Mang thai con thứ 3, bên cạnh những triệu chứng khó chịu như hai lần mang thai đầu tiên, chị Hoàng Thị Mỹ Hương (32 tuổi), ngụ tại quận Phú Nhuận (TP HCM) bỗng thấy hai chân đau nhức, tê mỏi và xuất hiện những mạch máu phình lên dưới da. Hoang mang với những triệu chứng đó, chị Hương tìm đến BV để được khám và chẩn đoán bệnh, kết quả chị bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới, nhưng chưa ở giai đoạn nặng nên chị Hương được BS chỉ định mang vớ (tất) theo dõi và điều trị nội khoa. “Ai cũng nói trong lúc mang bầu, trong người khó chịu và đau nhức người là chuyện bình thường. Nhưng đến khi đau quá và mạch máu nổi lên, tôi đến BV khám mới biết mình bị giãn tĩnh mạch”, chị Hương kể.
Chia sẻ về tình trạng giãn tĩnh mạch ở phụ nữ mang thai, BS Lê Thanh Phong, BV ĐH Y Dược (TP HCM) cho biết, giãn tĩnh mạch thường được phát hiện ở lần mang thai đầu tiên và rất hiếm khi được phát hiện trong giai đoạn trước khi dậy thì. Một số nghiên cứu cho thấy chỉ có gần 10% phụ nữ bị giãn tĩnh mạch là chưa mang thai trước đó, số còn lại 90% xảy ra trên những phụ nữ đã từng mang thai.
Mang thai nhiều lần, phụ nữ dễ bị giãn tĩnh mạch.
Lý giải về vấn đề này, BS Phong cho biết, các nghiên cứu thường đặt ra hai giả thuyết về sự tương quan giữa thai kỳ và bệnh giãn tĩnh mạch: Tĩnh mạch giãn ra là do tử cung to ra chèn ép các tĩnh mạch từ phía trên bụng gây cản trở dòng máu tĩnh mạch về tim, hoặc do sự thay đổi về nội tiết tố của người mẹ trong quá trình mang thai. “Các nghiên cứu cho thấy có đến 70-80% số phụ nữ mang thai phát hiện tình trạng giãn tĩnh mạch trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, trong giai đoạn này tử cung chỉ hơi to so với bình thường một chút. Chỉ có khoảng 1-5% giãn tĩnh mạch xuất hiện ở 3 tháng cuối của thai kỳ khi tử cung đủ to để chèn ép gây cản trở dòng máu chảy về của tĩnh mạch”, BS Phong cho hay.
Ngoài ra, có nghiên cứu còn ghi nhận triệu chứng của suy tĩnh mạch có thể là dấu hiệu đầu tiên của việc có thai và triệu chứng suy tĩnh mạch có thể được phát hiện trước cả dấu hiệu trễ kinh. Điều này cho thấy chính sự thay đổi nội tiết tố, mà chủ yếu là sự gia tăng của chất Progesteron khi mang thai đóng vai trò chính trong bệnh giãn tĩnh mạch và suy các van tĩnh mạch. “Có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng có sự tăng tần suất mắc bệnh giãn tĩnh mạch ở những phụ nữ có nhiều con. Điều này có nghĩa là những phụ nữ càng sinh nhiều con thì khả năng mắc bệnh giãn tĩnh mạch càng cao. Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà có phương pháp điều trị phù hợp. Với phụ nữ đang mang thai, nhất là trong những tháng đầu tiên, việc điều trị cần được cân nhắc một cách cẩn thận. Đối với điều trị nội khoa, cần cẩn thận với một số thuốc trợ tĩnh mạch có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi. Mặt khác, điều trị phẫu thuật trong giai đoạn này cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và an toàn của thai nhi. Do đó điều trị chủ yếu là mang vớ tĩnh mạch và các phương pháp điều trị bổ trợ khác”, BS Phong cho biết.
Để đối phó với bệnh giãn tĩnh mạch ở phụ nữ mang thai, theo BS Phong, ảnh hưởng của việc mang thai đối với bệnh giãn tĩnh mạch là một hiện tượng không thể can thiệp được. Việc có thể làm đối với các phụ nữ bị suy giãn tĩnh mạch là hạn chế sinh nhiều con và khi mang thai thì nên áp dụng các phương pháp điều trị làm giảm nhẹ các triệu chứng.