pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lời khuyên của bác sĩ: Những điều nên và không nên làm trong quá trình phòng chống Covid-19
- 1. Nên thực hiện trong quá trình phòng chống Covid-19
- 1.1. Kiểm soát nhiễm khuẩn cho gia đình
- 1.2. Tăng cường sức đề kháng
- 1.3. Cập nhật thông tin đúng không gây hoang mang
- 1.4. Chủ động khai báo chính xác
- 2. Những việc không nên làm
- 2.1. Không tích trữ thực phẩm
- 2.2. Hiểu đúng và không chia sẻ cảm xúc tiêu cực về Covid-19
Do đó, để hiểu rõ về bệnh cũng như đưa ra các biện pháp phòng tránh đạt hiệu quả, an toàn nhất thì mọi người cần hiểu đúng dịch bệnh Covid-19 là dịch bệnh như thế nào, diễn ra ra sao và phòng chống bằng cách nào để đảm bảo vệ sinh, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho mọi người.
Theo đó, bác sĩ Trần Quốc Khánh thuộc khoa phẫu thuật cột sống Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã chia sẻ với phụ huynh cũng như cộng đồng về những việc nên làm và những việc không nên làm trong quá trình phòng chống bệnh Covid-19.
1. Nên thực hiện trong quá trình phòng chống Covid-19
1.1. Kiểm soát nhiễm khuẩn cho gia đình
Phụ huynh có thể thực hiện kiểm soát, nhiễm khuẩn cho cả gia đình bằng nhiều phương pháp như: Rửa tay thường xuyên, nên thực hiện rửa tay khô khi ra ngoài hay từ ngoài về.
- Thực hiện đeo khẩu trang đúng quy định.
- Hạn chế tụ tập nơi đông người.
- Bổ sung nhiều nước cho cơ thể, uống nhiều nước hơn.
- Luôn giữ gìn vệ sinh răng miệng, thực hiện súc miệng thường xuyên bảo vệ họng.
- Có thể sử dụng khẩu trang vải, giặt sạch đối với người dân để nhường khẩu trang y tế cho các bác sĩ, y tá ở tuyến đầu.
1.2. Tăng cường sức đề kháng
- Bổ sung dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày để gia đình nâng cao sức đề kháng.
- Nâng cao sức đề kháng bằng cách tập thể dục, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc.
- Bổ sung men vi sinh, thực phẩm kháng khuẩn, vitamin C,...
- Không nhất định phải ở trong nhà, bạn nên lựa chọn những nơi có không gian yên tĩnh, thoáng người, nhiều ánh nắng để ra ngoài đón ánh nắng mặt trời, tập thể dục.
- Luôn đảm bảo vệ sinh trong gia đình, khu vực xung quanh, các bề mặt hàng ngày tiếp xúc ít nhất 1 lần mỗi ngày.
1.3. Cập nhật thông tin đúng không gây hoang mang
Hiện nay, Internet phát triển một cách mạnh mẽ. Vì vậy, có rất nhiều thông tin từ các báo không chính thống dễ gây hoang mang cho người dân. Do đó, để đảm bảo và đưa ra các biện pháp phòng chống dịch bệnh một cách tốt nhất, người dân cần cập nhật thông tin từ những nguồn báo tin cậy như: Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin Hà Nội, WHO,...
Ngoài ra, người dân nên ghi nhớ các triệu chứng nổi bật của Covid-19: Ho khan, đau rát cổ, rất đau cổ, sốt, sốt cao, bị khó thở, tức ngực dữ dội. Những đặc điểm này giúp người dân có thể phân biệt được bị nhiễm Covid-19 hay do bị cảm cúm thông thường.
Cảm cúm thông thường xảy ra khi bị đau nhức toàn thân, hiện tượng hắt hơi, xổ mũi và sốt nhẹ. Từ đó, cẩn trọng khi có những triệu chứng, dấu hiệu của nhiễm Covid-19 lập tức chủ động báo cho cơ quan y tế gần nhất để nhận được hỗ trợ và kịp thời cách ly.
1.4. Chủ động khai báo chính xác
Ghi nhớ số điện thoại đường dây nóng chống Covid-19 là 1900-9095 và 1900-3228 để gọi trong trường hợp khẩn cấp.
Thực hiện nguyên tắc chủ động khai báo khi gia đình có người thân về nước. Ý thức, tự giác tuân thủ và khai báo cũng như cách thực hiện cách ly khi có yêu cầu để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
2. Những việc không nên làm
2.1. Không tích trữ thực phẩm
Thay vì mua thực phẩm tích trữ nên mua thuốc hạ sốt, nhiệt kế, vật dụng y tế để kiểm tra sức khỏe khi gặp tình trạng bất thường.
Bác sĩ cho biết khi tình trạng dịch bệnh Covid-19 diễn ra tại Việt Nam tăng mạnh, người dân đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm là điều không nên. Vốn dĩ, các cấp chính quyền từ địa phương đến thành phố đều rất minh bạch, chỉ đạo quyết liệt và sát nên người dân hoàn toàn có thể tin tưởng.
Hơn hết, mỗi hành động của người dân sẽ là yếu tố quyết định đến việc có thể dẹp bỏ được virus viêm phổi này hay không.
2.2. Hiểu đúng và không chia sẻ cảm xúc tiêu cực về Covid-19
Thực tế cho thấy mọi người đều dễ mất bình tĩnh khi bản thân hay những người xung quanh mình bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, cảnh giác nhưng không lơ là đó là cách tránh gây ra những hoang mang, dễ bị sa đà vào những tin tức chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội.
Hành động đó càng khiến cho mọi người bất an, lo lắng hơn. Khi suy nghĩ tiêu cực, hệ miễn dịch sẽ giảm, điều này càng dễ khiến bạn mắc bệnh cao hơn cho mình, cho gia đình. Không nên chia sẻ những thông tin cũng như cảm xúc tiêu cực về dịch bệnh dễ gây hoang mang cho cộng đồng.
Đồng lòng cùng đẩy lùi Covid-19 là tự phòng tránh dịch một cách an toàn cho bản thân và gia đình.