Tiếng nói của con trẻ trong gia đình hiện đại: Từ khác biệt đến tìm tiếng nói chung

Nhật Lam
10/08/2021 - 10:11
Tiếng nói của con trẻ trong gia đình hiện đại: Từ khác biệt đến tìm tiếng nói chung

Ảnh minh họa

TS. Nguyễn Tuấn Anh (Viện Nghiên cứu Thanh niên) khi đề cập về tổng hòa quan hệ giữa cha mẹ và con cái đã chỉ ra nhiều điểm khác biệt giữa mong muốn của con và kỳ vọng của cha mẹ.

5 nhóm phẩm chất con trẻ mong muốn

Cuộc khảo sát được nhóm nghiên cứu thực hiện năm 2020, đối tượng hướng đến là các cặp cha mẹ và người con đang học THPT. Qua tiếp cận, TS. Nguyễn Tuấn Anh (Viện Nghiên cứu Thanh niên) cho rằng, có nhiều điểm khác biệt giữa mong muốn của con và kỳ vọng của cha mẹ. Theo đó, có 5 nhóm phẩm chất mà trẻ hướng đến, được xếp theo thứ tự ưu tiên gồm: Có lòng nhân ái và sống yêu thương; chăm học, cần cù và có ý chí; hiếu thảo và sống có trách nhiệm; biết kiếm tiền và sống tự chủ; tự tin, lạc quan và có khát vọng.

Kết quả kiểm định tương quan cho thấy, những em mong muốn bản thân mình trở thành người "có lòng nhân ái và sống yêu thương" thì cũng có xu hướng trở thành người "hiếu thảo và sống có trách nhiệm". Trong khi đó, những em mong muốn bản thân mình "biết kiếm tiền và sống tự chủ" lại có xu hướng muốn mình là người "chăm học, cần cù, có ý chí và chăm lao động". Như vậy, trẻ không chỉ mong muốn bản thân có một nhóm phẩm chất duy nhất mà các em mong muốn bản thân có nhiều nhóm phẩm chất khác nhau. Điều này thể hiện mong muốn trở thành con người toàn diện của trẻ. "Thực tế, mỗi cá nhân trong cuộc sống không chỉ rèn luyện, trau dồi, học tập một hay một nhóm phẩm chất duy nhất mà hướng đến việc trau dồi nhiều phẩm chất khác nhau bởi mỗi loại phẩm chất sẽ có vai trò nhất định đối với cuộc sống của con người", ông Tuấn Anh cho hay.

Tiếng nói của con trẻ trong gia đình hiện đại: Từ khác biệt đến tìm tiếng nói chung - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

... và sự khác biệt ở cha mẹ

Trong khi đó, qua tiếp cận từ phía phụ huynh, kết quả cho thấy, những nhóm phẩm chất cha mẹ kỳ vọng nhất ở con chính là sự chăm học, cần cù, có ý chí, chăm lao động, tiếp đó mới đến các phẩm chất khác như: Hiếu thảo, sống có trách nhiệm, có lòng nhân ái, sống tự chủ, có khát vọng... Như vậy, có sự khác biệt giữa mong muốn của trẻ và kỳ vọng của cha mẹ về những phẩm chất cần có. Nếu như trẻ em mong muốn bản thân trở thành người với những phẩm chất "có lòng nhân ái và sống yêu thương" thì các bậc cha mẹ được khảo sát lại kỳ vọng con trở thành người "chăm học, cần cù, có ý chí và chăm lao động".

Theo tác giả nghiên cứu, ở một góc độ nhất định, sự giáo dục, định hướng của cha mẹ sẽ quyết định định hướng giá trị và mong muốn của con. Chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh, sự phát triển và hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân phụ thuộc rất nhiều vào sự định hướng, giáo dục của cha mẹ. Gia đình là môi trường xã hội hoá trước tiên của mỗi cá nhân. Trẻ em sống chủ yếu với cha mẹ trong gia đình do vậy những chuẩn mực xã hội, chuẩn mực đạo đức, nhân cách thông qua giáo dục của cha mẹ mà góp phần hình thành nên nhân cách của trẻ.

"Có câu "con cái là hình ảnh phản chiếu của cha mẹ". Dù khẳng định này không hoàn toàn đúng song quan điểm đó góp phần khẳng định hơn vai trò giáo dục, định hướng của cha mẹ đối với con trẻ. Trong gia đình, kỳ vọng của cha mẹ đối với con như thế nào sẽ quyết định cách thức và nội dung giáo dục, định hướng các phẩm chất cho con mình", ông nhìn nhận. Cũng theo TS. Nguyễn Tuấn Anh, lứa tuổi trung học phổ thông là giai đoạn mà các em đang có sự biến đổi mạnh mẽ về tâm sinh lý và các mối quan hệ xã hội. Ở lứa tuổi này, nhiều em đã xác định cho mình hướng đi tiếp theo, học đại học hay học nghề. Vì thế, lúc này, bản thân các em đã ít nhiều xác định được nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân cũng như đã hình dung ra một mẫu hình mà bản thân cần hướng đến và rèn luyện.

"Tôi hy vọng, những thông tin thu được từ nghiên cứu này sẽ giúp các bậc cha mẹ, những người làm giáo dục tham khảo, áp dụng vào quá trình định hướng, giáo dục cho trẻ lứa tuổi THPT, giúp các bậc cha mẹ và con tìm được tiếng nói chung, từ đó tránh được những mâu thuẫn hay phản kháng không đáng có".

TS. Nguyễn Tuấn Anh (Viện Nghiên cứu Thanh niên)

Bài sau: Học cách lắng nghe con

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm