Trước đó, bệnh nhân là bà N.T.L. (64 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) được chuyển đến Bệnh viện Bình Dân trong tình trạng có một khối tròn gồ lên ở vùng bụng dưới bên trái và thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, ăn uống khó tiêu.
Theo người bệnh, bà vốn có thể trạng cư cân nên hoàn toàn không để ý đến vùng bụng lớn lên một cách bất thường. Chỉ đến khi sờ thấy một khối tròn gồ lên ở vùng bụng dưới bên trái, ấn không đau và thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, ăn uống khó tiêu nên mới quyết định đến bệnh viện thăm khám.
Kết quả kiểm tra tại bệnh viện cho thấy, bệnh nhân có một khối u mô đệm thành dạ dày, choán chỗ toàn bộ vùng hạ sườn trái, có đường kính lớn nhất lên tới 20cm.
Các bác sĩ đánh giá đây là một trường hợp khó với khối u có kích thước khổng lồ, lan dính nhiều cơ quan trong ổ bụng và trong tình trạng dọa vỡ nên phải quyết định phẫu thuật ngay.
Bác sĩ Nguyễn Phú Hữu, Khoa Ngoại tiêu hóa - Bệnh viện Bình Dân cho biết, vì khối u rất mềm nên toàn bộ ê-kíp phải tập trung cao độ trong từng thao tác bóc tách, gỡ dính, cầm máu. Đồng thời đảm bảo không tổn thương các tĩnh mạch quan trọng như tĩnh mạch cửa gan, tĩnh mạch lách, đe dọa tính mạng người bệnh.
Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt trọn khối bướu và một phần khoảng 2 cm của thành dạ dày và đặt dẫn lưu ổ bụng.
Theo bác sĩ Hữu, trường hợp trên là một loại u mô đệm đường tiêu hóa, tỉ lệ gặp ít hơn 5% các khối u ở vùng dạ dày. U mô đệm đường tiêu hóa có thể xuất hiện ở mọi vị trí trên đường tiêu hóa như thực quản, dạ dày, ruột… Khối u sẽ phát triển lớn, bám dính và làm ảnh hưởng nhiều cơ quan trong ổ bụng, di căn khiến cơ thể suy mòn nếu không được điều trị.
Nếu phát triển quá lớn, khối u có nguy cơ vỡ với một tác động từ bên ngoài và gây xuất huyết rất nguy hiểm cho người bệnh. U mô đệm có nguy cơ tái phát lên tới 50% sau phẫu thuật, do đó việc điều trị không chỉ dừng lại ở việc tách bỏ khối u bằng phẫu thuật mà cần phải chẩn đoán mô học khối u bằng hóa mô miễn dịch và điều trị bổ túc.