Mang thai đa ối: Mẹ bầu làm gì để bảo vệ thai nhi?

11/01/2019 - 14:43
Đa ối khi mang thai là tình trạng có quá nhiều dịch ối bao quanh em bé trong tử cung, tình trạng này có thể gây nguy hiểm cho thai nhi.
Chị Lưu Ly (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) năm nay 34 tuổi mới có thai lần đầu. Đến thời điểm thai được 34 tuần, chị đi siêu âm định kỳ thì được bác sĩ chẩn đoán nghi ngờ bị đa ối và yêu cầu nhập viện để theo dõi, khám lại. Mặc dù vậy, chị vẫn không hiểu đa ối là gì và có nguy hiểm không?
bat-thuong-ve-nuoc-oi.jpg
Lo lắng của chị cũng giống như nhiều bà mẹ mang thai khác. Để giải đáp thắc mắc này, bác sỹ Vũ Thị Phương Lan, Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế Bắc Từ Liêm cho biết, túi ối được tạo ra khoảng ngày thứ 12 sau khi trứng thụ tinh. Thai nhi nằm trong tử cung của người mẹ và được bao bọc xung quanh bởi nước ối. Nước ối là một môi trường giàu chất dinh dưỡng, có khả năng tái tạo và trao đổi, giữ một vai trò quan trọng đối với sự sống còn và phát triển của thai nhi. Nước ối được tạo thành từ ba nguồn gốc: Thai nhi, màng ối và máu mẹ.
 
Như vậy, ngay từ đầu thai kỳ, nước ối đã có chức năng nuôi dưỡng phôi thai. Sau khi lá nhau được thành lập, nước ối bảo đảm cho sự sống còn và phát triển của thai. Thai từ 34 tuần trở lên hấp thu từ 300-500ml nước ối mỗi ngày. Lượng nước ối này khi vào ruột sẽ góp phần tạo phân su, còn khi vào máu sẽ góp phần cân bằng dịch trong cơ thể thai nhi và được lọc một phần tạo thành nước tiểu cho bé.
 
Nước ối ở mức độ nào gọi là đa ối?
 
Nước ối bảo vệ, che chở cho thai nhi tránh những va chạm, sang chấn, đặc biệt là bảo đảm môi trường vô trùng cho bé trong bọc ối. Thể tích nước ối tăng dần cho đến đầu của 3 tháng cuối thai kỳ và từ đó hằng định cho đến khi thai đủ tháng. Trong giai đoạn tuần thứ 37 đến tuần thứ 41, thể tích nước ối giảm đi 10%. Từ tuần thứ 42 trở đi, thể tích nước ối giảm đi rất nhanh, khoảng 33% trong một tuần.
 
Bình thường, nước ối có thể tích từ 500 ml đến 1.500ml, nếu nước ối quá 1.500ml thì gọi là đa ối. Việc siêu âm để đo chỉ số nước ối phải được đánh giá ít nhất 2 lần liên tục cách nhau từ 2-6 giờ để xác định tình trạng thiểu ối hay thừa nước ối. Căn cứ vào bảng sau đây để đánh giá chỉ số nước ối là bình thường hay bất thường.
 
Bình thường nếu AIF6cm - 18cm. Thai phụ có thể yên tâm với chỉ số này.
 
Dư ối: nếu AIF từ 12cm – 25cm.  Thai phụ có thể yên tâm vì dư ối nằm trong chỉ số này là bình thường.
 
Đa ối (bệnh lý):  AIF> 25cm. Đa ối gây ra nhiều biến chứng cho thai nhi như: Mẹ bị vỡ ối sớm, sinh non, túi ối bị căng quá sẽ làm cho nhau bong non, ngôi thai bị đảo lộn bất thường có thể dẫn đến sinh mổ. Ngoài ra, nước ối nhiều cũng gây nên tình trạng đờ tử cung (đờ tử cung xảy ra khi tử cung bị giãn quá mức do chuyển dạ quá dài hoặc khi mang thai đôi, thai ba hay sinh con nhiều lần), sản phụ có nguy cơ bị băng huyết sau khi sinh.
 
 
cach-tri-tao-bon-cho-ba-bau.jpg
Ảnh minh họa
 
Nguyên nhân
 
- Mẹ mắc bệnh tiểu đường trước hoặc trong khi mang thai, bệnh kháng thể kháng Rh và các bệnh tan máu thứ phát do kháng thể bất thường…
 
- Nguyên nhân do thai như bất thường hệ thống thần kinh trung ương thai nhi (vô sọ, khuyết tật ống nơron thần kinh). Bệnh lý về cấu trúc hệ thống tiêu hóa (tắc ống thực quản hoặc ống tiêu hóa). Bất thường nhiễm sắc thể thai nhi, phù nhau thai, hội chứng truyền máu song thai…
 
- Nguyên nhân nhau thai: U mạch máu màng đệm có thể gây suy tim thai nhi và dẫn đến tình trạng đa ối. Các bệnh lý viêm nội mạc tử cung hoặc gây thương tổn bánh nhau (giang mai)…
 
- Các dấu hiệu có thể nghĩ đến đa ối đó là tử cung to hơn bình thường, khó xác định được thai và các phần của thai, khó nghe thấy tim thai, thai nhi bập bềnh dễ dàng, vòng bụng đo ngang qua rốn trên 100cm…
 
- Ngoài ra có thể thấy ở thai phụ nặng nề khó thở, ăn uống khó tiêu, phù nề giãn tĩnh mạch có thể có trĩ kèm theo và bụng có thể đau.
 
Biến chứng và xử lý
 
Biến chứng mẹ hay gặp là chảy máu do đờ tử cung, rau bong non, ngôi thai bất thường làm tăng chỉ định các thủ thuật can thiệp. Các biểu hiện về rối loạn hô hấp của mẹ có thể xuất hiện, từ mức khó thở cho đến tình trạng suy hô hấp nặng.
 
Tùy thuộc vào bệnh lý của mỗi người khác nhau mà có hướng xử trí phù hợp theo chẩn đoán. Đối với sản phụ đã siêu âm và có chẩn đoán nghi nghờ đa ối phải đến bệnh viện chuyên khoa sản khám để có kết luận chính xác.
 

Chẩn đoán đa ối được xác định qua siêu âm đo chỉ số nước ối gọi tắt là AFI - là ký hiệu chỉ số nước ối. Thông thường, các bác sĩ đo chỉ số nước ối như sau: Lấy lỗ rốn làm mốc, chia bụng làm 4 phần bởi 2 đường dọc ngang. Như vậy đồng thời, cũng chia tử cung ra làm 4 phần. Ở mỗi phần, chọn ra một túi ối sâu nhất, đo chiều dài của nó. Cộng 4 phần lại sẽ ra một con số, đó chính là chỉ số ối (AIF).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm