pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lo ngại lực lượng tham gia bảo vệ an ninh ở cơ sở tác động tới quyền công dân
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm làm rõ một số nội dung đại biểu nêu. Ảnh quochoi.vn
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 10 sáng 17/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. Phần lớn đại biểu đặt vấn đề về sự cần thiết phải xây dựng luật; đồng thời đề nghị cần rà soát thật kỹ các số liệu, đánh giá tác động liên quan đến số người hoạt động trong lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, các số liệu liên quan đến vấn đề chi ngân sách.
Đặt vấn đề "có cần thiết phải ban hành luật này", đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: Hiện nay ở xã, phường, thị trấn, các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bao gồm: Ban bảo vệ dân phố, tổ dân phòng, công an viên không chuyên trách, tổ tuần tra biên giới và lực lượng dân quân. Tuy nhiên, không phải xã, phường, thị trấn nào cũng có lực lượng này. Đồng thời, đại biểu này cũng băn khoăn với việc "gom" các lực lượng này vào thì sẽ làm tăng chi ngân sách, do tăng thêm số lượng với khoảng 1,5 triệu người.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, dự thảo luật này "chưa ổn", bởi chưa có đánh giá tác động, chưa tổng kết các lực lượng này thực hiện nhiệm vụ thế nào trong thời gian qua; đồng thời số tiền chi bồi dưỡng cho lượng này hàng tháng cũng tăng nhiều hơn so với thực tiễn hiện nay. Lực lượng này hiện nay đã hoạt động ổn định và đã phối hợp tốt với lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, phường, thị trấn trong việc đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội ở địa phương cho nên không nhất thiết phải thành lập thêm một tổ chức mới.
Còn đại biểu Bùi Thị Thủy, đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, cho rằng: Dự thảo luật xác định là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, là lực lượng quần chúng tự nguyện, được tuyển chọn làm nòng cốt cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Dự thảo luật chỉ điều chỉnh đối với 3 lực lượng là "bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách"; không điều chỉnh đối với các tổ chức quần chúng khác tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhưng không tự nguyện tham gia vào các lực lượng này. Đại biểu đề nghị nghiên cứu phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật đảm bảo điều chỉnh đầy đủ và bao quát các đối tượng.
Theo đại biểu Bùi Thị Thủy, quy định của dự thảo luật, lực lượng này được giao tham gia phối hợp nhiều nhiệm vụ chính của công an cấp xã và có nhiều nhiệm vụ có phạm vi tác động lớn, có khả năng tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân hoặc có khả năng gây nguy hiểm cho lực lượng này trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Qua đó, đại biểu này lo ngại việc chưa có quy định rõ ràng về phương thức, cách thức tham gia phối hợp của lực lượng này với các lực lượng khác để thực hiện nhiệm vụ; điều này dễ dẫn đến việc thực hiện tùy nghi và không thống nhất trên thực tế.
Về tiêu chuẩn tuyển chọn lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Điều 5, theo đại biểu quy định chỉ mang tính chung chung, như: "có trình độ văn hóa và nơi cư trú ổn định".
Theo đại biểu, quy định về tiêu chuẩn tuyển chọn là vấn đề quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng. Khi lực lượng này tiếp tục được giao một nhiệm vụ, quyền hạn tương đối phức tạp, được thực hiện một số hoạt động có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân.
Làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Dự thảo luật này điều chỉnh chính đối với 3 lực lượng mà trên thực tế hiện nay đã đang tồn tại, ở phạm vi toàn quốc và có lịch sử được thành lập và tồn tại từ rất lâu.
Đối với lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản khác được thành lập, tổ chức hoạt động dưới nhiều các mô hình khác nhau và mang tính đơn lẻ, đặc thù ở các địa phương, không mang tính phổ biến trong toàn quốc, theo ông Tô Lâm, cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một cách thận trọng, toàn diện cả về quy định cũng như về thực tiễn, để có đủ cơ sở để quy định trong luật.
Về vấn đề trách nhiệm của lực lượng công an ở cơ sở, ông Tô Lâm khẳng định: Lực lượng công an chưa bao giờ và cũng chưa từng từ chối hoặc đổ trách nhiệm, thoái thác trách nhiệm cho lực lượng khác trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. "Chúng tôi không có ý xây dựng ra lực lượng này để rồi thoái thác nhiệm vụ, phân cấp cho các lực lượng này làm để lực lượng công an trốn tránh, từ chối trách nhiệm của mình", Trưởng ngành Công an nói.