Mắc bệnh sỏi thận vì ăn uống

17/08/2015 - 08:18
Sỏi thận là bệnh thường gặp ở Việt Nam, chiếm tỉ lệ 10-15% dân số. Theo các chuyên gia y tế, rất nhiều người mắc căn bệnh này do ăn uống thiếu khoa học.
Nhầm lẫn dấu hiệu sỏi thận với đau mỏi
Sau những tháng ngày dài "trung thành" với thức ăn nhiều đạm, natri... nhưng do hay đi tiểu nên hạn chế uống nước, chị Trần Thu Hà (Quảng Trị) thấy đau vùng thắt lưng âm ỉ hoặc từng đợt. Nghĩ rằng mình bị đau lưng do ngồi nhiều, chị Hà không đi khám sớm. Đến khi thi thoảng thấy sốt, bí tiểu, có lần nước tiểu đục, thậm chí còn ra chút máu, chị mới tá hỏa đến Bệnh viện Việt Nam-Cu Ba (Đồng Hới, Quảng Bình) khám. Sau khi chụp chiếu và siêu âm, các bác sĩ chẩn đoán chị bị sỏi thận lớn, những biểu hiện trên của chị là do biến chứng ban đầu của sỏi thận. Do sỏi đã to nên khó áp dụng các biện pháp ngoại khoa, trong đó có uống thuốc để tống sỏi ra. Vì thế, các bác sĩ khuyên chị nên phẫu thuật để đưa sỏi ra khỏi thận. Sau khi được phẫu thuật, chị Hà không còn cảm giác đau vùng thắt lưng, nước tiểu bình thường và sức khỏe dần ổn định.


                                                                                                                Sỏi thận gây đau lưng

Các chuyên gia y tế cho rằng, không ít trường hợp mắc sỏi thận do ăn uống bất hợp lý như chị Hà. Riêng về lượng chất đạm và chất béo, hiện trung bình mỗi người dân Việt Nam "nạp" khoảng 84g/ngày, tăng gần 8 lần so với cách đây khoảng 30 năm. Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng số người ở thành thị sử dụng thịt gấp đôi nông thôn nên tỉ lệ người bị sỏi thận và một số bệnh nan y khác cũng cao hơn. Trong khi đó, số rau xanh tiêu thụ lại "dẫm chân tại chỗ". Nhiều người lười vận động, hạn chế uống nước, nếu có uống thì lại sử dụng nước có ga hoặc chứa nhiều cafein. Loại nước này thường khiến huyết áp tăng, gây tổn hại đến thận.
Ngoài các "tật xấu" trong ăn uống như trên, lạm dụng bia, rượu, ăn mặn, sử dụng thức ăn chứa nhiều đường tinh khiết, acid oxalic... cũng là các nguyên nhân dẫn đến sỏi thận.

Phòng bệnh không khó
Sỏi thận được hình thành do sự kết dính của các tinh thể trong một chất nền ở thận hoặc đường tiểu, ngăn cản việc bài tiết nước tiểu. Sỏi thận có thành phần cặn bã trong nước tiểu bao gồm một số chất khoáng, phổ biến là những hỗn hợp có chứa canxi, oxalat hoặc acid uric.

 
Cách đơn giản nhất phòng sỏi thận là uống đủ từ 1,5 lít đến 2 lít nước/ngày

Nhiều người không thích uống nước. Điều này dễ khiến chất thải lắng đọng trong thận và dần tạo thành sỏi. Vì thế, để phòng sỏi thận, mọi người nên uống đủ từ 1,5 lít đến 2 lít nước/ngày. Cần uống nước lọc hoặc nước hoa quả tươi, chứ không nên dùng nước ngọt có ga để thay thế nước lọc. Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế muối trong khẩu phần ăn, hạn chế uống bia. Lý do, ăn mặn sẽ tác động xấu đến huyết áp và thận; còn sử dụng nhiều bia sẽ khiến acid uric lắng đọng, tích tụ dẫn đến tắc nghẽn ống thận. Ngoài ra, cần hạn chế ăn thịt và thức ăn giàu đạm khác, thay vào đó là tăng cường rau xanh, hoa quả.
Sỏi thận thường tiến triển âm thầm. Để phát hiện mình có mắc bệnh hay không, bạn nên đi khám bệnh định kỳ. Nếu thấy nước tiểu có dấu hiệu bất thường thì cần điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý để phòng ngừa bệnh. Nếu nước tiểu nhiều canxi, acid uric, oxalate, cần giảm thức ăn chứa canxi, protein động vật, muối, đường sucrose, oxalate, vitamin C...

Tùy kích thước, vị trí, mật độ của sỏi và chức năng thận, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Với những sỏi kích thước lớn hoặc có biến chứng, thường áp dụng các biện pháp: Tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da, phẫu thuật lấy sỏi. Còn những người bị sỏi nhỏ hoặc chưa có biến chứng thì có thể uống thuốc giúp tan sỏi... Tuy nhiên, hầu hết phương pháp điều trị sỏi thận hiện mới lấy hết sỏi chứ chưa ngăn ngừa được bệnh tái phát. Do đó, với người từng mắc bệnh, cần tiếp tục duy trì lối sống khoa học và ăn uống hợp lý để phòng sỏi xuất hiện trở lại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm