Mẹ Việt Nam anh hùng hiến đất xây trường mẫu giáo

28/07/2015 - 15:13
Đó là mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Lai (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre). Mẹ đã hiến tặng mảnh đất 600m2 của mình để nhà nước cất trường mẫu giáo cho các cháu.

Đổi “tấc vàng” lấy chữ

Từ khi ngôi trường mẫu giáo được khởi công xây dựng, ngày nào mẹ Lai cũng sang phụ giúp thu dọn vật liệu, lo chuyện cơm nước cho thợ. Đôi khi, mẹ sang đó cũng chỉ để ngắm nghía ngôi trường và những nguyện ước của mẹ đang dần dần hình thành.

Toàn xã An Nhơn chỉ có 2 trường mẫu giáo. Hằng ngày, người dân ở ấp An Định đưa con đi học phải mất hơn 6km mới đến được trường. Năm 2012, xã tiến hành khảo sát, tìm địa điểm xây trường ở ấp An Định. Thấy vậy, mẹ Lai đã tình nguyện tặng mảnh đất 600m2 của mình để nhà nước cất trường học cho các cháu.

Các cháu học sinh mẫu giáo An Nhơn từ nay không còn phải lấm lem bùn đất, lặn lội đường xa tới trường nữa. 

Một số người biết tin bà Lai hiến đất đã xầm xì cho rằng “Có ít đất, sao không để dành chia cho con cháu, hay bán lấy tiền”.

Mẹ Lai chia sẻ: “Thấy cảnh các em nhỏ phải chịu cảnh lầy lội, khó khăn để đến trường ngay từ ngày đầu tiên của quãng đời học sinh, thương quá chịu không nổi. Thà mình chịu nghèo một chút nhưng lũ trẻ sẽ không còn cảnh lấm lem bùn đất, lặn lội đường xa tới trường nữa”.

Con trai út của mẹ là anh Lê Văn Tèo cũng đồng lòng nhất trí cao với sự hy sinh của mẹ. Anh chia sẻ: “Cái thiệt thòi riêng mình lớn nhưng được góp phần xây dựng quê hương cũng rất đáng tự hào. Chỉ mong, trên mảnh đất ấy, sự học của lớp trẻ trong xã ngày càng tốt hơn”.

Trường mẫu giáo An Nhơn có hai dãy phòng học rộng rãi với đầy đủ các phòng chức năng, sân trường rộng với vườn hoa, cây xanh toả bóng... giúp con đường đến với cái chữ của những học trò nghèo ở vùng đất xứ dừa này rộng mở hơn.

3 lần tiễn chồng con đi, 2 lần khóc thầm lặng lẽ

Giờ đây, với mẹ Lai, hằng ngày được nghe tiếng trẻ ê a học bài trên mảnh vườn xưa của mình là niềm vui và hạnh phúc của tuổi già.

Ở tuổi 84, lưng mẹ đã còng, mái tóc bạc trắng, nước da nhăn nhưng nụ cười rất hiền hậu, ánh mắt sáng ấm áp. Thời chiến, nhà mẹ là hầm trú ẩn để tiếp tế lương thực cho bộ đội. Bị chỉ điểm, giặc vây bắt rồi đánh đập mẹ tàn nhẫn. Từ dưới hầm, các chiến sĩ nghe rất rõ lời cuối cùng của mẹ: “Hầm ở trong tim tao đây này!”.

3 lần tiễn chồng con đi đánh giặc là cũng chừng ấy lần mà mẹ âm thầm nén thương nhớ vào trong lòng. Nhớ lại ký ức xưa, mẹ vội lấy ra những chiếc huân chương kháng chiến cùng tấm ảnh chân dung nhỏ xíu của chồng đã ngả màu theo thời gian rồi khoe: “Đó là kỷ vật duy nhất của chồng và các con tôi đấy”.

Giờ đây, với mẹ Lai, tiếng trẻ ê a học bài trên mảnh vườn xưa sẽ khiến bà nguôi ngoai nỗi thương nhớ chồng con đã hi sinh  

Ngày người con trai và con gái xin ra chiến trường, mẹ hồi hộp mong ngóng, trông chờ từng dòng tin. Cứ đến Tết, mẹ lại đọc những vần thơ rút từ gan ruột, nước mắt mẹ chảy trên gò má: “Ba mươi, pháo nổ Giao thừa/Các con chiến đấu sao chưa thấy về?”.

Dự cảm của người Mẹ có bao giờ sai. Mùng 3 Tết năm 1970, hạ sĩ Lê Văn Sơm, con trai lớn của mẹ, hy sinh khi đang tải đạn cùng đồng đội. Mẹ khóc lặng lẽ, âm thầm trong nỗi đau cắt xé ruột gan.

Nước mắt và tháng năm chưa làm vơi nỗi đau thì mẹ lại nhận tin dữ khi người chồng đã hy sinh ở chiến trường miền Nam.

Cầm bịch thuốc trên tay, mẹ Lai bảo gần đây những cơn đau ở bụng, ở hông và những vết thương trên thân thể bỗng nhức nhối trở lại. Chỉ vào vết khâu ở hông, mẹ nói: “Đây là vết thương khi cùng con gái trốn chạy bom đạn của địch”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm