguyện để đôn đốc, yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp tham gia đẩy đù cho người lao động. Kết nối thông tin, dữ liệu các ngành liên quan để quản lý đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động, thành lập mới, người lao động đang làm việc. Thực hiện thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, tập trung vào các đơn vị, doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ đóng BHXH...

Lo ngại hệ quả pháp lý với chính sách hỗ trợ tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Ảnh quochoi.vn

Riêng về nội dung này, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng, số tiền nợ đóng, chậm đóng BHXH dự báo có thể tiếp tục xu hướng gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và có thể kéo dài thời gian tới.

Đặc biệt, bà Nguyễn Thúy Anh đề nghị: Cần tính toán về "hệ quả pháp lý đối với chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất" khi triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ với các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng đóng bù sau khi hết thời hạn được tạm dừng đóng.

Cùng với đó, Ủy ban Xã hội kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách BHXH, có giải pháp hữu hiệu để hạn chế tối đa tình trạng không chấp hành hoặc chấp hành chưa đầu đủ pháp luật về BHXH.

Đồng thời đề nghị Bộ LĐ-TB&XH, khẩn trương trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý tiền nợ BHXH, BHTN, BHYT tồn đọng kéo dài; Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng BHXH...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm