Đặc điểm của bệnh hen suyễn là diễn tiến thành những đợt hen cấp tính xen lẫn với giai đoạn hen hoàn toàn ổn định, nghĩa là không có triệu chứng gì. Nếu trẻ đã có chẩn đoán là hen suyễn, đã có cơn hen cấp 1 lần thì rất có khả năng cơn hen cấp này sẽ quay trở lại.
Cần dùng thuốc cắt cơn nhanh khi có dấu hiệu cơn hen suyễn đến (Ảnh minh họa)
Để hạn chế những tai biến có thể xảy ra, trong quá trình chăm sóc bé bị hen suyễn, phụ huynh cần lưu ý:
- Tránh để bé tiếp xúc ô nhiễm từ môi trường mà quan trọng nhất là khói thuốc lá. Giữ trẻ tránh các yếu tố nguy cơ khởi phát cơn suyễn như lông thú, khói thuốc, bụi bặm, khói bếp, gián, các loại bình xịt có mùi nồng nặc... Nhà ở cần thường xuyên mở cửa, quét dọn thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ, tránh dùng thảm trong nhà. Cần tránh để trẻ hoạt động gắng sức, không xúc động mạnh, lưu ý đề phòng, giữ gìn không để trẻ cảm ho nặng.
- Tránh lạm dụng kháng sinh.
- Nuôi dưỡng bé trong môi trường nhẹ nhàng an bình, tránh các stress, căng thẳng.
Ở trường, cần cho thầy cô giáo biết về tình trạng của con. Trẻ vẫn tập thể dục, chơi thể thao bình thường nhưng trước đó 15 phút, cần cho trẻ hít giãn phế quản.
Riêng đối với việc ăn uống, một số loại thức ăn có thể gây cơn hen nhưng tùy thuộc vào “cơ địa” của mỗi trẻ mỗi khác. Vì thế, nếu ăn uống thứ gì mà sau đó bé thấy khó chịu, ho, khó thở, nổi mề đay… thì có nghĩa là bé đã dị ứng với thức ăn đó, cần phải tránh tuyệt đối. Còn nếu bé không có triệu chứng gì đáng lo ngại thì vẫn có thể ăn uống bình thường. Kể cả các loại hải sản mà dân gian vẫn thường cho là có thể gây dị ứng như tôm, cua, cá biển, nếu thấy bé không bị dị ứng thì vẫn nên cho ăn để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng.
Khi thấy các dấu hiệu cơn suyễn đang đến (ho, khò khè, khó thở, quấy khóc, nặng ngực, thức giấc về đêm) thì cần cho dùng thuốc cắt cơn có tác dụng nhanh: Xịt Ventolin MDI 100mcg 2 nhát nếu không dùng buồng đệm, hoặc 4-6 nhát nếu có buồng đệm. Mỗi nhát cách nhau 1 phút. Có thể lặp lại 3 lần xịt, một lần cách nhau 20 phút. Sau khi xịt thuốc cắt cơn, nếu trẻ chuyển biến tốt thì có thể cho trẻ nghỉ ngơi, khám lại. Nếu không có chuyển biến tốt, vẫn còn thở nhanh, khó thở, nói không được, tím tái, cánh mũi phập phồng, co kéo hãm trên ức, thượng đòn, cơ ức đòn chũm... thì cần nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế. Tuyệt đối không nên dùng thuốc cắt cơn dạng uống khi trẻ đang lên cơn suyễn.