Lời khẩn cầu của 3 mẹ con trong Ngôi nhà tạm lánh

29/11/2016 - 09:51
"Cháu mong muốn bố mẹ cháu ly dị sớm. Cháu mong bố hãy giải thoát cho 3 mẹ con cháu để mẹ không phải chịu đựng sự bạo hành về tinh thần và thể xác như thế. Mẹ không phải lo lắng, bất an mỗi khi về nhà…”.
Gạt những giọt nước mắt đang lăn dài trên má, cô bé Nguyễn Thị Phương H. nói như khẩn cầu để mẹ được giải thoát khỏi những ngày tháng bạo hành gia đình. Trường hợp mẹ con H. gặp phải không hiếm trong xã hội hiện nay, khi nhiều người phụ nữ vẫn phải chịu cảnh bạo lực gia đình.

Dùng gạch để "nói chuyện" với vợ

Tôi gặp 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Phương Thảo vào những ngày cuối của Tháng hành động vì Bình đằng giới và phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới. Cái tháng mà lẽ ra người phụ nữ nào cũng được sống trong sự yêu thương, sẻ chia thì 3 mẹ con chị lại cun cút chăm nhau ở ngôi nhà tạm lánh. Từng câu chuyện về mảnh đời chị như những thước phim đen đúa về những ngày tháng bị chồng đánh đập, bạo hành… khiến người nghe không khỏi rùng mình.
bao-hanh-1.JPG
Chị Nguyễn Thị Phương Thảo
Ngồi đối diện chúng tôi tại tầng 4, ngay phía bên ngoài phòng Tham vấn thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát triển là 2 mẹ con chị Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 1976, trú tại tổ 13, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Chị Thảo cùng 2 con là Nguyễn Thị Phương H. (SN 2000) và Nguyễn Thị Sao M. (SN 2002) đang lưu trú tại Ngôi nhà tạm lánh của Trung tâm này.

Thỉnh thoảng chị Thảo lại lấy tay lau nước mắt khi kể lại câu chuyện của cuộc đời mình. Chị kể về lý do mà 3 mẹ con chị phải rời ngôi nhà 4 tầng do bố để lại để dắt díu nhau tạm lánh ở một ngôi nhà xa lạ. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, có một chỗ để lánh nạn có lẽ đã là niềm an ủi lớn nhất với 3 mẹ con chị Thảo.

Chị Thảo kết hôn với anh Nguyễn Quốc Lộc năm 2000. Cùng năm đó, chị sinh con gái đầu lòng Nguyễn Thị Phương H. và 2 năm sau thì sinh cháu Nguyễn Thị Sao M. Cả 2 con đều ngoan ngoãn, chịu khó học hành. Thế nhưng, cuộc sống của vợ chồng chị lại thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Mỗi lần như thế, chồng lại trút những trận đòn lên 3 mẹ con.

(Chị Thảo kể về việc 3 mẹ con bị bạo hành)

“Từ năm 2011 đến nay, mâu thuẫn vợ chồng ngày càng nặng. Chồng tôi thường xuyên chửi bới, đánh đập tôi và 2 con gái. Số lần hành hung ngày càng nhiều và mức độ càng trầm trọng. Tôi nhiều lần phải nhập viện cấp cứu vì bị chồng bạo hành”, chị Thảo nói.

Chị nhớ như in cái ngày 12/7/2016. Tối hôm đó, khi chị hỏi chồng về giấy tờ nhà và di chúc bố để lại thì anh Lộc chửi bới rồi lao vào đấm liên tiếp vào mặt chị Thảo. “Thấy bố đánh mẹ, cháu H. chạy từ tầng 3 xuống can ngăn thì anh ấy đấm luôn vào mặt con. May mà con gái thứ 2 chạy thoát ra ngoài cầu cứu hàng xóm, họ hàng nên mọi người vội sang can ngăn, lúc đó 2 mẹ con tôi mới thoát ra ngoài để trình báo công an”, người phụ nữ này nhớ lại.

Lần đó, mặc dù 2 mẹ con bị đánh đau nhưng chị Thảo vẫn hy vọng chồng sẽ tu tỉnh nên không làm to chuyện. Chỉ nhờ công an phường cảnh cáo, nhắc nhở chồng mình không có hành vi bạo lực gia đình. Tại cơ quan công an, anh Lộc cũng đã xin lỗi vợ con nên mọi việc tạm lắng xuống. Tưởng có thể níu giữ được gia đình và làm lại, nhưng ngờ đâu mẹ con chị lại rơi vào vòng xoáy bạo hành gia đình.

Cuối tháng 10/2016, hai vợ chồng lại xảy ra mâu thuẫn to tiếng. Lo sợ chị Thảo sẽ bị đánh, hàng xóm họ hàng đã sang can ngăn. Thế nhưng, khi mọi người về hết, anh Lộc cầm viên gạch rồi lao vào túm tóc vợ và đánh liên tiếp vào đầu, gáy vợ. Thấy bố hành hung mẹ dã man, cháu Phương H. hét toáng lên kêu cứu. Hàng xóm lại chạy vào can ngăn, giằng chị Thảo ra khỏi chồng thì mới thôi bị đánh. Nhưng lúc đó, máu trên đầu chị Thảo chảy ra rất nhiều khiến chị phải vào viện cấp cứu.

Sự việc sau đó được báo lên công an phường Hoàng Văn Thụ, cơ quan này đã thụ lý vụ việc và đưa chị Thảo đi khám thương tại Bệnh viện Thanh Nhàn. 

“Xin hãy giải thoát cho mẹ cháu!”

Sau quá nhiều lần bị bạo hành và mức độ ngày càng trầm trọng, chị Thảo đã đi đến quyết định đơn phương nộp đơn ly hôn. Thế nhưng, thấy vợ ly hôn, anh Lộc lại không đồng ý và càng đánh chị nhiều hơn. Mẹ con chị luôn sống trong tình trạng lo lắng, bất an vì có thể bị đánh bất kể lúc nào. Chị Thảo đã làm đơn cầu cứu gửi đến Báo Phụ nữ Việt Nam.

Đến giữa tháng 10/2016, thông qua một vài người bạn, 3 mẹ con chị biết tới Ngôi nhà tạm lánh của Trung tâm Phụ nữ & Phát triển (TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam). Để đảm bảo an toàn cho 2 con và chính mình, chị Thảo đã đưa 2 cháu đến tạm lánh tại ngôi nhà này.

Mặc dù vào đây, việc đi lại học hành của 2 con sẽ vất vả hơn, nhưng Phương H. như ý thức được trách nhiệm của người chị cả nên hàng ngày cháu chở em đi học rồi mới tới trường. Tan học, cháu lại đến đón em rồi cả 2 về Ngôi nhà tạm lánh cùng với mẹ. Còn chị Thảo, hàng ngày vẫn phải đi làm thuê để kiếm tiền trang trải việc học cho 2 con.

(Chia sẻ của cháu Nguyễn Thị Phương H. với PV Báo PNVN)

Tuy nhiên, 3 mẹ con đang rất lo lắng sau 3 tháng nữa, sẽ không biết ở đâu, vì theo quy định Nhà tạm lánh chỉ cho ở tối đa 3 tháng. "Sau 3 tháng nữa, nếu tòa chưa xử ly hôn cho tôi thì không biết 3 mẹ con sẽ phải ở đâu đây. Tôi đi làm chỉ đủ nuôi 2 con ăn học, nếu phải thuê nhà nữa thì không kham nổi. Còn về nhà với anh ấy ư? Tôi và các con không dám về nếu anh ấy vẫn ở đó”, chị Thảo lo lắng.

Có chung nỗi lo lắng giống mẹ, cháu Phương H. cho biết, dù ở đây đi học xa nhưng 2 chị em vẫn có thể cố gắng vì không còn lo nhìn thấy cảnh bố đánh mẹ. “Ở nhà bố chỉ có đánh 3 mẹ con cháu, bố hành hung mẹ, gây tổn thương cả thể xác lẫn tinh thần cho mẹ. Cháu thật sự rất buồn và rất là tức khi mẹ cả ngày đi làm nuôi 2 chị em cháu ăn học mà lại phải chịu sự chửi bới, bạo hành của bố. Chỉ vì không vừa ý  mà bố cháu lại đánh mẹ. Nhìn cảnh ấy, cháu thấy rất sợ. Nếu mẹ cháu mất đi thì bọn cháu sẽ không có ai để nương tựa”, Phương H. buồn rầu.

Nói về mong muốn của 2 chị em lúc này, Phương H. chia sẻ: “Cháu có mong muốn bố mẹ cháu ly dị sớm. Cháu mong bố hãy giải thoát cho 3 mẹ con cháu để mẹ không phải chịu đựng sự bạo hành về tinh thần và thể xác như thế. Mẹ không phải lo lắng, bất an mỗi khi về nhà!”.

Được biết, hiện chị Thảo đã nộp đơn ly dị tới TAND quận Hoàng Mai (Hà Nội) và cơ quan này đã thụ lý hồ sơ.

Một khi hạnh phúc không còn, đổi lại là sự đau đớn về thể xác, tinh thần vì bạo hành, có lẽ giải pháp tốt nhất chính là sự giải thoát cho nhau.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm