Câu hỏi về mức lương khởi điểm của nữ sinh Học viện Kỹ thuật Mật mã gây tranh luận trong cộng đồng mạng. Ảnh internet. |
Trong buổi tọa đàm “Vai trò và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong xã hội thông tin” do Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, tổ chức mới đây, Phạm Thị Thanh - sinh viên Học viện Kỹ thuật Mật mã - đặt câu hỏi cần học tập và làm việc như thế nào để có lương khởi điểm 2.000 USD/tháng. Câu hỏi này gây ra cuộc tranh luận: Liệu sinh viên mới ra trường có ảo tưởng khi nêu con số trên?
Đứng trên phương diện một nhà tuyển dụng, chị Vũ Thu Hương (Trung tâm Cá siêu quậy, Hà Nội) rất ngạc nhiên với sự ảo tưởng của không ít các bạn sinh viên mới ra trường. Trong khi nhà tuyển dụng chưa nhìn thấy sự cống hiến, cách các bạn ấy làm việc, chưa cảm nhận được lợi ích thật sự của việc sử dụng các bạn ấy, vậy mà các bạn ấy đã đòi hỏi một mức lương cao vút thì liệu có nhà tuyển dụng nào dám nhận họ vào dù chỉ thử việc.
“Cho dù chỉ là thử sử dụng trong 1 tháng, tôi cũng không dám. Bởi tiền lương tôi trả cho bạn là công sức của biết bao người đang làm việc ở cùng cơ quan. Nếu bạn giỏi thật sự thì trong 1 tháng, may ra bạn chỉ làm được đủ số tiền mà cơ quan trả cho bạn mà thôi. Còn không, hầu hết, đến 99% là bạn không làm được mấy mà tiền lương đó là cơ quan (hay đúng hơn là mọi người trong cơ quan) làm cho bạn hưởng”, chị Vũ Thu Hương chia sẻ.
Theo chị Vũ Thu Hương, để làm được việc, không phải chỉ có kiến thức, kỹ năng tốt, mà các bạn cần có kinh nghiệm. Bên cạnh kinh nghiệm bạn tích lũy ở nơi khác, bạn cần tích lũy kinh nghiệm làm việc tại đúng cơ quan vừa tuyển dụng bạn, tại đúng vị trí bạn sẽ làm. Bạn vừa tới, nghĩa là bạn phải mất một khoảng thời gian để làm quen công việc. Sự thật đã chứng minh, có những người làm việc tại nơi này rất tuyệt, nhưng sang nơi mới, bạn đó đã không thể phát huy, thậm chí còn làm rất kém.
Lý do là sự cập nhật công việc không nhanh nhạy, thói quen khó bỏ làm cho bạn khó tiếp nhận cái mới, đặc thù công việc mỗi nơi một khác. Đó là trong trường hợp bạn từng đi làm nơi khác. Còn khi chưa thực sự làm ở đâu, mới ra trường, các bạn có một đầu đầy lý thuyết và một khoang rỗng về thực hành, về kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc. Chắc chắn trong 1 tháng đó, các bạn sẽ phải làm quen mọi thứ. Vì vậy, chẳng có nhiều thời gian để các bạn cống hiến trong tháng thử việc đầu tiên. Như vậy, thời gian đầu đến cơ quan, các bạn sẽ tiêu đồng lương do người khác làm ra là chính, có mấy khi là do các bạn làm ra được đâu.
Việc đòi hỏi lương cao ngay khi chưa thể hiện mình cũng có thể là sự hoang tưởng. Ảnh minh họa internet. |
Ngoài lý do trên, còn 1 lý do để các nhà tuyển dụng từ chối những ứng viên đòi lương cao. Đó chính là thái độ của các bạn. Nhà tuyển dụng tuyển người để làm việc. Họ sẽ tính là trả cho bạn 1 đồng thì bạn sẽ giúp họ thu lại 10 đồng. Nếu bạn thực tâm muốn cống hiến và thực sự hữu ích cho cơ quan, chẳng nhà tuyển dụng nào dám cư xử tồi tệ với các bạn. Họ sẽ tìm mọi cách giữ bạn lại. Nhưng nếu chưa làm, chưa cống hiến đã đòi hỏi, họ sẽ ngại ngần rằng không biết tuyển bạn vào, bạn đòi hỏi đến đâu.
Chị Vũ Thu Hương nhấn mạnh, câu chuyện đòi lương cao khi chưa cống hiến gì là rất vô lý. Nó thể hiện rõ rằng bạn ít quan tâm thực sự đến công việc mà chỉ quan tâm đến đồng lương họ trả cho bạn. Nếu bạn đam mê công việc thực thụ, mong muốn cống hiến thực thụ thì bạn sẽ dừng bước trước khó khăn lương không đủ cao hay sao? Chính vì vậy, việc đòi hỏi lương cao ngay khi chưa thể hiện mình chính là sự hoang tưởng. Nếu có suy nghĩ này, các bạn trẻ chỉ thêm gặp khó khăn khi xin việc mà thôi. Rồi các bạn sẽ bất đắc chí, chán đời vì cảm thấy bất công. Càng ngày sự thành công càng lùi xa khỏi bạn nếu bạn không tỉnh ngộ sớm.