Lý giải nguyên nhân dịch tay chân miệng diễn biến bất thường

03/10/2018 - 11:18
Tính đến hết tháng 9, cả nước có hơn 53.000 người bị tay chân miệng, trong đó 77% là ở các tỉnh phía Nam. Theo các chuyên gia, dịch tay chân miệng năm nay diễn biến bất thường và có nguy cơ lan rộng.
Liên quan đến dịch bệnh tay chân miệng, ngày 3/10, PGS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TT.HCM cho biết, bệnh do siêu vi trùng đường ruột gây ra. Gọi là tay chân miệng vì bệnh có biểu hiện chính là các mụn nước nổi ở vùng tay, chân, miệng. Bệnh thường nhẹ, nhưng một số trường hợp có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.
PSS. Lân cũng cho biết, hiện tại, bệnh tay chân miệng đang vào mùa cao điểm. Điều này tương tự các năm trước, tăng cao từ tháng 8 đến tháng 11. Tuy nhiên, nếu như các năm trước bệnh tay chân miệng xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền Tây thì hai năm trở lại đây, số bệnh nhân tay chân miệng tăng cao ở các tỉnh miền Đông Nam bộ. Hệ thống giám sát của Viện Pasteur TP.HCM phát hiện có sự thay đổi thứ nhóm gien của virus gây bệnh tay chân miệng.
Theo đó, giai đoạn 2012 - 2017 ghi nhận sự lưu hành ưu thế thứ nhóm gien B5 và tăng dần thứ nhóm gien C4 (của chủng virus EV71). Sự dịch chuyển thứ nhóm gien khiến cho cộng đồng chưa có miễn dịch dễ xảy ra nhiều ca mắc hơn và làm gia tăng nguy cơ gây dịch, nhất là trong bối cảnh chủng C4 là chủng dễ gây biến chứng nặng đặc biệt ở trẻ em dưới 5 tuổi, cao gấp 1,7 lần so với các thứ nhóm gien khác của EV71.
tay-1526.jpg
Bệnh tay chân miệng có nguy cơ lan rộng

 Theo PGS. Lân, nếu bệnh nhân nhiễm virus EV71 thường liên quan đến các biến chứng thần kinh nặng và có thễ dẫn đến tử vong vì virus này gây nhiễm và tấn công tế bào. Nhiễm virus EV71 gây biến chứng thần kinh cao gấp 5,1 lần so với nhiễm các virus đường ruột khác gây bệnh tay chân miệng. Đa số các trường hợp tử vong đều phát hiện nhiễm virus EV71.

Nói về triệu chứng của bệnh tay chân miệng, TS. Nguyễn Thị Anh Xuân, Trưởng khoa Nhi, BV Việt Nam- Cu Ba cho biết, giật mình là một trong những triệu chứng sớm của nhiễm độc thần kinh. Do vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, lúc ngủ. “Các bậc phụ huynh cần quan sát tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không. Nếu triệu chứng giật mình đi kèm với sốt cao liên tục, khó kiểm soát nhiệt độ, trẻ quấy khóc nhiều, các mẹ cần đưa bé đến ngay BV để tránh biến chứng viêm não, màng não”, bác sĩ Xuân nói.
Còn theo bác sĩ Phạm Hùng (Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế) bệnh tay chân miệng là bệnh lưu hành ở các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Bệnh xảy ra rải rác quanh năm ở cả 63 tỉnh thành trên cả nước. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt ở nhóm dưới 3 tuổi. 
Bác sĩ Hùng cho biết, trong 9 tháng của năm 2018, cả nước ghi nhận trên 53.000 trường hợp mắc, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện. Số ca mắc chủ yếu ghi nhận ở các tỉnh thành khu vực phía Nam, chiếm 77% tổng số ca mắc bệnh toàn quốc.
Bệnh tay chân miệng rất dễ lây. Bệnh thường lây nhanh qua đường tiêu hóa ở trẻ sống cùng nhà và sinh hoạt cùng nhà trẻ. Trong đó, 80% người lớn mắc tay chân miệng không có biểu hiện lâm sàng, lây cho con, cháu. Một số yếu tố có thể làm gia tăng sự lây truyền và bùng phát dịch bao gồm: mật độ dân số cao, sống chật chội; điều kiện vệ sinh kém; thiếu nhà vệ sinh; thiếu hoặc không có nước sạch phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.
Cho đến nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng ngừa tay chân miệng do nhiễm virus EV71 tại Việt Nam. Chính vì vậy, các gia đình cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và đưa trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất là biện pháp vô cùng quan trọng nhằm phòng ngừa mắc bệnh tay chân miệng và hạn chế các biến chứng gây tử vong của virus EV71, bác sĩ Hùng khuyến cáo/
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm