Mắc bẫy mua hàng trả góp lãi suất 0%

27/09/2015 - 10:48
Nhiều cửa hàng đã nâng giá sản phẩm lên 5 – 7% trước khi tung ra thị trường dịch vụ cho vay mua hàng trả góp lãi suất 0%. Ngoài ra, để mua được sản phẩm trả góp này, người mua phải chịu một mức phí cố định nữa.
Hiện nhiều siêu thị, cửa hàng quảng cáo dịch vụ cho vay mua hàng trả góp lãi suất 0%, khiến không ít người “tưởng bở”, nghĩ rằng doanh nghiệp muốn chân thành chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Nhưng thực tế không phải như vậy.

Khi đến mua hàng tại một cửa hàng công nghệ ở quận 10, TPHCM, chúng tôi không khỏi “mừng thầm” khi thấy cửa hàng thông báo: Khách hàng chỉ cần có thẻ tín dụng của một ngân hàng mà họ liên kết thì sẽ được mua trả góp bất cứ mặt hàng nào mà không phải trả lãi từ 3 đến 6 tháng. 

Tuy nhiên, qua khảo giá và so sánh với mặt bằng của thị trường thì điều dễ nhận thấy là hầu hết các mặt hàng tại đây đều được được “làm giá” với mức cao hơn khoảng 5%-7% so với các nơi khác.
 Kiểu bán hàng này có thể phù hợp với những người đang gặp khó khăn về tài chính, nhưng về lâu dài thì gây cho họ thiệt hại không nhỏ. Ảnh: Theo Shutter Stock

Một điểm đáng lưu ý nữa là mặc dù không phải chịu lãi suất (tuy thực tế phần lãi suất đã được tính trong giá sản phẩm) nhưng người mua sẽ phải chịu một mức phí cố định khoảng 3% tổng giá trị sản phẩm được mua. Chính khoản phí này, cộng với chênh lệch giá như đã nói trên, khách hàng phải chịu mua đắt khoảng 10% so với cách mua “tiền tươi thóc thật”.

Như vậy, kiểu bán hàng “treo đầu dê bán thịt chó” này có thể phù hợp với những người đang gặp khó khăn về tài chính, nhưng về lâu dài thì gây cho họ thiệt hại không nhỏ. Nếu so sánh với các cửa hàng bán hàng trả góp có tính lãi suất thì cũng không rẻ hơn bao nhiêu.

Thực chất của kiểu bán hàng này, theo một cán bộ ngân hàng, là một thỏa thuận “đôi bên cùng có lợi” giữa doanh nghiệp bán hàng với ngân hàng. Theo đó, mức giá được doanh nghiệp này đưa ra đã được thống nhất với phía ngân hàng.

Mức giá này được nâng lên một mức mà “các bên (người mua, người bán, ngân hàng) đều có thể chập nhận”, hoặc đặt ra các loại phí để có một khoản chênh lệch chuyển cho ngân hàng.

Như vậy, việc bán được hàng đã đảm bảo doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp bán hàng. Về phía ngân hàng, mặc dù số tiền thu được thấp hơn lãi suất cho vay, nhưng lại rất cần thiết trong tình hình tăng trưởng tín dụng luôn ở mức thấp như thời gian qua. Cuối cùng, chỉ người tiêu dùng là bất lợi.

Vì vậy, trước khi quyết định mua hàng theo phương thức này thì người tiêu dùng cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, tránh bị thiệt hại.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm