Mắc bệnh Than, bé 3 tuổi phải tháo khớp tay chân

12/04/2018 - 17:31
Thấy con bị sốt cao, tay chân xuất hiện những vết bọng nước đỏ tím, có chỗ đã chuyển sang màu đen nên gia đình đưa đến cơ sở y tế. Bé được xác định bị bệnh Than. Do bệnh quá nặng, bác sĩ buộc phải tháo bỏ khớp tay, chân của bé.
Ngày 12/4, BV Nhi Trung ương cho biết đang điều trị cho bé Đèo Anh Thư (3 tuổi, huyện Phong Thổ, Lai Châu) bị hoại tử tay chân do mắc bệnh Than. Hiện tại, bệnh nhi đã được phẫu thuật cắt bỏ các bộ phận hoại tử.

Trao đổi với PNVN, chị Tẩn Thị Hồng, mẹ bệnh nhi, cho biết, cuối tháng 3/2018, bé bị sốt nên gia đình cho con uống thuốc hạ sốt. Đến ngày 30/3, bé lên cơn sốt nặng, tay chân xuất hiện những vết bọng nước đỏ tím, có chỗ đã chuyển sang màu đen nên gia đình đưa tới Trạm Y tế xã Khổng Lào. Ngày 31/3, bé được chuyển tới BV Đa khoa Lai Châu. Các bác sĩ chẩn đoán bé Thư bị bệnh Than nên nhanh chóng chuyển xuống BV Nhi TƯ.

Tại đây, các bác sĩ cho biết, tình trạng của bệnh nhi quá nặng, tứ chi bị hoại tử, buộc phải tháo khớp tay chân.

Ngày 11/4, BV đã thực hiện phẫu thuật cắt bỏ một nửa bàn tay cho bệnh nhi. Các bác sĩ cho biết, thời gian tới, BV sẽ tiếp tục thực hiện ca phẫu thuật thứ hai cắt bỏ phần hoại tử ở chân.

Hiện tại, bệnh nhi vẫn tiếp tục được theo dõi tại BV.
than.jpg
Tay bệnh nhi bị bệnh Than trước khi được phẫu thuật
 
Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh Than là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Bacillus anthracis gây ra. Bệnh chủ yếu lây lân qua đường da - niêm mạc; do tiếp xúc với mầm bệnh từ các động vật bị bệnh, chết hoặc các sản phẩm từ các động vật. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây qua đường hô hấp do hít phải bụi có nha bào than hoặc ăn thịt nhiễm mầm bệnh.

Bị khi bệnh Than, bệnh nhân có biểu hiện sốt, nhiễm khuẩn huyết. Theo đó, ở chỗ da bị nhiễm trùng xuất hiện ngứa đầu tiên, sau đó dẫn đến tổn thương, nổi sần, mụn nước và từ 2 đến 4 ngày sau phát triển thành nốt loét màu đen. Xung quanh chỗ loét thường có phù mức độ từ nhẹ đến nặng và lan rất rộng, đôi khi có mụn nước nhỏ thứ phát. Nốt loét thường không đau, nếu có đau là do phù hoặc bội nhiễm. Đầu, cánh tay và bàn tay là nơi hay bị tổn thương nhất. Nốt loét có thể bị nhầm lẫn với viêm da. Nơi nhiễm khuẩn không được điều trị có thể lan tới các hạch bạch huyết vùng rồi vào máu gây nhiễm trùng huyết và tổn thương não. Tỉ lệ tử vong bệnh Than thể da không được điều trị từ 5% đến 20%.

Ông Phu cũng cho biết, để phòng bệnh, các gia đình có chăn nuôi cần đảm bảo đúng chế độ kiểm dịch động vật. Các động vật ốm không được giết mổ thịt. Động vật ốm chết vì bệnh Than phải được chôn sâu, khử trùng tẩy uế đúng quy định. Công nhân các lò mổ, xưởng chế biến sản phẩm từ động vật (thịt, xương, da, lông...) cần thực hiện đúng các quy định bảo vệ, định kỳ kiểm tra sức khỏe, các tổn thương da nhiễm khuẩn cần được điều trị tốt; thực hiện khử trùng, tẩy uế các chất thải của người và động vật ốm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm