pnvnonline@phunuvietnam.vn
Loại mật được lòng các bà nội trợ mỗi dịp Tết đến có thật sự tốt cho sức khỏe?
Mật mía là nguyên liệu được sử dụng làm chất tạo ngọt cho nhiều món ăn ngày Tết như nhân bánh Chưng, thay đường tinh luyện trong các loại mứt, kho thịt... Nhờ có giá trị dinh dưỡng đa dạng nên mật mía đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe
1. Lợi ích của mật mía đối với sức khỏe
Dưới đây là những lợi ích của mật mía đối với sức khỏe dựa trên cơ sở khoa học:
- Bổ dưỡng hơn đường tinh luyện
Mật mía có giá trị dinh dưỡng phong phú hơn cũng như chỉ số đường huyết thấp hơn so với đường tinh luyện. Chỉ 1 muỗng canh (15 mL) mật mía cung cấp:
+ Lượng calo: 60
+ Carb: 14 gam
+ Đường: 10 gam
+ Chất đạm: 1 gam
+ Chất béo: 0 gam
+ Sắt: 20% giá trị hàng ngày (DV)
+ Canxi: 10% DV
+ Magiê: 10% DV
+ Kali: 9% DV
+ Vitamin B6: 8% DV
+ Có chứa 18 axit amin
Mặc dù mật mía đen có thành phần chủ yếu là đường. Tuy nhiên, không giống như đường tinh luyện - không có giá trị dinh dưỡng, mật mía chứa nhiều sắt, canxi, magie, kali và phốt pho.
Trên thực tế, tính theo từng ml, mật mía chứa nhiều sắt hơn trứng, nhiều canxi hơn sữa và nhiều kali hơn bất kỳ loại thực phẩm nào khác.
- Ngăn ngừa bệnh thiếu máu
Mật mía đen là một loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật rất giàu chất sắt. Chỉ với 15ml mật mía đã cung cấp 20% lượng sắt bạn cần mỗi ngày. Do đó, bổ sung mật mía vào chế độ ăn uống có thể phòng ngừa hoặc cải thiện tình trạng thiếu máu do sắt.
Thiếu máu do sắt không được điều trị sẽ dẫn tới các tình trạng như mệt mỏi, suy nhược hoặc khó thở.
Mật mía thường được khuyên dùng cùng với các nguồn sắt có nguồn gốc thực vật khác, chẳng hạn như rau xanh, các sản phẩm từ đậu nành và các loại đậu.
- Cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ em
Mật mía đen có thể giúp cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ em là nhờ polysaccharides - đây là một loại carb trong mật mía đen, có thể hoạt động như chất xơ, giúp cải thiện độ đặc của phân và cải thiện tình trạng giảm nhu động ruột. Từ đó có thể cải thiện tần suất đại tiện và giảm đau bụng ở trẻ bị táo bón.
Hơn nữa, nồng độ kali thấp thường dẫn đến táo bón nên hàm lượng kali cao trong mật mía có thể điều chỉnh các cơn co thắt cơ để thúc đẩy quá trình tiêu hóa.
- Ngăn ngừa một số bệnh mãn tính
Vì mật mía là một nguồn giàu chất chống oxy hóa. Mà chất chống oxy hóa là những hợp chất bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do. Gốc tự do là những phân tử có thể làm hỏng tế bào, dẫn đến stress oxy hóa và nhiều bệnh liên quan khi xuất hiện với số lượng lớn.
Ngoài ra, mật mía đặc biệt giàu chất chống oxy hóa polyphenol. Nghiên cứu đã cho thấy việc hấp thụ polyphenol có tác dụng trong việc ngăn ngừa, trì hoãn hoặc giảm tác động của các bệnh mãn tính, bao gồm bệnh tim, tiểu đường, béo phì và ung thư.
- Tăng cường sức khỏe xương
Tác dụng tiếp theo của mật mía đối với sức khỏe là phòng ngừa loãng xương và giúp xương chắc khỏe. Vì mật mía cung cấp đến 10% lượng canxi cơ thể cần mỗi ngày, mà canxi là chất cần thiết để duy trì sức khỏe của xương. Nếu bạn không cung cấp đủ canxi cho cơ thể để đưa vào máu, cơ thể sẽ lấy canxi từ xương để sử dụng cho các bộ phận khác. Lúc này, mật độ xương sẽ dần dần suy giảm và dẫn tới tình trạng loãng xương, giòn xương.
- Tốt cho tóc
Hàm lượng sắt cao trong mật mía có thể giúp tóc khỏe mạnh. Mặc dù rụng tóc thường liên quan đến sự thiếu hụt vitamin và khoáng chất chứ không cụ thể là do thiếu sắt. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy tình trạng thiếu sắt thường gặp ở phụ nữ bị rụng tóc.
Hơn nữa, thiếu sắt có thể khiến tóc chuyển sang màu xám, bạc trong thời thơ ấu và tuổi trưởng thành sớm. Vì vậy, bổ sung khoáng chất này có thể cải thiện tình trạng bạc tóc sớm.
- Lợi ích khác
Ngoài những lợi ích trên, mật mía có có thể đem lại một số lợi ích khác nhưng chưa được nghiên cứu chứng minh:
+ Điều trị viêm khớp: Mật mía được cho là có đặc tính chống viêm, giúp giảm đau khớp.
+ Kiểm soát đường huyết ổn định: Người ta cho rằng mật mía không làm tăng lượng đường trong máu của bạn vì nó có chỉ số đường huyết (GI) thấp, nhưng một số quan điểm khác cho rằng mật mía giúp ổn định đường huyết do chứa nhiều carb.
+ Khắc phục chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD): Chỉ số đường huyết thấp của mật mía được cho là có tác dụng hỗ trợ cải thiện chứng rối loạn tăng động giảm chú ý bằng cách ngăn chặn lượng đường trong máu tăng vọt, điều này có thể dẫn đến mất tập trung.
2. Rủi ro sức khỏe liên quan đến mật mía
Bên cạnh những lợi ích, mật mía có thể gây ra một số rủi ro liên quan đến sức khỏe, chẳng hạn như có thể gây ung thư.
Mật mía chứa hàm lượng hóa chất acrylamide rất cao, có thể gây ung thư. Acrylamide là chất được hình thành trong thực phẩm khi đường và axit amin asparagine phải chịu một số phương pháp nấu ở nhiệt độ cao nhất định, chẳng hạn như chiên, rang và nướng.
Hiện tại vẫn còn một số ý kiến trái chiều xung quanh quan điểm này. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã tìm thấy mối liên quan có thể có giữa việc tiêu thụ acrylamide và việc tăng nguy cơ u ác tính, ung thư hệ bạch huyết và tử vong chung do ung thư.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến nghị giảm lượng acrylamide trong thực phẩm, nhưng hiện tại không có giới hạn trên về lượng acrylamide tiêu thụ cũng như không có hướng dẫn nào về sự hiện diện của acrylamide trong thực phẩm.
3. Câu hỏi liên quan
- Ăn mật mía có béo không?
Ăn mật mía không nhất thiết làm bạn béo nếu sử dụng với lượng vừa phải. Mật mía chứa lượng calo tương tự như đường thông thường, trong 15ml mật mía có chứa 60 calo. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ quá mức, calo dư thừa có thể dẫn đến tăng cân. Do đó, quan trọng là phải duy trì một chế độ ăn cân đối và lành mạnh.
Ngoài ra, còn phụ thuộc vào các nguyên liệu khi kết hợp với mật mía. Chẳng hạn, khi sử dụng mật mía làm bánh chưng, các nguyên liệu làm bánh chưng có hàm lượng calo cao. Vì vậy, khi bạn ăn bánh chưng mật quá nhiều và ít vận động thì cơ thể sẽ dễ tăng cân.
Điều quan trọng để kiểm soát cân nặng là bạn phải đảm bảo lượng calo tiêu hao nhiều hơn lượng calo nạp vào.
- Nên chọn mật mía như thế nào?
Để lựa chọn mật mía ngon, bạn nên chú ý những điểm sau:
+ Màu sắc: Mật mía chất lượng tốt thường có màu cánh gián hoặc nâu sẫm, tự nhiên, không quá đậm hoặc nhạt.
+ Độ sánh: Mật mía tốt có độ sánh vừa phải, không quá loãng và cũng không quá đặc.
+ Mùi: Mật mía ngon có mùi thơm đặc trưng của mía, không có mùi lạ hoặc mùi chất bảo quản.
+ Vị: Thử một ít mật mía, nó nên có vị ngọt tự nhiên, không quá gắt và không có vị đắng hoặc chua.
+ Đóng gói: Chọn những sản phẩm có bao bì đóng gói cẩn thận, ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng, và thông tin nhà sản xuất.
Nhìn chung, mật mía vẫn đem lại nhiều lợi ích sức khỏe hơn là rủi ro. Tuy nhiên, cũng như bất kể một loại thực phẩm nào đó, nếu bạn bổ sung mật mía một cách cân bằng thì bạn vẫn có thể nhận được nhiều lợi ích sức khoẻ hơn và rủi ro liên quan đến sức khoẻ là không đáng lo ngại.
Tốt hơn hết là bạn không nên ăn mật mía một cách quá thường xuyên, bổ sung đa dạng các nguồn thực phẩm khác để đảm bảo cơ thể có nguồn dinh dưỡng đa dạng.