Nhà thơ trẻ Lương Đình Khoa không dễ hài lòng với chính mình
Cuốn sách gom lại những cảm xúc của tôi trong khoảng 6 năm, từ khi tốt nghiệp đại học đến nay. Tôi là người nặng tình, luôn cảm thấy cuộc sống ngắn ngủi, mong manh nên rất trân trọng mọi khoảnh khắc và các mối nhân duyên. Choán trọn cuốn sách không chỉ là duyên phận mà còn cả sự cô đơn nữa. Tôi và những người trẻ gặp nhau ở sự cô đơn trên mạng ảo, trên từng trang viết và trong đời sống thực. Tôi muốn chia sẻ những cảm xúc của mình để những người sắp đi qua tuổi 30 nhìn lại biết mình đang có gì, cần giữ những gì. Bởi thế, trong cuốn sách này, tôi ví cuộc đời mỗi người như một chuyến tàu, đi từ ngày thơ bé hồn nhiên đến tuổi xế chiều mong manh. Chuyến tàu ấy qua 7 sân ga: Ga của phố, ga tình yêu, ga hoài niệm, ga bình yên, ga kể chuyện, ga tình ca, ga trăn trở.
Có những người cả đời chỉ mải miết kiếm tìm, cắt nghĩa cuộc đời. Nhưng anh lại tổng kết các chặng đường của con người từ khá sớm, tôi lo khi cuốn sách khép lại, anh sẽ rất lạc lõng, trống trải?
Tôi không có cảm giác trống rỗng, lạc lõng như vậy đâu. Mỗi giai đoạn đều có những khám phá, trải nghiệm khác nhau. Những day dứt của tôi khi vừa chạm ngưỡng 30 vẫn còn trong veo, mới chỉ đẹp và nhiều thương cảm chứ chưa gai góc (nhận xét của nhà nghiên cứu - phê bình văn học Ngô Văn Giá). Qua ngưỡng 30, tôi muốn nhấn sâu, tô đậm và khiến chúng gai góc hơn.
Nhưng qua những gì anh viết, tôi đã có cảm giác anh bị lạc với chính mình? Nếu hơn nữa, e rằng khó tự giải thoát…
Tôi giải thoát bằng nhiều cách khác, có thể không phải bằng văn chương. Tuy nhiên, cảm giác “lạc” có thể là tích cực hoặc tiêu cực, ta không đoán định được.
Vậy với anh, điều đó là tích cực hay tiêu cực?
Là cả hai. Nó khiến tôi chia sẻ, nói lên tiếng lòng của nhiều người nhưng đồng thời cũng làm tôi cô đơn. Tôi luôn cảm thấy mình như chú dế lạc trong thành phố, loay hoay tìm đường trở về với đồng xanh, với những gió và trăng tươi mát ngày hôm qua…
Năm 2014, anh còn ra mắt tập thơ “Ai rồi cũng phải học cách quên đi một người”, chưa kể có khá nhiều bài thơ được phổ nhạc. Điều này liệu có khiến anh dễ… tự mãn?
Không, tôi chẳng dễ hài lòng về mình đến vậy. Tôi luôn ví mình là “màu của sự lãng quên” - không vị, vẫn lông bông như lục bình lênh đênh mà thôi. Chưa có điều gì thực sự khiến tôi thỏa mãn, tâm đắc. Tôi vẫn muốn đi nữa, tìm nữa, viết nữa để tìm đến tận cùng con người mình.
Nhắc đến Lương Đình Khoa, người ta còn nhớ tới hình ảnh một anh chàng lãng tử ôm guitar. Phải chăng âm nhạc là chốn để anh tìm kiếm, bù đắp cho những thứ còn thiếu từ văn chương?
Chắc chắn rồi. Cô đơn khiến tôi gắn kết với âm nhạc, coi đó là một người bạn để san sẻ tất cả. Vì thế, âm nhạc là người bạn lớn thứ 2 của tôi, bên cạnh văn chương.
Lương Đình Khoa sinh năm 1985 tại Hưng Yên, từng là Bút trưởng Bút nhóm Hương Nhãn - nhóm sáng tác thơ văn thiếu nhi của tỉnh Hưng Yên. Các tập sách đã xuất bản: Khuôn mặt tình yêu (thơ), Gió mùa thổi mãi (truyện ngắn), Ai rồi cũng phải học cách cố quên đi một người (thơ), Tuổi thanh xuân đôi chuyến tàu đi lạc (tản văn). |