pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lời nguyện cầu cho đứa em nuôi
Ảnh minh họa
Mẹ nhắn tôi lúc sáng sớm, một tràng dài: "Con gọi cho Nam đi, nó mất ngủ gần một tuần rồi. Mãi hôm qua nó mới chịu nói với mẹ. Nó đang bế tắc lắm. Dịch bệnh khiến mọi dự án của nó phải hủy. Mẹ xót thằng bé quá con à. Tiền mất còn có lúc kiếm được nhưng một khi niềm tin đã mất... Ôi, bao nhiêu ước mơ của nó! Con gọi cho em con đi, mẹ không biết an ủi nó thế nào".
Tôi không thể làm chủ cơ thể mình nữa, 10 ngón tay run bần bật. Không thể đứng vững, tôi đành ngồi thụp xuống, khóc như một đứa trẻ con. Nam kém tôi 3 tuổi. Mẹ mang em về khi tôi đang học cấp 2. Mẹ nói, Nam là con một người bạn thân của mẹ. Bố mẹ Nam phải sang nước ngoài theo diện xuất khẩu lao động, không thể mang theo con, họ rất đau lòng nhưng chẳng còn cách nào khác. Họ đành nhờ mẹ tôi chăm sóc Nam. Từ ngày Nam xuất hiện, tôi đã coi thằng bé như một người em của mình. Nam rất ngoan và chịu nhường nhịn tôi. Càng lớn, tôi càng thương Nam. Chưa bao giờ tôi tưởng tượng mình sẽ thế nào nếu thằng bé không sống cùng gia đình tôi nữa. Nhưng điều gì đến cũng đến. 18 tuổi, Nam quyết định chuyển vào Sài Gòn để có điều kiện theo đuổi niềm đam mê dành cho âm nhạc. Tôi buồn và hụt hẫng vô cùng. Nam biết điều đó. Trước khi ra sân bay, thằng bé gửi cho tôi một file ghi âm.
Tối muộn, sau khi khóc sưng 2 mắt, cơ thể mỏi rã rời, tôi đặt lưng lên giường, chạm tay vào file ghi âm, giọng em vang lên khắp phòng: "Chị của em! Đừng khóc nữa, xấu gái lắm đó. Thời gian em không ở nhà, chị phải tự biết chăm sóc bản thân, chăm sóc cả mẹ giúp em nữa nhé. À, chị đừng thức khuya nữa, nhất định phải giữ sức khỏe, chị biết chưa? Đừng lo cho em, em sẽ ổn. Thi thoảng em sẽ về với chị và mẹ. Thương chị của em!".
Nghe giọng Nam, tôi vừa giận vừa thấy thương. Nhưng tính cách của Nam là vậy. Thằng bé rất bướng, một khi đã quyết điều gì thì không ai cản được. Thời điểm đó, tôi chỉ biết tự trấn an bản thân bằng ý nghĩ: "Thằng bé này không thích làm những việc dễ dàng, không sao, thử thách sẽ khiến nó trưởng thành".
Tôi cũng dần thích nghi cuộc sống không có Nam. Ban ngày tôi đi làm, buổi tối, sau khi ăn uống, dọn dẹp xong, tôi thích cảm giác nằm dài trên giường, mở điện thoại xem Nam đang online hay không. Mỗi lần thấy nick của thằng bé sáng, tôi vừa mừng vừa lo, mừng vì có cảm giác Nam vẫn ở đó nhưng lo vì tôi biết Nam vẫn đang làm việc. Có đêm, tôi thao thức vì chờ mãi không thấy Nam chịu tắt máy đi ngủ. Tôi nhắn thì thằng bé không trả lời vì quá tập trung vào công việc.
Có hôm, tôi dắt xe ra cổng để chuẩn bị đi làm thì tình cờ nghe được tiếng xì xào từ bên hàng xóm. "Nghe nói thằng bé đấy chuyển hẳn đi rồi, không về đây nữa đâu. Như thế là hợp lý, sống với mẹ nuôi mãi sao được. Chả phải ruột thịt. Chưa kể đứa chị cũng trưởng thành rồi. Dù gì cũng là trai chưa vợ, gái chưa chồng. Tụi nó không thể dính với nhau mãi được, miệng thì "chị chị em em" ngọt xớt nhưng mẹ chúng nó cũng chả biết chúng nó nghĩ gì về nhau...".
Những lời nói ấy khiến tôi chột dạ. Có lẽ nào chính Nam cũng từng nghe được nên thằng bé mới quyết tâm chuyển đi thật xa? Gần đây, Nam không thường xuyên nhắn tin tâm sự với tôi như trước nữa. Thằng bé luôn giữ ý khiến tôi có cảm giác ngày càng xa cách. Người duy nhất Nam chịu chia sẻ là mẹ tôi. Nhưng mẹ cũng không thể giúp Nam vào lúc em tuyệt vọng nhất.
Sau khi nhận cuộc gọi của mẹ, tôi lo lắng, bồn chồn không yên. Tất cả những gì tôi muốn làm chỉ là nhắn tin hỏi thăm và động viên Nam. Nhưng tôi không biết mình nên bắt đầu từ đâu, như thế nào. Tôi sợ Nam không chịu mở lòng, sợ cả việc phải đọc những câu quá quen thuộc của em: "Chị đừng lo nha chị, em không sao đâu". Không thể chịu đựng thêm nữa, tôi lấy hết can đảm, nhắn Nam: "Hôm nay em thế nào rồi? Chị xin lỗi, nhưng chị biết hết. Em không ổn chút nào".
Nam trả lời, tôi đọc mà không tin vào mắt mình. Lần đầu tiên sau nhiều tháng, Nam mới chịu thừa nhận: "Em không ổn, em buồn lắm chị ơi. Từ hôm qua em còn chưa ăn gì. Em không ngủ được, cũng chẳng muốn nói chuyện với ai". Tôi như đứt từng khúc ruột, xót em vô cùng. Nam chịu chia sẻ nghĩa là em không muốn chịu đựng một mình. Tôi nhắn lại cho Nam: "Nếu muốn khóc, em cứ khóc thật to. Em phải chịu đựng những gì, chị sẽ chịu đựng cùng em. Chúng mình là gia đình của nhau, đừng bao giờ quên điều đó, em nhé. Chị thương em nhiều lắm!".