'Ma trận' công nghệ

25/10/2015 - 10:16
Công nghệ có khả năng thuyết phục rất mạnh và bạn hoàn toàn có thể bị “điều khiển” bởi công nghệ - từ thói quen chi tiêu cho tới lịch sinh hoạt hàng ngày.
1. Hãy thử hình dung, bạn đang sử dụng một sản phẩm công nghệ và nhiều thông tin về thói quen sinh hoạt cá nhân của bạn thường xuyên được gửi về nhà cung cấp dịch vụ/sản phẩm. Thông qua một hệ thống ghi nhận và phân tích cực kỳ hiện đại, bạn sẽ được “phác họa chân dung” với đầy đủ những dữ kiện về sở thích, thói quen, thậm chí là phản ứng tâm lý trước các tình huống cụ thể… Chỉ cần có vậy, họ sẽ sử dụng chính những dữ kiện có tính xác thực cao nói trên để “điều khiển” lại bạn một cách kín đáo nhưng vô cùng hiệu quả.
Đó là cách thức chung của nhiều hãng công nghệ nhằm thu hút, nắm bắt và “quản lý” khách hàng của mình. Thậm chí, bằng cách nào đó, họ còn có thể “lái” khách hàng chọn mua sản phẩm của thương hiệu nào đó, “thuyết phục” người dùng điều chỉnh lịch sinh hoạt theo một lịch trình mà họ đã sắp đặt sẵn…
Mọi chuyện bắt nguồn từ một “bí quyết” mà công ty chuyên cung cấp trò chơi trực tuyến GSN phát hiện ra, đó là dựa vào những dữ kiện về người chơi mà thiết bị truyền về trung tâm mỗi giây mỗi phút. Nhờ điều này, GSN không chỉ theo dõi lựa chọn của khách hàng và thay đổi dịch vụ của công ty dựa vào đó, mà còn nhận biết lúc nào người chơi cảm thấy mệt mỏi để “gợi ý” những trò chơi khác trước khi người chơi rời khỏi bàn phím.

Chúng ta tin tưởng tự mình lựa chọn công nghệ nhưng đôi khi chính chúng ta bị công nghệ bí mật điều khiển

Thật ra, ý tưởng về việc máy tính, điện thoại di động, web và các công nghệ khác có thể được thiết kế để tác động đến hành vi và thái độ của con người đã xuất hiện từ cuối thế kỷ 20, khi thuật ngữ “thuật toán thuyết phục” ra đời (sau này mở rộng thành “công nghệ thuyết phục”). Nhưng ngày nay, nhiều công ty đã tiến những bước xa hơn thế: Sử dụng công nghệ có thể đo đạc hành vi người tiêu dùng nhằm thiết kế sản phẩm không chỉ có tính hấp dẫn mà còn đặc biệt, để thiết lập thói quen mới.

2. Có một thực tế, đó là khả năng thuyết phục và dẫn dắt của công nghệ đang ngày một phát triển theo hướng thông minh hơn, đồng nghĩa với tầm ảnh hưởng trong thế giới ngày một lớn hơn.
Trong số các thương hiệu công nghệ đi theo hướng này, nổi bật là cái tên Jawbone với nhà điều hành Kelvin Kwong. Họ đã làm được một điều mà hẳn rất nhiều chuyên gia tâm lý trên toàn thế giới cũng phải ganh tị và lo ngại: Với việc gửi những tin nhắn được thiết kế một cách cẩn thận tới những người đeo thiết bị theo dõi thể trạng của Jawbone, họ đã giúp các khách hàng này có thêm 23 phút ngủ trung bình mỗi đêm và di chuyển nhanh hơn 27% so với tốc độ bình thường. Đó chỉ là một thí nghiệm, đồng thời cũng là một minh chứng cho thấy “sức mạnh thuyết phục” của công nghệ.
Các mô hình trung tâm dữ liệu của sự thuyết phục đang có ảnh hưởng không chỉ vào những công ty mới thành lập mà còn tác động tới nhiều công ty có hoạt động truyền thống, từ các nhà tư vấn chính trị tới các hãng quảng cáo. Ở đây, có thể lấy chiến thắng trong cuộc bầu cử của đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama là ví dụ điển hình, với vai trò hỗ trợ đắc lực của các công ty tư vấn số liệu kiểm soát số liệu cử tri, tính cơ động và khả năng thuyết phục đối với cử tri…

Dù khó đánh giá thiệt hơn của khách hàng nhưng bị bí mật "điều khiển" không phải là trải nghiệm dễ chịu 

Hiện tại, khó có thể đánh giá về sự thiệt - hơn của khách hàng một khi bị “lái” theo ý muốn của các hãng công nghệ. Mặc dù vậy, đang có ngày một nhiều hơn các công ty xây dựng những nền tảng cho phép họ có thể theo dõi hành vi của người tiêu dùng, tất nhiên là với sự cho phép của họ, khi họ tiếp cận với các cửa hàng, trực tuyến và trong các hoàn cảnh khác. Khi được trang bị những thông tin này, các công ty có thể hiểu hơn giá trị của mỗi khách hàng và đo đạc hiệu quả hơn sự hồi đáp từ các quảng cáo hay chương trình khuyến mãi với người sử dụng.
Nhiều chuyên gia công nghệ khẳng định, đến lúc này thì sẽ khó lòng đảo ngược xu thế các công ty đang ngày càng có ảnh hưởng tới hành vi của mỗi người trong xã hội hiện đại. Vì thế, vấn đề là cần đặt ra một giới hạn thích hợp cho những sự thuyết phục được thiết kế tinh vi đến nỗi gần như vô hình. Đã có những giới hạn về mặt pháp lý, song giới hạn về công nghệ và đạo lý thì hiện vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Trước mắt, giới chuyên gia về luật ở những quốc gia công nghệ phát triển đề xuất một giải pháp khá thiết thực, đó là không chấp nhận cho các hãng công nghệ được tự do theo dõi, giám sát và “thuyết phục” người dùng một cách thường xuyên, mặc định như hiện nay. Thay vào đó, người dùng một khi “có nhu cầu” được theo dõi, giám sát và “thuyết phục” thì sẽ đăng nhập vào hệ thống như một cách để yêu cầu cung cấp dịch vụ.
Tuy vậy, phương thức này lại dường như mâu thuẫn với lợi ích của các nhà cung cấp, nên có thể cần tới một giải pháp dung hòa. Một khi vẫn chưa có những nền tảng pháp lý đủ chặt chẽ để điều chỉnh lĩnh vực này, thì rất nhiều người sử dụng công nghệ vẫn đang bị các nhà cung cấp sản phẩm/dịch vụ công nghệ bí mật “điều khiển”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm