Lý giải việc kết hôn trước 30 tuổi và sinh con thứ 2 trước tuổi 35 dưới góc nhìn của chuyên gia

Anh Dũng
09/05/2020 - 09:43
Lý giải việc kết hôn trước 30 tuổi và sinh con thứ 2 trước tuổi 35 dưới góc nhìn của chuyên gia
Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 588 phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030", trong đó có nêu rõ "Khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi,...".

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 588 phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" đề ra mục tiêu đến năm 2030 tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp.

Quyết định này cũng chỉ ra cần hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình: Phát triển các câu lạc bộ kết bạn trăm năm, hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn; tư vấn sức khoẻ trước khi kết hôn; khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi,...

Trao đổi với các chuyên gia tâm lý, y tế, nhiều ý kiến đồng tình vấn đề này, đồng thời chỉ ra việc "kết hôn trước 30 tuổi, sớm sinh con" đem lại nhiều "điểm cộng" do hoàn toàn dựa trên các cơ sở khoa học.

1. Lý do các bạn trẻ nên kết hôn sớm

Về vấn đề nên kết hôn sớm trước 30 tuổi, nhiều bác sĩ và chuyên gia đều có đồng quan điểm là "hợp lý".

Bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm y khoa Thái Hà cho biết, độ tuổi trước 30 là khoảng thời gian mà phụ nữ sinh con an toàn nhất và cũng tốt nhất. Bà cho biết: "Các bạn trẻ kết hôn trước tuổi 30 là hợp lý để tránh già hóa dân số".

Bác sĩ phân tích, nhiều bạn trẻ ngày nay đang ái ngại trong việc kết hôn và sinh con sớm có thể là do ảnh hưởng của vấn đề kinh tế chưa vững chắc, cần tích luỹ tài sản thêm hoặc nhiều vợ chồng sau khi kết hôn chưa có con ngay do muốn xây dựng nền tảng kinh tế ổn định nên kéo dài cuộc sống vợ chồng son cũng như cần chuẩn bị đầy đủ tâm lý, kiến thức về việc nuôi dạy con,...

Hiện tại có 2 nền tảng góp phần thúc đẩy việc kết hôn sớm dưới độ tuổi 20 là do gia đình muốn có con bồng con bế hoặc sẽ chờ đợi tới khi có nền tảng kinh tế đủ vững chắc rồi mới sinh con. Bác sĩ nêu quản điểm: "Nếu ai cũng lập gia đình sớm và vội vàng sinh đủ 2 con, cuộc sống của họ sẽ rất khó khăn nhất là ở thành phố. Nếu có chính sách khuyến khích sinh hai con, sinh trước tuổi 35 và được hỗ trợ chính sách thì nhiều người sẽ "hào hứng".

Lý giải việc kết hôn trước 30 tuổi và sinh con thứ 2 trước tuổi 35 dưới góc nhìn của chuyên gia - Ảnh 2.

Nhiều cặp đôi lựa chọn kết hôn và có con muộn để xây dựng nền tảng kinh tế ổn định (Ảnh: Internet)

Cũng đồng quan điểm trên, chuyên gia tâm lý Đỗ Văn Sự, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo nhân lực và Hợp tác Quốc tế INTIC (TP.HCM) cũng cho biết, nam nữ ở độ tuổi dưới 30 là giai đoạn thích hợp và cũng lý tưởng nhất để kết hôn do lúc này cả hai bên đều đã có sự trưởng thành và phát triển tâm lý cũng như sinh lý.

"Đối với nữ giới, kết hôn khi qua tuổi 25 là lý tưởng. Trong độ tuổi này đã tốt nghiệp ra trường, đã đi làm được 3,4 năm nên ổn định được kinh tế, tài chính. Hơn hết, đây là giai đoạn đủ trưởng thành để làm vợ, làm mẹ.

Còn với nam giới, giai đoạn "đẹp nhất" để cưới vợ là khoảng từ 26 - 28 tuổi. Ở giai đoạn tuổi này, họ đã qua thời "ăn chơi, vô lo, vô nghĩ", họ đã trưởng thành, chín chắn chứ không còn bồng bột. Việc đi làm cũng đủ khiến tài chính ổn định, có thể lo cho cuộc sống gia đình".

Tương tự, thạc sĩ tâm lý Lê Tố Anh, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam (TP.HCM), cũng thống nhất cho rằng, một khi nam giới hay nữ giới ở độ tuổi trên 30, đa phần sẽ chọn cuộc sống độc thân. Họ tập trung làm việc, tận hưởng cuộc sống, lười yêu, lười chuyện lập gia đình.

"Đấy là chưa kể một số người khi bước sang tuổi 30 có xu hướng muốn phát triển sự nghiệp, ngó lơ chuyện yêu đương. Họ chọn thành công trong cuộc sống hơn vấn đề tình yêu. Mà không yêu nên không thể dẫn đến chuyện kết hôn. Và dần, họ không muốn lập gia đình.

Ngoài ra, khi đã qua tuổi 30, trải nghiệm cuộc sống nhiều nên ai cũng định hình tính cách khá rõ, định hình về chuẩn mực ứng xử các tình huống xã hội. Để rồi từ đó khó tìm được người phù hợp để làm chồng, làm vợ", bà Anh phân tích.

Bà Anh khuyên: "Sau khi ra trường, làm việc được 1, 2 năm, là có thể kết hôn, tự tin sống cuộc sống gia đình cùng vợ, con. Giai đoạn này là khoảng 24, 25 tuổi, hội tụ đủ sức khỏe, tâm lý, kỹ năng, kinh tế, tài chính... Rất lý tưởng để lập gia đình. Nếu chưa có đủ kinh tế, muốn dành dụm thêm, có thể làm thêm 1, 2 năm nữa, đến trước tuổi 30".

2. Lý do phụ nữ nên sinh con trước 35 tuổi

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, phụ nữ dễ thụ thai nhất khi ở độ tuổi từ 24 - 30; còn phụ nữ chăm con tốt nhất là từ 25 - 34 tuổi. Còn sau 35 tuổi trở đi, nếu sinh con sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh, dị tật cũng như khả năng thụ thai cũng giảm sút. Đến khi bước sang tuổi 45, rất ít phụ nữ có thể thụ thai một cách tự nhiên.

Lý giải việc kết hôn trước 30 tuổi và sinh con thứ 2 trước tuổi 35 dưới góc nhìn của chuyên gia - Ảnh 3.

Phụ nữ nên mang thai trước tuổi 35 để đảm bảo sức khoẻ cho bà bầu và thai nhi (Ảnh: Internet)

Nguyên nhân được giải thích, phụ nữ lớn tuổi hay gặp các vấn đề liên quan tới buồng trứng còn ở độ tuổi vị thành niên thì việc mang thai sẽ gặp trở ngại do khung xương chậu chưa phát triển hoàn toàn nên khó giãn nở tối đa.

Vì thế, theo bác sĩ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Truyền thông và Giáo dục, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế, yếu tố sinh học phụ nữ nên sinh con thứ hai ở trước 35 tuổi để có thể nâng cao chất lượng dân số.

"Xét về khả năng thụ thai thì 20-24 là độ tuổi tốt nhất, nhưng ở khía cạnh chăm sóc con cái sau sinh thì phụ nữ 25-34 tuổi thuận lợi hơn do khả năng ổn định về tâm lý, tài chính...", bác sĩ Phương phân tích thêm.

Điều này cũng được lý giải thêm như sau: bình thường khi một bé gái được sinh ra, cơ thể sẽ có khoảng 2 triệu nang noãn còn được gọi là trứng chưa trưởng thành. Theo thời gian, số lượng nang noãn này sẽ ngày một "rụng" đi bắt đầu từ thời điểm bé gái dậy thì. Có nghĩa là mỗi khi tới chu kỳ kinh nguyệt có tới hàng trăm nang noãn sẽ được sử dụng để chuẩn bị cho quá trình rụng trứng, tuy nhiên lại chỉ có 1 đến vài trứng có thể chín và rụng.

Số trứng còn lại sẽ tự tiêu huỷ do tác động của hormone sinh dục nữ. Số nang noãn sẽ hết dần tới độ tuổi mãn kinh. Ngược lại hoàn toàn là tinh trùng ở nam giới lại được sản sinh ra liên tục.

Nguy cơ có thể gặp nếu mang thai muộn sau tuổi 35

- Khả năng thụ thai giảm sút

Như đã nói ở trên, việc mang thai muộn sau tuổi 35 có thể gây nhiều nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi, đặc biệt là khả năng sinh sản ở phụ nữ sẽ giảm nhanh nếu qua tuổi 37. Các vấn đề được cho là ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng sinh sản ở giai đoạn này là lạc nội mạc tử cung và sự xuất hiện của các u xơ cổ tử cung.

- Nguy cơ gặp các biến chứng trong thai kỳ

Các biến chứng trong thai kỳ có liên quan tới độ tuổi thụ thai bao gồm tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp trong thai kỳ hay nguy hiểm hơn là sảy thai. Nguy cơ tiền sản giật tăng lên khi thai phụ lớn tuổi.

Trong các biến chứng thai kỳ thì đa thai là một vấn đề hết sức nghiêm trọng. Đa thai ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và sự phát triển của bào thai đồng thời nguy cơ thai nhi chết trong tử cung cũng sẽ cao hơn so với những thai phụ dưới 35 tuổi. Đa thai cũng có thể gây ra các chứng sinh non, tiền sản giật hay tiểu đường thai kỳ.

- Nguy cơ con sinh ra bị dị tật bẩm sinh

Ngoài ra con khi sinh ra cũng có thể có nguy cơ mang các dị tật bẩm sinh, bị chậm phát triển hay các vấn đề liên quan tới hệ thần kinh vận động. 

Lý giải việc kết hôn trước 30 tuổi và sinh con thứ 2 trước tuổi 35 dưới góc nhìn của chuyên gia - Ảnh 4.

Tiểu đường thai kỳ có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ của bà bầu và thai nhi (Ảnh: Internet)

Các chuyên gia cũng giải thích rằng, độ tuổi của thai phụ càng cao thì những nhiễm sắc thể trứng có khả năng dính vào nhau cũng sẽ càng cao dẫn tới việc rối loạn nhiễm sắc thể gây ra các hội chứng như Down, Edwards,....

Nghiên cứu cho thấy, người mẹ 25 tuổi thì tỷ lệ sinh con mắc bệnh Down chỉ 1/1.250 ca; mẹ 30 tuổi tỷ lệ này 1/952, trên 35 tuổi 1/378, trên 45 tuổi tỷ lệ 1/30.

- Biến chứng khi chỉ định sinh mổ

Phụ nữ trên 30 tuổi thường sẽ được chỉ định sinh mổ nhiều hơn nhóm phụ nữ ở tuổi 20. Quá trình phẫu thuật lấy thai cũng có nhiều nguy cơ như nhiễm trùng, bị tổn thương ruột hoặc bàng quang, phản ứng với thuốc gây tê hay phản ứng với thuốc gây mê,...


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm