Luật Giáo dục (sửa đổi) chính thức được thông qua, có hiệu lực từ 1/7/2020

14/06/2019 - 11:16
Với 414/453 đại biểu tán thành, bằng 85,54%, Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua gồm 9 chương, 115 điều. Một số điểm đáng lưu ý của lần sửa lần này như:

Về sách giáo khoa, Luật quy định một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa. Để bảo đảm chất lượng của chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Luật quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhân dân các địa phương, Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, sách giáo khoa và Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục cấp tỉnh. Đồng thời Luật cũng quy định quy trình chọn sách giáo khoa tại địa phương do UBND tỉnh quyết định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sẽ có một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, có một số sách giáo cho mỗi môn học, giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng và quyết định ban hành sách giáo khoa sử dụng trong cả nước.

 

thong-qua-luat-gd.jpg
Số lượng đại biểu tham gia và biểu quyết thông qua luật Giáo dục (sửa đổi) sáng nay, 14/6 

Về Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu, dự thảo Luật đã quy định cụ thể về thành phần Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, bao gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.

Trên cơ sở quy định cụ thể về thành phần, cơ cấu này, việc giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa theo từng môn học ở từng cấp học, để thẩm định sách giáo khoa và chịu trách nhiệm về sách giáo khoa giáo dục phổ thông là phù hợp với thẩm quyền chuyên môn mà vẫn bảo đảm tính khách quan. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xin được giữ như dự thảo Luật (Điều 32).

Giải trình thêm về đề nghị giảm bớt số lượng môn học nhằm giảm tải chương trình học và giảm áp lực cho học sinh trước khi Quốc hội thông qua Luật, Báo cáo của UBTVQH nhận định, số lượng các môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), Luật Giáo dục quy định mang tính nguyên tắc về yêu cầu, việc thẩm định, ban hành chương trình GDPT. Việc bảo đảm chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu của phát triển xã hội, phù hợp với thông lệ quốc tế, tâm sinh lý học sinh được giao cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định với sự giám sát của Quốc hội và xã hội như quy định của dự thảo Luật (các điều 8, 31).

Về chính sách học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS, Luật quy định trẻ em mầm non 5 tuổi ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí.

Đối với trẻ em mầm non 5 tuổi thuộc các địa bàn còn lại và học sinh THCS, dự thảo Luật quy định“được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định”, tạo hành lang pháp lý để Chính phủ chủ động về lộ trình, đối tượng áp dụng bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế đất nước. 

Một điểm mới của Luật là hình thức tự học tại gia đình, theo giải trình của UBTVQH, đây là một hình thức mới, chưa được thí điểm tại Việt Nam nên cần được tổng kết, đánh giá. Dự thảo Luật đã quy định hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, công nhận các hình thức học từ xa, tự học, tự học có hướng dẫn để mở rộng, đa dạng các hình thức học tập theo nhu cầu của người học. Đây là cơ sở tạo hành lang pháp lý cho hình thức này phát triển khi điều kiện cho phép. Vì vậy, dự thảo chưa bổ sung hình thức cụ thể này.  

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm