pnvnonline@phunuvietnam.vn
Loại rễ cây được ví như "máy thanh lọc máu" và phòng ngừa ung thư
Rễ cây ngưu bàng rất giàu chất chống oxy hóa và có thể được sử dụng như một loại thuốc tự nhiên cho nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau. Rễ cây ngưu bàng có thể được dùng dưới dạng trà, bột hoặc chiết xuất và trong nhiều món ăn.
Cây ngưu bàng là cây gì?
Cây ngưu bàng là một loại cây thuộc họ Asteraceae. Cây có nguồn gốc từ Bắc Á và Châu Âu nhưng được trồng ở những nơi khác trên thế giới, bao gồm cả Bắc Mỹ. Thông thường, rễ cây ngưu bàng được làm thành trà và cho nhiều lợi ích nhất nhưng quả và hạt cây ngưu bàng cũng có thể được dùng làm thuốc.
1. Tác dụng của rễ cây ngưu bàng đối với sức khỏe
Mặc dù có nhiều công dụng của rễ cây ngưu bàng được truyền miệng nhưng chỉ có một số được nghiên cứu khoa học chỉ ra. Gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thêm nhiều công dụng tiềm năng cũng như những lợi ích sức khỏe của rễ cây ngưu bàng mang lại. Điều này có thể đủ căn cứ để việc sử dụng rễ cây ngưu bàng được đảm bảo như một phương pháp điều trị bổ sung cho một số tình trạng sức khỏe nhất định.
Rễ cây ngưu bàng rất giàu inulin (chiếm 50% - 70%), chất xơ prebiotic và các hợp chất dinh dưỡng thực vật như flavonoid, chất phytochemical cùng chất chống oxy hóa khác đặc biệt có lợi cho sức khỏe.
1.1. Nguồn chống oxy hóa mạnh mẽ
Rễ cây ngưu bàng đã được chứng minh là chứa nhiều loại chất chống oxy hóa mạnh mẽ bao gồm quercetin, luteolin và axit phenolic.
Các chất chống oxy hóa bảo vệ các tế bào trong cơ thể khỏi bị hư hại do các gốc tự do gây ra cũng như hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa một số tình trạng sức khỏe cơ bản. Các gốc tự do có thể là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh tật như ung thư, lão hóa và các rối loạn viêm nhiễm.
Chất chống oxy hóa cũng giúp giảm viêm. Theo Healthline, rễ cây ngưu bàng có tác dụng giảm dấu hiệu viêm trong máu của bệnh nhân bị viêm xương khớp.
1.2. Loại bỏ độc tố khỏi máu
Theo Healthline, một trong những công dụng được lưu truyền phổ biến nhất của rễ cây ngưu bàng chính là thanh lọc máu. Mặc dù có rất ít bằng chứng khoa học phương Tây ủng hộ điều này nhưng trong Y học cổ truyền Trung Quốc, rễ cây ngưu bàng từ lâu đã đóng vai trò trong việc giải độc cơ thể hoặc thanh lọc máu.
Bằng chứng gần đây đã phát hiện ra rằng rễ cây ngưu bàng có chứa các hoạt chất trong bộ rễ có tác dụng loại bỏ độc tố khỏi máu, đồng thời thúc đẩy lưu thông máu trên bề mặt da. Công dụng này có thể là nhờ khả năng chống lại một số bệnh nhiễm trùng và vi khuẩn của rễ cây. Tuy vậy, trước khi dùng rễ cây ngưu bàng để thanh lọc máu, hãy tham vấn ý kiến bác sĩ.
1.3. Có thể ức chế một số loại ung thư
Theo Medical News Today, một nghiên cứu năm 2016 cho thấy cây ngưu bàng có thể làm chậm sự phát triển của khối u ung thư vú.
Các gốc tự do và chứng viêm đều có liên quan tới sự phát triển của ung thư. Khả năng chống oxy hóa và chống viêm của rễ cây ngưu bàng có thể là cơ chế của tác dụng này. Cụ thể, các flavonoid và polyphenol trong rễ cây ngưu bàng có thể giúp làm chậm sự phát triển của khối u cũng như giảm đau do một số bệnh ung thư. Tuy vậy, chúng ta vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định đầy đủ tác dụng của cây ngưu bàng đối với các loại ung thư và khối u khác nhau.
1.4. Điều trị các vấn đề về da
Rễ cây ngưu bàng từ lâu cũng đã được sử dụng để điều trị các tình trạng da như mụn trứng cá, vẩy nến hoặc bệnh chàm nhờ khả năng chống viêm và kháng khuẩn khi bôi tại chỗ.
Một số bài thuốc từ cây ngưu bàng chữa bệnh về da:
- Rễ ngưu bàng dùng tươi nấu làm nước rửa vết thương (nấm bàn chân, chàm và chàm bội nhiễm, hắc lào)
- Lá ngưu bàng tươi, giã đắp vào nơi tổn thương (mụn, nhọt, áp xe, vết côn trùng cắn).
- Lá tươi ngâm rượu (10 lá/100ml rượu) dùng bôi chữa ngứa trong 1 tuần.
- Hạt ngưu bàng pha hãm như nước trà dùng để rửa mặt trị mụn, mẩn ngứa.
- Rễ ngưu bàng nấu chín, pha nước tắm, giúp ra mồ hôi, chữa mẩn ngứa làm sạch da, mềm da; xông chữa mụn trên mặt.
1.5. Cải thiện hội chứng chuyển hóa
Hội chứng chuyển hóa được đặc trưng bởi huyết áp cao, lượng đường trong máu và cholesterol cao và tăng mỡ vùng bụng.
Theo Medical News Today, một nghiên cứu năm 2014 cho thấy rễ cây ngưu bàng có thể giúp giảm lượng đường trong máu tăng cao tới mức nguy hiểm. Một nghiên cứu nhỏ khác trên nhóm phụ nữ lớn tuổi bị mắc các hội chứng chuyển hóa cũng cho thấy trà từ rễ cây ngưu bàng có thể giúp tăng nội tiết tố và DHEA-S (dehydroepiandrosterone sunfat) giúp cải thiện các thành phần của cơ thể - từ đó giúp giảm các tình trạng của hội chứng chuyển hóa.
Tuy nhiên, quy mô của các nghiên cứu còn khá nhỏ và vẫn cần mở rộng hơn với các quần thể lớn để chắc chắn về công dụng này.
1.6. Rễ cây ngưu bàng chữa cảm lạnh được không?
Trong nhiều thế kỷ, rễ cây ngưu bàng đã được sử dụng để chữa cảm lạnh thông thường, viêm họng và các nhiễm trùng khác nhờ đặc tính kháng khuẩn và đặc biệt hữu ích trong việc tiêu diệt màng sinh học của những khuẩn lạc (colonies of bacteria) lớn và bám dính.
Ngoài rễ ngưu bàng thì hạt ngưu bàng (ngưu bàng tử) cũng là vị thuốc quen thuộc trong chữa các bệnh viêm họng, cảm lạnh, sốt, ho có đờm.
- Bài thuốc chữa ngoại cảm phong nhiệt (sốt, ho có đờm, viêm họng) từ ngưu bàng tử: Chuẩn bị ngưu bàng tử, kim ngân hoa, liên kiều, đạm đậu xị, mỗi vị 8 - 12 gam. Cát cánh, trúc diệp, bạc hà mỗi vị 8 - 12 gam, kinh giới tuệ 4 - 6 gam cam thảo 2 - 4 gam. Đem các nguyên liệu này sắc lấy nước uống.
- Bài thuốc rễ ngưu bàng chữa viêm họng, viêm amidan, viêm tuyến nước bọt, sởi, thủy đậu: Rễ ngưu bàng 30 gam đem sắc lấy 100ml nước (bỏ bã). Nấu cháo riêng. Khi cháo chín cho nước cốt ngưu bàng vào rồi đun sôi lại. Thành phẩm cháo đem ăn, ngày ăn 2 lần, ăn trong 5-7 ngày.
1.7. Lợi tiểu
Rễ cây ngưu bàng cũng có thể hoạt động như một loại thuốc lợi tiểu giúp loại bỏ nước ra khỏi cơ thể, giảm bớt tình trạng giữ nước cho những người mắc các bệnh có thể gây tích nước cho cơ thể hay đang sử dụng thuốc có tác dụng phụ giữ nước.
2. Tác dụng phụ của rễ cây ngưu bàng
Cây ngưu bàng có thể gây ra phản ứng dị ứng và các tác dụng phụ không mong muốn - mặc dù khá hiếm gặp và hầu hết chỉ giới hạn ở các tường hợp báo cáo. Chẳng hạn như một nam giới ở Nhật Bản báo cáo bị khó thở và nổi mề đay sau khi ăn rễ cây ngưu bàng. Một phụ nữ uống trà ngưu bàng giải độc cùng các thành phần thảo được khác trong một tháng đã bị tổn thương gan cấp tính và đau dạ dày.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý đó là tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng và nếu bạn cảm thấy khó thở, hãy nhanh chóng gọi cấp cứu để được can thiệp.
Bạn nên tránh sử dụng rễ cây ngưu bàng nếu là:
- Phụ nữ đang mang thai, chuẩn bị mang thai hoặc đang cho con bú
- Trẻ dưới 18 tuổi
- Người có tiền sử dị ứng với thực vật như hoa cúc trừ khi có đề nghị sử dụng từ bác sĩ
- Người đang dùng thuốc lợi tiểu, thuốc trị tiểu đường hoặc thuốc chống đông máu, thuốc trị ung thư cisplatin, quercetin và tamoxifen.
Ngoài ra người đang có các tình trạng sức khỏe mãn tính hoặc đe dọa tới tính mạng cũng nên hỏi bác sĩ trước khi sử dụng rễ cây ngưu bàng.
3. Lưu ý khi sử dụng
- Nếu bạn đang dùng chất bổ sung từ cây ngưu bàng, chỉ sử dụng ở mức độ vừa phải và cần phải dùng theo chỉ định của bác sĩ.
- Cây ngưu bàng được coi là an toàn để ăn nhưng bạn chỉ nên mua từ người bán uy tín thay vì tự thu hái ngoài tự nhiên bởi có một số loại cây có độc tính cao nhìn khá giống với ngưu bàng như bạch dương belladonna.
- Rễ cây ngưu bàng có hàm lượng inulin cao nên có thể gây chướng bụng hoặc đầy hơi tạm thời sau khi ăn. Triệu chứng sẽ nghiêm trọng hơn nếu bạn bị nhạy cảm với các thực phẩm nhiều inulin khác.
- Liều lượng: Có rất ít nghiên cứu và hướng dẫn về lượng rễ cây ngưu bàng được khuyến nghị hàng ngày. Nếu bạn định sử dụng ở dạng thuốc bổ sung thì cần tham vấn bác sĩ trước. Rễ ngưu bàng tươi khi ăn cần phải gọt vỏ; ăn sống hoặc nấu chín đều được.
Rễ cây ngưu bàng cũng có thể ở dạng bột, trà hoặc lên men. Một ly trà ngưu bàng mỗi ngày được coi là an toàn.
- Các món ăn từ rễ cây ngưu bàng có thể kể đến như: kimbap, rễ ngưu bàng xào, rễ ngưu bàng lên men, rễ ngưu bàng chiên giòn,...
Nhìn chung, nhiều nghiên cứu về tác dụng của rễ cây ngưu bàng cũng như cây ngưu bàng chưa có kết luận chắc chắn nên bạn không nên sử dụng nó thay cho bất kì phương pháp điều trị bệnh nào đang được chỉ định. Hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ để nhận được lời khuyên về liều lượng thích hợp với thể trạng của bản thân.