Mạch nguồn cảm xúc bất tận về mẹ

Huế Trần
28/11/2021 - 12:00
Mạch nguồn cảm xúc bất tận về mẹ

Ảnh minh họa

Ánh sáng chiều yếu dần. Hoàng hôn nhuốm màu vàng huyền ảo cả một vùng trời. Qua khung cửa sổ, cơn gió thoảng nhẹ khiến lòng tôi gờn gợn nỗi nhớ nhà. Giờ này, chẳng biết mẹ đã đi làm đồng về chưa, cơm nước chắc cũng chưa ai phụ giúp mẹ.

Ngồi thẩn thơ một lúc, chẳng mấy mà trời đã nhá nhem tối. Tầm này ở quê, người ta dễ nghe thấy tiếng í ới gọi nhau về ăn tối. Tiếng tivi vang lên từ mỗi nhà cũng là lúc các bà, các mẹ cười nói ở những cầu ao, bến sông. Mẹ tôi cũng hay ngồi đó, gột rửa bùn đất trước khi trở về nhà.

Mẹ lúc nào cũng là người ra đồng sớm nhất và trở về nhà muộn nhất. Có lúc, bố tôi từng bông đùa: "Mẹ mày muốn giành cái huân chương lao động của làng đây mà!".

Mẹ vẫn có thói quen đi chân đất, mẹ nói đi dép vướng víu, không tiện việc đồng áng, vườn tược. Đôi chân trần ấy cứ thế quen mùi của đất rồi ngấm trọn vị mặn mòi của đồng quê. Có lần tôi nói sẽ tìm mua kem bôi cho bàn chân mẹ đỡ nứt nẻ. Nhưng mẹ gạt phắt rồi bảo là bôi vào xong lại lội ruộng, làm vườn, thời gian đâu mà ngấm thuốc?

Cứ thế, mỗi ngày tôi thấy mẹ một già đi. Dấu hiệu của tuổi già hiện rõ lên từng nếp nhăn trên gương mặt và đôi bàn tay, bao nhiêu nếp tôi chẳng thể đếm nổi. Chỉ biết là mỗi lần về nhà, nhổ tóc bạc cho mẹ, tôi lại giấu lẹm đi "thành quả" nhổ được. Tôi gọi đó là mớ tóc của thời gian. Gen tóc đen, dài và dày của mẹ đều truyền cho ba chị em tôi, nhưng giờ đây, mái tóc mẹ bỗng chốc lọt thỏm trong lòng bàn tay.

Mạch nguồn cảm xúc bất tận về mẹ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Mẹ già đi cũng là lúc mấy chị em trong nhà chúng tôi dần trưởng thành, nhiều người đi học rồi lập nghiệp cũng xa nhà. Học xong, tôi tìm được một công việc ổn định ở chốn thành thị. Tuy cũng chẳng xa quê là bao, nhưng guồng quay công việc khiến tôi mấy tháng mới trở về thăm nhà được một lần. Tôi vẫn thường gọi điện về nhà bất chợt, tôi muốn ngắm nhìn hình ảnh gia đình, xem mọi người giờ này làm gì, bữa cơm có gì ngon để ăn không, hay lại tuềnh toàng, đạm bạc.

Tính mẹ tiết kiệm lắm. Cái sự chắt chiu, nhặt nhạnh dường như nó ngấm vào mạch máu của mẹ rồi. Mẹ cứ bảo thích ăn rau dưa, hoa trái trong nhà, chứ thực ra tôi biết là do mẹ không muốn mua sắm tốn kém ngoài chợ. Ấy thế mà mỗi lần gửi đồ quê lên cho tôi, thùng nào thùng đấy nặng trịch, tôi phải cố gắng mới bê nổi. Mở ra thì... chao ôi, toàn đồ tươi ngon mẹ dành dụm cho con gái.

Cũng chẳng ít lần tôi nhìn đồ đạc ở quê mẹ gửi lên mà nghẹn ngào rồi lại gục mặt khóc thút thít. Nhìn từng túi đồ được đóng gói cẩn thận, tôi lại tưởng tượng ra cảnh bố mẹ ở nhà đã phải làm những gì để chuẩn bị và mua sắm được ngần này món.

Sống ở chốn thị thành, khoảnh khắc tôi sợ nhất trong ngày chẳng phải là những buổi sớm lao vội ra khỏi nhà, đấu tranh với tắc đường để đến cơ quan cho kịp giờ làm; cũng chẳng phải những trưa hè oi ả chiếm lấy mồ hôi và sự bực dọc; mà là giây phút khi trời chạng vạng tối. Tôi lo mẹ giờ này còn mò mẫm ngoài đồng, bố thì đi làm xa, em gái út ở nhà đã cuối cấp nên cũng đi học tối ngày.

Mẹ tôi có 3 cô con gái và dâu trưởng của cả một dòng họ lớn nhất trong làng. Ở tuổi mẹ, tôi vẫn thấy các cô, các bác trên này xúng xính váy áo đi shopping, cafe râm ran cùng chúng bạn. Mẹ chẳng có cái diễm phúc ấy. Nhưng mẹ nói, diễm phúc của mẹ chính là được thấy ba cô con gái yên bề gia thất.

Ngày chị tôi lấy chồng xa, mẹ thổn thức suốt nhiều đêm dài. Tôi thấy điện thoại mẹ sáng mỗi đêm, thì ra mẹ không ngủ được. Mẹ nói, chỉ mong con gái lấy chồng gần, xa rồi biết bao giờ mới được gặp. Nói đến đó, đôi mắt mẹ lại ngấn lệ. Ngày nhìn chị lên xe hoa, tôi thấy mẹ vội lấy vạt áo lau những giọt nước mắt đến bất chợt và rơi cũng thật ngổn ngang. Mẹ lẩm nhẩm: "Chắc đến Tết nó mới được về".

Niềm vui đến với mẹ cũng giản đơn lắm, giản đơn như chính cái cách mà mẹ đang đối xử với bản thân mình, chẳng cầu kỳ, chăm chút, hay nói thẳng ra là tuềnh toàng. Chỉ cần lúa vụ đó được mùa, đàn gà mau lớn, con cái quây quần bên mâm cơm, thế thôi. Mẹ thích sự đông đủ. Chỉ cần dịp nào mà đứa này về được, đứa kia không, là ngồi trong mâm cơm mẹ lại rơm rớm nước mắt.

Chẳng có tấm vách ngăn nào có thể ngăn chặn hết mạch xúc cảm về mẹ, bởi người mẹ nào cũng là một bà tiên trong lòng những đứa con. Với mẹ tôi, tôi chỉ mong sao mỗi khi trời sẩm tối, mẹ được an vui bên mâm cơm gia đình, không còn phải lo nghĩ nhiều cho ba chị em tôi nữa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm