pnvnonline@phunuvietnam.vn
Loại nước có chứa 500 tỷ lợi khuẩn, giúp tăng cường miễn dich và chống lại ung thư
Loại nước này được gọi là nước kefir.
Nước kefir là một loại đồ uống có ga, lên men từ hỗn hợp nước đường và hạt kefir. Thức uống này hoàn toàn không có sữa. Mặc dù gọi là hạt nhưng kefir thực chất là vi khuẩn khỏe mạnh và nấm men. Chúng giống như thạch, nhỏ, có hình dạng không đều và có màu vàng nhạt.
Trong 250ml nước kefir có chứa đến 500 tỷ lợi khuẩn, giúp cải thiện sức khỏe đường ruột và có thể hỗ trợ quá trình tiêu hóa của bạn. Một số lợi khuẩn được tìm thấy trong nước kefir như lactobacillus, lactococcus, streptococcus và leuconostoc.
1. Dinh dưỡng của kefir
Theo WebMD, nước kefir được làm từ hạt kefir, trong loại hạt này có lượng dinh dưỡng đa dạng như:
- Vitamin B12
- Canxi
- Vitamin K
- Riboflavin
- Folate
- Phốt pho
2. Lợi ích sức khoẻ của nước kefir
Dưới đây là những lợi ích nổi bật của nước kefir đối với sức khoẻ:
- Tốt cho hệ tiêu hoá
Nước kefir là nguồn cung cấp men vi sinh tuyệt vời như Lactobacillus và Lactococcus. Việc bổ sung những vi khuẩn tốt này vào chế độ ăn uống của bạn có thể làm giảm bớt các vấn đề về tiêu hóa như táo bón và hội chứng ruột kích thích.
Mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột có thể khiến bạn bị "rò rỉ ruột" gây ra các bệnh tiêu hóa liên quan đến viêm nhiễm. Nước kefir có thể giúp củng cố hàng rào ruột của bạn để hạn chế tình trạng viêm.
- Điều chỉnh lượng đường trong máu
Các chủng vi khuẩn trong kefir có thể giúp tế bào cơ tăng khả năng hấp thụ glucose. Điều này giúp cơ thể bạn điều chỉnh lượng glucose tốt hơn.
Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy nước kefir có thể cải thiện nồng độ huyết sắc tố. Điều này giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu có thể dẫn đến biến chứng thận nếu bạn mắc bệnh tiểu đường.
- Phòng chống ung thư
Mặc dù nghiên cứu hiện tại chỉ giới hạn ở các nghiên cứu trong ống nghiệm, nhưng một số nghiên cứu cho thấy nước kefir có thể giúp làm giảm sự phát triển của một số loại ung thư, chẳng hạn như ung thư vú, ung thư máu và ung thư ruột kết.
Tác dụng chống ung thư của nước kefir được cho là do chất chống oxy hoá trong loại nước này. Hơn nữa, nước kefir rất giàu men vi sinh, có thể giúp tăng cường chức năng miễn dịch để có khả năng hỗ trợ ngăn ngừa ung thư.
- Tăng cường miễn dịch
Nhờ nồng độ vi khuẩn có lợi cao, việc thêm nước kefir vào chế độ ăn hàng ngày có thể giúp hệ thống miễn dịch của bạn tăng cường mạnh mẽ.
Các nghiên cứu cho thấy rằng một số chủng men vi sinh nhất định có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường ruột, ngăn ngừa tái phát nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ và thậm chí ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp.
Ngoài ra, một nghiên cứu nhỏ kéo dài sáu tuần ở 18 người cho thấy tiêu thụ kefir hàng ngày có thể kiểm soát tình trạng viêm và tối ưu hóa mức độ tế bào miễn dịch trong cơ thể.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính
Nước kefir có khả năng điều trị bệnh béo phì. Trong một nghiên cứu, nước kefir làm cho các enzyme tiêu hóa hấp thụ ít chất béo và carbohydrate ở động vật.
Các nghiên cứu khác cho thấy nước kefir có thể làm giảm mức cholesterol bằng cách hạn chế khả năng hấp thụ của ruột non.
Đặc biệt, uống nước kefir có thể giúp bạn duy trì huyết áp khỏe mạnh. Kefir dường như làm giảm sản xuất aldosterone. Aldosterone cao có liên quan đến tăng huyết áp .
Thêm nữa, đặc tính chống viêm của nước kefir có thể giúp ích nếu bạn bị hen suyễn hoặc dị ứng . Một nghiên cứu trên động vật đã xác định được một loại men vi sinh cụ thể trong kefir giúp cải thiện chức năng hệ thống miễn dịch để giảm bớt bệnh hen suyễn và các triệu chứng dị ứng.
3. Tác dụng phụ của nước kefir
Nước kefir an toàn với hầu hết mọi người nhưng vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ, tuy nhiên các triệu chứng khá nhẹ.
Giống như các loại thực phẩm giàu men vi sinh khác, tác dụng phụ phổ biến nhất của nước kefir là các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, buồn nôn, táo bón và đau bụng. Những tác dụng phụ này có xu hướng giảm khi tiếp tục tiêu thụ.
Nhưng có điều đáng lưu ý, một số nghiên cứu liên kết men vi sinh với nguy cơ nhiễm trùng ở những người có hệ miễn dịch yếu. Do đó, bạn nên nói chuyện với bác sĩ trước khi thêm nước kefir vào chế độ ăn uống của bạn nếu bạn đang điều trị ung thư hoặc mắc một tình trạng có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn.
Hơn nữa, nước Kefir có thể chứa một lượng nhỏ cồn từ quá trình lên men. Trẻ em và những người nhạy cảm với rượu nên tránh loại đồ uống này.
Bạn cũng lưu ý thêm, nước kefir có hương vị nước ép trái cây có chứa thêm đường. Hạn chế những hương liệu như vậy nếu bạn mắc bệnh tiểu đường hoặc đang cố gắng giảm lượng đường trong chế độ ăn uống.
4. Cách làm nước kefir tại nhà
Cách làm nước kefir khá giống với cách làm trà kombucha, cụ thể:
- Sử dụng 1/2 cốc (118 ml) nước nóng với 1/4 cốc (50 gam) đường cho vào lọ và khuấy đều để hòa tan.
- Tiếp theo, thêm khoảng 3 cốc (710 ml) nước ở nhiệt độ phòng vào lọ cùng với nước kefir.
- Đậy nắp và đặt lọ ở nơi ấm áp với nhiệt độ khoảng 68–85°F (20–30°C) và để lên men trong 24–48 giờ.
- Sau đó, các hạt nước kefir có thể được tách ra khỏi hỗn hợp thì bạn có thể thưởng thức và thêm vào mẻ nước đường mới.
- Để tăng hương vị cho nước kefir, bạn có thể thêm nước ép trái cây hoặc bạc hà vào loại nước uống này.
Lưu ý: Bạn có thể tìm mua kefir ở nhiều nơi nhưng hãy kiểm tra mùi và màu sắc của kefir. Sản phẩm tốt thường có mùi dễ chịu và màu sắc tự nhiên. Ngoài ra, nên sử dụng bình thuỷ tinh để lên men kefir, tránh sử dụng bình nhựa.
Trước khi ngâm kefir, các bạn nên đảm bảo các dụng cụ đảm bảo vệ sinh, tránh các khuẩn có hại xâm nhập và làm hỏng nước kefir của bạn.
Một số dấu hiệu cảnh báo nước Kefir hỏng
Khi tự làm tại nhà, đặc biệt khi mới làm, bạn có thể lên men kefir không đúng cách và khiến nước lên men hỏng. Một số dấu hiệu có thể cho bạn biết rằng nước kefir của bạn đang có vấn đề:
- Mùi: Nước kefir hỏng thường có mùi hôi hoặc khác lạ so với mùi chua nhẹ thông thường của kefir lên men đúng cách.
- Màu sắc: Nếu nước kefir có màu sắc thay đổi, đặc biệt là có dấu hiệu của nấm mốc, hoặc có lớp váng lạ trên bề mặt thì có thể đã hỏng.
- Vị: Kefir có vị chua tự nhiên, nhưng nếu vị chua quá mạnh hoặc có vị đắng thì có thể sản phẩm đã bị hỏng.
- Cấu trúc: Kefir đôi khi có thể có cấu trúc đặc nhẹ, nhưng nếu nó trở nên quá đặc hoặc có kết cấu không đồng nhất, với sự xuất hiện của các cục mềm hoặc cứng, điều này có thể là dấu hiệu của việc hỏng.
- Khí gas: Kefir tự nhiên sản sinh ra một lượng khí nhẹ nhưng nếu bạn nhận thấy có quá nhiều bọt khí hoặc có áp suất lớn khi mở nắp bình chứa, điều này có thể là dấu hiệu không bình thường.