pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mái nhà chung của phụ nữ dân tộc yếu thế
Nghệ nhân Vi Thị Thuận đại diện cho những người thợ dệt Mai Châu giao lưu, chia sẻ tại Triển lãm “Hành trình của sợi vải bền vững” tổ chức ngày 22 và 23/4 tại Hà Nội.
"Tôi là Thương - cô gái dân tộc đang theo nghề dệt may đến từ mảnh đất Mai Châu thanh bình.
Chắc bạn cũng đã biết, ở khu vực núi đồi hiểm trở không chỉ nghèo về vật chất mà điều kiện về giáo dục cũng bị hạn chế theo, chị em tôi mấy ai được đi học, mấy ai được sống theo ý muốn của mình. Công việc lao động chân tay vẫn thuộc về thanh niên trai tráng, phụ nữ chỉ có thể ra các phiên chợ bán hàng, kiếm được đồng nào hay đồng ấy sống cho qua ngày. Cuộc sống như vậy quả thực rất tẻ nhạt, và rồi nghề dệt may về đến bản làng chúng tôi như một làn gió mới khiến chị em phụ nữ ai cũng đều hồ hởi, vui vẻ hơn rất nhiều.
Nhưng tôi thì khác! Tôi sinh ra đã bị gù bẩm sinh, hơn thế cột sống cũng bị lệch về một phía, dáng đi lúc nào cũng phải cúi gằm cả người xuống khiến dù mới đôi mươi nhưng tôi thật sự không khác nào một bà cụ đã luống tuổi là bao! Tôi sợ cái nghề này phải ngồi lâu, mọi người sẽ bị thu hút vào cái lưng gù ấy và chỉ trỏ, bàn tán tôi. Tôi lúc nào cũng tự ti, lo lắng về vẻ bề ngoài của mình. Nhưng sự xuất hiện của cô Thuận - chủ xưởng may thổ cẩm dành cho người khuyết tật của Mai Châu đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của tôi sau này.
Cô đã chủ động ngỏ lời mời tôi về xưởng làm việc mặc cho tôi từ chối không biết bao nhiêu lần. Thấu hiểu nỗi lo lắng của tôi, tôi đã được cô Thuận tận tay dắt vào xưởng may và giới thiệu tôi với những người thợ dệt khác, đồng thời cô cũng yêu cầu các chị em trong xưởng hãy thoải mái coi nhau như một gia đình và giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình làm việc. Không chỉ thế, cô Thuận còn rèn cho tôi sự tự tin, dạy bảo tôi rất nhiều bài học về giá trị con người để tôi không còn mặc cảm về vẻ bề ngoài của bản thân nữa. Và bây giờ, tôi đã có thể cùng cô quản lý cửa hàng, nói chuyện mua bán với khách cũng như sắp xếp công việc trong xưởng gọn gàng, chỉn chu. Tôi thực sự rất vui khi biết những sản phẩm dệt may của xưởng đang được các bạn ở thành phố đón nhận với thái độ rất tích cực".
Xưởng thổ cẩm trở thành mái nhà chung của những người phụ nữ kém may mắn
"Cô Thuận" mà chị Thương nhắc đến đầy yêu thương trong câu chuyện của mình, đó là nghệ nhân Vi Thị Thuận, Cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hoà, Bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
Nghệ nhân Vi Thị Thuận tâm sự, vốn có tình yêu và ấp ủ truyền dạy để giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của quê hương; cùng với sự thương cảm, xót xa khi tham gia hoạt động từ thiện nhân đạo, chị gặp một số em gái khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn, không có nghề nghiệp, việc làm. Đầu năm 2006, chị đã bàn bạc với gia đình đón các em khuyết tật về cưu mang, dạy nghề dệt thổ cẩm cho các em. Những ngày đầu gây dựng, cơ sở chỉ là mái nhà tranh, vách liếp, vừa là nơi ở vừa là nơi học nghề của 11 em nữ khuyết tật đầu tiên.
Năm 2008, cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa chính thức được thành lập. Đến nay, cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa đã trở thành nơi nương tựa cho nhiều phụ nữ và trẻ em tật nguyền, phụ nữ đơn thân, hoàn cảnh khó khăn người dân tộc thiểu số, cho họ một mái ấm, một công việc ổn định.
"Xưởng may thổ cẩm nhỏ của chúng tôi tại Mai Châu là nơi các cô, các chị khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, may mắn được gặp nhau, cùng ăn ngủ, cùng làm việc tại xưởng. Làm việc với người khuyết tật có vất vả không? Chắc chắn là có chứ: họ khó khăn về sức khỏe một thì họ tự ti, thu mình, khép kín mười. May mắn sao, chúng tôi có chung một tình yêu với thổ cẩm. Tôi - với tư cách là một người chủ, luôn tâm niệm với lòng, đồng thời nhắc nhở mọi người trong xưởng: Bản thân mình là người khuyết tật, nhưng mặt hàng của mình phải đứng trên góc nhìn của người lành lặn. Chúng tôi lỡ yêu cái nghề này rồi, lỡ yêu thổ cẩm rồi thì phải yêu cho trót, như tình yêu của những người lớn có trách nhiệm, biết nâng niu và trân quý tình yêu của mình", nghệ nhân Vi Thị Thuận chia sẻ.
Mang thời trang bền vững đến với cộng đồng
Trước dịch Covid-19, cơ sở của chị Thuận đang có trên 40 lao động nữ dân tộc thiểu số, trong đó có 11 chị em khuyết tật, sản xuất ra hơn 20 mặt hàng lưu niệm và tiêu dùng với mẫu mã đa dạng, có mặt tại thị trường 15 tỉnh/thành phố trong cả nước và xuất khẩu sang thị trường châu Âu như Đức, Anh, Pháp, và một số nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Cơ sở còn mở rộng thêm dịch vụ du lịch homestay đón khách du lịch quốc tế và trong nước, qua đó tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho chị em với thu nhập bình quân từ 3,5 triệu – 5 triệu/người/tháng. "Trải qua đợt dịch Covid-19 vừa qua, xưởng dệt của chúng tôi ít nhiều cũng đã xuống cấp, máy móc cũng đã bắt đầu hỏng hóc, tinh thần của mọi người cũng đã ít nhiều đi xuống", chị Thuận cho biết.
Tuy nhiên, trên hành trình đó, các chị không hề đơn độc. Chị Thuận chia sẻ, chị và các chị em tại cơ sở đã rất vui vì được dự án Empower Women Asia hỗ trợ nâng cao kỹ năng, nhận thức và sự hiểu biết trong quá trình sản xuất sản phẩm vải bền vững, để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và cơ hội tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình và sự đồng hành hỗ trợ, niềm hi vọng và niềm tin cho cuộc sống của những người phụ nữ giàu nghị lực không bao giờ tắt. Nghệ nhân Vi Thị Thuận vẫn đều đặn, tích cực tham gia các sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tự hào mang khung cửi từ Bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình xuống phố dệt vải, đem những nét đẹp văn hóa trong dệt may thủ công cũng như trang phục truyền thống của người Thái đến với cộng đồng.