‘Lùm xùm’ tại cà phê Trung Nguyên: Bà Diệp Thảo yêu cầu giám định chứng cứ

05/12/2018 - 12:21
Trong khi vai trò Phó tổng giám đốc thường trực tại Tập đoàn Trung Nguyên của bà Lê Hoàng Diệp Thảo chưa thực sự được khôi phục theo phán quyết của cấp cao tại TPHCM, mới đây, TAND tỉnh Bình Dương quyết định ngừng phiên họp để giám định các tài liệu được cho là làm giả nhằm thay đổi quyền điều hành tại Công ty hoà tan Trung Nguyên.
a2.jpg
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo

Từ việc phát hiện ra những chứng cứ nghi giả mạo  

Ngày 29/11/2018, TAND tỉnh Bình Dương đã ra quyết định tạm ngừng phiên họp giải quyết việc kinh doanh, thương mại sơ thẩm về việc “yêu cầu toà án huỷ bỏ các nghị quyết của đại hội cổ đông, huỷ bỏ các quyết định và nghị quyết của Hội đồng quản trị và các biên bản cuộc họp” giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và những người có liên quan trong Tập đoàn Trung Nguyên.

Được biết, nguyên nhân là do TAND tỉnh Bình Dương sẽ phải thực hiện thủ tục trưng cầu giám định đối với những chứng cứ được bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho là giả mạo nhằm thay đổi người điều hành tại Công ty CP hòa tan Trung Nguyên (Trung Nguyên IC).

Trước đó, ngày 28/8/2018, qua nghiên cứu các tài liệu được luật sư sao chụp, bà Lê Hoàng Diệp Thảo phát hiện 2 tài liệu quan trọng được cho là đã bị làm giả để thay đổi người quản lý điều hành tại Trung Nguyên IC.

Hai tài liệu bà Thảo cho rằng bị giả mạo đó là: Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn Trung Nguyên và Quyết định của Đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn Trung Nguyên.

3.JPG
Quyết định không số, không ngày của Đại hội đồng cổ đông Tập đoàn Trung Nguyên
1.PNG
Biên bản họp Đại hội đổng cổ đông không số, không ngày

Theo đó, hai tài liệu này cho rằng Đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn Trung Nguyên đã ủy quyền cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ là đại diện toàn bộ vốn góp của Tập đoàn tại Trung Nguyên IC vào tháng 12/2011.

Các tài liệu này do ông Nguyễn Duy Phước - phụ trách pháp lý của Tập đoàn Trung Nguyên - nộp theo yêu cầu của Tòa án tỉnh Bình Dương vào ngày 27/3/2018.

Tuy nhiên, trong bối cảnh pháp lý diễn ra rất phức tạp kể từ khi Tập đoàn Trung Nguyên tự tổ chức họp Hội đồng quản trị và Đại hội đồng cổ đông để bãi nhiệm tất cả các chức danh của bà Thảo tại Trung Nguyên IC, 2 tài liệu trên được phía bà Thảo cho biết đã bị làm giả nhằm “loại bỏ” hoàn toàn vai trò của bà tại Trung Nguyên IC. Bà Thảo khẳng định: “Đây là một âm mưu đã được chuẩn bị và tính toán rất kỹ lưỡng của nhóm thao túng để chiếm đoạt Trung Nguyên IC”(?!).

Ngày 27/11/2018, Viện KSND tỉnh Bình Dương đã có văn bản số 153/YC-VKS-KDTM, đề nghị Tòa án thực hiện thủ tục giám định theo yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ. Kết quả là tại phiên họp ngày 29/11/2018, Tòa án tỉnh Bình Dương đã ra quyết định Tạm ngừng phiên họp giải quyết vụ việc để thực hiện thủ tục giám định theo yêu cầu.

Tài liệu bị nghi giả mạo có nội dung gì?

Theo thông tin từ phía bà Thảo, các tài liệu mà ông Nguyễn Duy Phước nộp chỉ là bản phô tô và không có ngày, nội dung trang trước và trang sau mâu thuẫn lẫn nhau, có sự cắt dán, phô tô chữ ký.

Ngoài ra, một điểm mấu chốt mà đại diện Viện kiểm sát đã chỉ ra trong phiên họp ngày 29/11/2018 là thành phần tham dự được ghi trong Biên bản Họp Đại hội đồng cổ đông mà ông Nguyễn Duy Phước nộp cho Tòa hoàn toàn khác với thành phần tham dự được ghi trong Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông mà Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương cung cấp cho Tòa. Vì sao cùng 1 nội dung tài liệu mà lại có hai nội dung trái ngược nhau như vậy?

1.PNG
2.PNG
Hai biên bản họp Đại hội đồng cổ đông không số, cái có ghi ngày họp, cái không ghi ngày họp, có nội dung như nhau, nhưng thành phần dự họp lại khác nhau

Theo bà Thảo, với thông tin Đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn Trung Nguyên đã ủy quyền cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ đại diện toàn bộ vốn góp của Tập đoàn này tại Trung Nguyên IC vào tháng 12/2011, một số cá nhân giữ vai trò lãnh đạo của Tập đoàn Trung Nguyên đã liên kết lại với nhau rồi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương để lập ra Giấy đăng ký kinh doanh lần 8. Theo đó, Giấy đăng ký kinh doanh mới đã thay đổi người đại diện theo pháp luật từ bà Thảo sang ông Vũ vào ngày 21/4/2016.

Bà Thảo cho rằng, ngay khi có Giấy đăng ký kinh doanh lần 8 trong tay, nhóm thao túng đã tổ chức đưa người đến nhà máy cà phê hòa tan tại Bình Dương trong đêm 13/5/2016 để thay đổi toàn bộ quyền điều hành tại đây. Trước ngày 13/5/2016, nhà máy này nằm dưới sự quản lý của bà Thảo để cung cấp sản phẩm cà phê G7 cho thị trường trong nước và quốc tế. Chính việc thay đổi này đã dẫn tới tình trạng rối loạn trong sản xuất và kinh doanh, đặc biệt mảng kinh doanh quốc tế và gây thiệt hại nghiêm trọng tới hình ảnh Trung Nguyên nói chung trong mối quan hệ với các đối tác nước ngoài mà bà Thảo là người chịu trách nhiệm điều hành trong nhiều năm. Trong khi ông Vũ khẳng định thời gian đó đang thiền định trên núi, bà Thảo bị truất hết quyền điều hành Tập đoàn, vậy ai là người đứng sau điều hành những vụ việc này?

Bà Thảo khẳng định rằng toàn bộ vụ việc phức tạp diễn ra thời gian vừa qua là do một nhóm thao túng, đã lợi dụng tình trạng ông Vũ ở trên núi 5 năm qua để hãm hại gia đình bà nhằm chiếm đoạt Tập đoàn Trung Nguyên. Bà mong rằng Chính phủ và các cơ quan lập pháp, hành pháp phải thực thi đúng pháp luật. Bà cũng kiến nghị sự quan tâm đặc biệt của công luận, cộng đồng Doanh nhân, Chính phủ và xem đây như trường hợp điển hình để vụ việc ở Trung Nguyên được giải quyết dựa trên sự công minh của pháp luật. Như vậy, môi trường kinh doanh tại Việt Nam mới được bình yên, nhà đầu tư mới thật sự yên tâm đầu tư làm ăn tại Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm