Loại quả vị chua chát tưởng chỉ ăn chơi chơi nhưng là vị thuốc phòng ung thư, đường huyết cực hiệu quả

LÊ PHƯƠNG.
22/09/2022 - 17:25
Loại quả vị chua chát tưởng chỉ ăn chơi chơi nhưng là vị thuốc phòng ung thư, đường huyết cực hiệu quả
Táo mèo lâu này vẫn được coi là loại quả dùng để ăn vặt, ăn thưởng thức khi vào mùa chín rộ. Tuy nhiên, ít ai biết nếu sử dụng đúng cách, đây còn là vị thuốc quý hỗ trợ điều trị nhiều bệnh.

Hiện đang bắt đầu đến mùa thu quả táo mèo, đây là loại quả có nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Nếu biết cách sử dụng, táo mèo không chỉ là loại quả ăn chơi, thưởng thức mà còn là vị thuốc có rất nhiều tác dụng chữa bệnh. Vậy táo mèo có giá trị dinh dưỡng, giúp phòng chống những bệnh gì và sử dụng làm vị thuốc ra sao, dưới đây là những phân tích của TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang - Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam.

Táo mèo có rất nhiều tác dụng với cơ thể

Từ thời xa xưa, táo mèo là một phần không thể thiếu của y dược dân tộc bản địa và được dân gian áp dụng để chữa nhiều loại bệnh. Đây là một cây thuốc dân tộc quý giá, có nguồn khoáng chất và vitamin quan trọng, các hợp chất tự nhiên chiết xuất từ quả táo mèo chứa polyphenol, đặc biệt là các alkaloid và flavonoid có đặc tính chống tăng đường huyết và chống tăng lipid máu.

Táo mèo có chứa hàm lượng cao các hợp chất hóa học như flavonoid và anthocyanins, có tác dụng chống oxy hóa và kháng khuẩn cùng với các hoạt tính sinh học đáng chú ý khác.

Về dinh dưỡng, 100g quả táo mèo chứa khoảng 62,2kcal, 203mg kali, 15mg natri và 200mg calci, 15-17mg vitamin C cùng các khoáng chất khác như magie, sắt, coban, đồng, kẽm, mangan. Cùng trọng lượng trên, táo mèo còn chứa khoảng 75-85% nước, chất béo thô tối thiểu và hàm lượng protein tương ứng là 0,17% và 1,94%, hàm lượng tro khoảng 2,64% và kết quả chiết xuất N2 tự do là 13,48%. Táo mèo khi ăn tươi làm giảm đáng kể bệnh ung thư, tiểu đường, bệnh tiêu hóa và các bệnh tim mạch.

Táo mèo không chỉ là loại quả ăn chơi chơi, nó còn có nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa. 

Các hợp chất phenolic cùng với các thành phần khác của các chất chuyển hóa thứ cấp trong táo mèo hoạt động như một nguồn chất chống oxy hóa nổi bật. Alkaloids, anthocyanin, cyanogenic glycoside, carotenoids, flavonoid, axit phytic và terpenoids là những chất chuyển hóa thứ cấp quan trọng có trong táo mèo có khả năng chống oxy hóa, chống tăng sinh, chống vi khuẩn, chống viêm, chống ung thư, hấp thụ tia UV.

Táo mèo là một nguồn chất xơ, khoáng chất và vitamin đáng kể. Carotenoids (Pro -vitamin A), vitamin A và E là các hợp chất có đặc tính chống oxy hóa và hoạt động thu dọn gốc tự do, đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các bệnh khác nhau.

Axit ascorbic (vitamin C) là vitamin chính có trong táo mèo. Mỗi ngày, cơ thể chúng ta cần khoảng 50mg vitamin C là nhu cầu cơ bản đối với một người trưởng thành tiêu chuẩn để phát triển. Axit ascorbic hoạt động như một chất khử mạnh liên kết với các gốc tự do và bảo vệ cơ thể khỏi những hậu quả bất lợi của chúng.

Các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy quả táo mèo có đặc tính chống tăng lipid máu, hạ đường huyết, giảm trọng lượng, kháng vi khuẩn kháng kháng sinh và hoạt tính gây độc tế bào chống lại các dòng tế bào ung thư Hela và HepG-2.

Một số vị thuốc, bài thuốc từ quả táo mèo

Ở Việt Nam, táo mèo được dùng làm thuốc với tên là sơn tra nam. Sơn tra có vị chua, ngọt, hơi chát; tính ấm; quy các kinh can, tỳ, vị; có tác dụng kiện vị, tiêu thực. Theo “Bản thảo bị yếu – Uông Ngang”, sơn tra có tác dụng kiện tỳ, tả khí trệ, tiêu tích, tán ứ, hóa đàm.

Táo mèo chế biến và sử dụng đúng cách là bài thuốc vô cùng tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa. 

Quả táo mèo được dùng làm dược liệu với nhiều cách và liều lượng khác nhau. Vị thuốc sơn tra có thể dùng dưới dạng quả tươi hoặc khô, thuốc sắc, tán bột, ngâm rượu, siro, cao đặc… với liều dùng 3-12g mỗi ngày quy đổi sang dược liệu khô.

Dưới đây là một số bài thuốc dân gian từ quả táo mèo:

- Chữa thực tích, ăn uống không tiêu: Táo mèo (sơn tra) 2 phần, bạch truật 2 phần, thần khúc 1 phần. Tán bột mịn, chưng lên làm hoàn to bằng hạt ngô đồng, mỗi lần dùng 70 hoàn uống cùng nước cơm.

- Chữa đái dầm và kiết lỵ: Vỏ quả táo mèo phơi khô, nghiền thành bột. Mỗi ngày sử dụng hai lần bằng cách pha một thìa cà phê bột (khoảng 10g) vào nước nóng.

- Chữa buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu: Quả táo mèo tươi cắt thành miếng, ngâm trong đường tạo thành siro.

- Chữa sỏi tiết niệu: Quả táo mèo được ngâm thành siro trong 2 tuần và sau đó có thể uống được.

- Hỗ trợ tiêu hóa: Táo mèo (sơn tra) 10g, hoàng liên 2g, trần bì 5g, chỉ thực 6g. Sắc uống ngày 1 thang. Hoặc tán bột sơn tra, mộc hương, thanh bì với lượng bằng nhau, ngày uống 2 lần mỗi lần 4g với nước sôi.

- Hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu: Táo mèo, mạch nha đem chế thành dạng trà và hãm uống ngày 2 lần, mỗi lần 30g trong 3 – 4 tuần.

- Giảm béo phì, mỡ máu: Táo mèo 15g, thảo quyết minh 15g, mạch nha 30g, lá sen 3g, trà xanh 3g, đường phèn 10g. Đầu tiên bỏ táo mèo, thảo quyết minh, mạch nha vào nồi đun 1 tiếng, sau đó cho lá sen, trà xanh đường phèn vào đun thêm khoảng 5 phút, lọc lấy nước uống thay trà.

Người có bệnh lý liên quan đến dạ dày không nên sử dụng táo mèo. Ảnh minh họa. 

Táo mèo có nhiều tác dụng đối với sức khỏe nhưng cần sử dụng cho đúng để có hiệu quả tốt và hạn chế các tác dụng không mong muốn. Cần lưu ý khi dùng táo mèo như sau:

- Người có tiền sử mắc bệnh lý về dạ dày nặng như viêm loét hoặc xuất huyết không nên sử dụng táo mèo quá nhiều, đặc biệt là các món ăn chua, cay từ nó;

- Không nên dùng táo mèo khi đói bụng;

- Người bị sâu răng và trẻ em đang trong thời kỳ đang thay răng không nên ăn nhiều táo mèo. Nó sẽ làm hỏng răng và ảnh hưởng không tốt đến quá trình mọc và phát triển răng của trẻ;

- Không nên ăn táo mèo cùng gan lợn;

- Không nên ăn táo mèo cùng các loại rau củ có chứa enzyme thủy phân vitamin C như dưa chuột, bí ngô, cà rốt… vì sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng của táo mèo;

- Không nên ăn táo mèo cùng hải sản giàu canxi, sắt, carbon, i-ốt và các khoáng chất, protein khác. Trong táo mèo có chứa axit tannic, nếu ăn chung với hải sản sẽ tổng hợp ra protein tannin, chất này có thể gây táo bón, gây buồn nôn, nôn, đau bụng;

- Táo mèo có tác dụng thúc đẩy co bóp tử cung, phụ nữ mang thai ăn không nên ăn nhiều loại quả này;

- Không nên lạm dụng rượu táo mèo, uống quá nhiều sẽ gặp phải những tác hại của rượu nói chung.

Lưu ý: Khi sử dụng táo mèo làm vị thuốc cần nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được đánh giá tình trạng bệnh và có bài thuốc phù hợp.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm