Mách mẹ cách lấy ráy tai khô cứng cho bé an toàn

Anh Dũng
16/09/2020 - 14:19
Mách mẹ cách lấy ráy tai khô cứng cho bé an toàn
Bình thường, các bậc phụ huynh không cần thiết phải làm vệ sinh ống tai cho bé do ống tai ngoài có khả năng tự làm sạch. Tuy vậy, có những trường hợp nhất định mẹ cần biết cách lấy ráy tai khô cứng cho bé an toàn.

Đa phần ống tai ngoài của bé đều có khả năng tự làm sạch và ráy tai sẽ tự khô và rơi ra ngoài. Do vậy, các bậc phụ huynh không nhất thiết phải lấy ráy tai hàng ngày cho bé. Tuy nhiên có đôi khi ráy tai của bé bị khô, vón cục và cần được loại bỏ. Lúc này mẹ cần biết cách lấy ráy tai cho bé an toàn mà hiệu quả.

1. Nguyên tắc lấy ráy tai khô cứng cho bé

Khi lấy ráy tai cho bé, mẹ tuyệt đối không sử dụng các vật sắc nhọn như móng tay hay tăm bông. Điều này là do những vật sắc nhọn sẽ khiến ráy tai đi vào sâu hơn, ảnh hưởng đến màng nhĩ bên trong tai. Chưa kể vật sắc nhọn có thể khiến làn de mỏng manh của bé bị tổn thương.

Để lấy ráy tai cho bé an toàn, mẹ cần tuân thủ những bước sau:

- Nên sử dụng khăn bông sạch, mỏng, chất liệu mềm mại. Thấm hơi ẩm khăn và chùi nhẹ xung quanh vành tai của bé.

- Lau sạch các góc tai ngoài một cách nhẹ nhàng.

- Xoắn nhẹ một góc của khăn ẩm rồi từ từ đưa sâu vào bên trong tai.

- Tiếp tục xoắn khăn lại, ráy tai sẽ theo đường xoắn của khăn ra ngoài.

Mách mẹ cách lấy ráy tai khô cứng cho bé an toàn - Ảnh 2.

Tuyệt đối không dùng tăm bông hay các vật dụng cứng để lấy ráy tai cho trẻ (Ảnh: Internet)

Việc sử dụng khăn mềm sẽ đảm bảo tai được làm sạch mà không ảnh hưởng đến màng nhĩ của bé. Nó còn giúp tránh đụng chạm quá nhiều đến ống tai, kích thích ráy tai sản sinh nhiều hơn.

Trong trường hợp ráy tai của bé quá khô, cứng và vón cục lâu ngày, mẹ không nên cố gắng lấy ra vì sẽ làm tổn thương tai của bé. Thay vào đó, mẹ nên dùng nước muối sinh lý 0.9% để nhỏ vào tai bé mỗi ngày từ 3 đến 4 lần, mỗi lần từ 5 đến 10 giọt. Nhỏ nước muối vào tai sẽ làm cho ráy tai mềm hơn và mẹ có thể lấy một cách dễ dàng.

Nếu ráy tai của bé nhiều và chưa rã hết thì mẹ có thể tiếp tục nhỏ tai thêm vào ngày để phần khô cứng được đẩy ra hoàn toàn. Tuy nhiên nếu ráy tai chỉ mềm mà không rã ra hay vẫn nằm trong ống tai thì mẹ nên đưa bé tới cơ sở y tế chuyên khoa để bác sĩ hút ráy tai ra ngoài.

Một lưu ý đặc biệt là khi tai bé đang bị trầy xước hoặc bị viêm tai giữa, mẹ tuyệt đối không dùng bông hay dụng cụ nào khác để lấy ráy tai cho bé vì nó sẽ gây đau đớn và ảnh hưởng xấu đến tai.

2. Cách lấy ráy tai khô cứng cho bé bằng dầu olive

Cách lấy ráy tai khô cứng cho bé an toàn với dầu olive. Để thực hiện, mẹ cần chuẩn bị một chút dầu olive, một chiếc thìa nhỏ hoặc bơm tiêm nhựa 1ml không có kim. Trong vòng 2 tuần, mẹ nhỏ vài giọt dầu olive vào bên tai cần loại bỏ ráy tai mỗi ngày một lần.

Mách mẹ cách lấy ráy tai khô cứng cho bé an toàn - Ảnh 3.

Dầu olive có thể được sử dụng để làm mềm ráy tai khô cứng cho bé (Ảnh: Internet)

Khi ráy tai đã mềm, mẹ có thể thực hiện như sau:

- Đặt bé nằm nghiêng, tai cần vệ sinh phía trên.

- Nhẹ nhàng kéo vành tai của bé và đổ vài giọt olive vào ống tai.

- Day nhẹ gờ tai trong khi vẫn kéo vành tai. Lặp lại nhiều lần để dầu di chuyển vào trong làm tan ráy tai khô.

- Giữ yên bé ở tư thế trên khoảng 5 phút rồi dùng khăn ẩm nhẹ nhàng lau sạch.

3. Cách lấy ráy tai khô cứng cho bé bằng oxy già

Để lấy ráy tai cho bé bằng oxy già, mẹ cần chuẩn bị trước hỗn hợp làm mềm ráy tai bằng cách pha nước ấm với dung dịch oxy già 3% theo tỉ lệ 1:1. Nhỏ hỗn hợp này mỗi ngày 1 lần bằng bơm tiêm 1ml không có kim trong vòng từ 3 đến 5 ngày.

Cách thực hiện như sau:

- Đặt bé nằm nghiêng, để tai cần vệ sinh nằm ở phía trên.

- Dùng bơm tiêm hút hỗn hợp oxy già đã pha trước đó và nhỏ vào tai khoảng 5 đến 10 giọt.

- Nên nhỏ từ từ từng giọt để hỗn hợp có thể đi sâu vào trong và làm mềm ráy tai.

- Giữ bé nằm yên trong 5 phút hoặc ít hơn nếu bé không chịu nằm yên.

- Nghiêng đầu bé theo hướng ngược lại để thuốc chảy ra ngoài.

Mách mẹ cách lấy ráy tai khô cứng cho bé an toàn - Ảnh 4.

Dùng bơm tiêm nhựa không có kim để nhỏ hỗn hợp oxy già đã pha vào tai bé (Ảnh: Internet)

Đến ngày thứ 5, mẹ cần tiến hành rửa tai cho bé để ráy tai trôi ra ngoài. Lúc này mẹ cần thực hiện như sau:

- Đặt bé ngồi thẳng và nghiêng đầu vào chậu.

- Sau đó dùng bơm tiêm không có kim bơm 1 chút nước ấm vào tai bé. Nước chỉ đủ ấm vừa phải, không quá lạnh hoặc quá nóng. Ráy tai sẽ trôi ra ngoài theo dòng nước.

4. Một số lưu ý

Trong quá trình lấy ráy tai cho bé, mẹ cần lưu ý một số điều sau để tránh làm tổn thương đến tai cũng như màng nhĩ của trẻ:

- Không dùng tăm bông hay các vật sắc nhọn để ngoáy tai cho trẻ.

- Không vệ sinh tai quá thường xuyên. 2 đến 3 lần mỗi tháng là vừa đủ.

- Nếu tai bé có bất kì dấu hiệu bất thường nào, mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.

- Ráy tai nhiều có thể bịt kín tai bé hoặc chảy mủ gây đau nhức tai, chảy dịch có mùi hôi khó chịu và bị giảm thính lực, Nếu gặp trường hợp này, phụ huynh nên đưa bé đi khám tại cơ sở chuyên khoa Tai- Mũi - Họng để có phương án điều trị kịp thời.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm