Mạng xã hội khiến người mất việc, kẻ đổi đời

28/09/2016 - 08:00
Những người trẻ cần cẩn thận trước mỗi thông tin, hình ảnh đăng tải trên các trang mạng xã hội bởi rất có thể nhà tuyển dụng sẽ dựa vào chúng để đánh giá bạn.
Mất việc chỉ trong một nốt nhạc

Ba tháng thực tập khép lại cũng là lúc Hoàng Thanh Phương (sinh năm 1993, quê Bình Dương) được nhận vào vị trí Nhân viên Tổ chức sự kiện (Event Executive) tại một công ty quảng cáo lớn ở TPHCM. Mục tiêu mà Phương đặt ra là tích lũy kinh nghiệm tổ chức các sự kiện mang tính truyền thông sáng tạo cho các thương hiệu lớn. Do đó, khi được phân công phụ trách sự kiện Dã ngoại cho cán bộ, nhân viên của một công ty nhỏ, Phương cảm thấy không vui và nản chí.

“Tôi và một đồng nghiệp nữa được cử đi theo công ty khách hàng ra Đà Nẵng và tổ chức các hoạt động cộng đồng cho họ” - Phương thở dài khi nhớ lại - “Khách hàng đa số đều lớn tuổi, nhưng lại cư xử không chuyên nghiệp”.

Theo như những gì Phương chia sẻ, vài vị sếp bên phía khách hàng thậm chí còn “vô tư” sờ… mông cô trong bữa tối cùng cả tập thể. Hơn nữa, “họ còn làm khó chúng tôi bằng cách đang đêm đòi được dẫn đi hát karaoke, đi hóng gió. Thực chất chỉ là kiếm cớ để “lừa” tôi và đồng nghiệp mà thôi!”.

Hoàng Thanh Phương mất việc vì “nói thật” trên facebook - Ảnh: NVCC.

Khi chuyến công tác còn chưa kết thúc, Phương ấm ức và bực bội nên đã đăng tải một trạng thái trên Facebook với dòng mở đầu “Chưa có chuyến công tác nào tồi tệ như chuyến này…” và sau đó là những từ ngữ không mấy hay ho khi nhắc đến nhân sự bên phía khách hàng.

“Chưa đầy một tiếng sau, sếp tôi gọi điện nói tôi có thể về lại TPHCM. Một đồng nghiệp khác sẽ phụ trách tiếp phần việc của tôi. Đó cũng là ngày cuối cùng của tôi tại công ty. Sếp nói mặc dù tôi không nêu tên khách hàng trong bài đăng trên mạng xã hội, nhưng việc nói xấu khách hàng một cách công khai dưới bất kỳ hình thức nào đều ảnh hưởng đến hình ảnh chuyên nghiệp của công ty…”. Mãi tới lúc đó, Phương mới nhận ra cô không nên kết bạn trên Facebook với sếp hay các đồng nghiệp. Bài học này, cô mang theo mãi đến tận bây giờ.

“Mạng xã hội là cuộc sống cá nhân, là nơi chúng ta có thể thoải mái thể hiện mình. Có đồng nghiệp, có sếp ở đó thì làm sao dám đăng tải các thông tin, tâm sự thật lòng?” - Phương giải thích quyết định không kết bạn với bất cứ đồng nghiệp nào khi… cô chuyển sang chỗ làm mới.

Chỉ cần cập nhật và… há miệng chờ sung rụng

Lê Danh Quân (sinh năm 1991, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã tìm được việc làm chỉ bằng cách tạo hồ sơ trên mạng xã hội và ngồi chờ nhà tuyển dụng tìm đến.

“Tôi đã tạo hồ sơ trên nhiều trang web tuyển dụng nhưng không thấy hiệu quả” - Quân trình bày - “Lúc rời công ty cũ, một người bạn đã giới thiệu cho tôi mạng xã hội Linkedin dành cho nhà tuyển dụng và các ứng viên. Tôi cập nhật hồ sơ trên đó, rồi kết bạn với nhiều người làm việc trong lĩnh vực mà tôi đang muốn theo đuổi…”.

Quân muốn làm hướng dẫn viên du lịch nên khi cập nhật hồ sơ, cậu không quên đăng tải các bài viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh mà cậu từng thực hiện về những địa danh cậu đã đi qua.

Lê Danh Quân tìm được việc sau thời gian ngắn gửi bình luận trên Linkedin- Ảnh: NVCC.

“Trên Linkedin, có một anh là CEO của một startup về du lịch có chia sẻ bài viết về sự thay đổi trong tâm lý, hành vi của khách hàng ngành du lịch. Tôi cảm thấy chưa đúng lắm, nên có bình luận nói rằng khách hàng dù có nhiều tiền hay ít tiền thì mong muốn của họ vẫn là trải nghiệm hơn là bảng thành tích mang tính liệt kê”.

Sau đó thì vị CEO này đã chú ý đến hồ sơ trên mạng xã hội của Quân và nhắn tin hỏi cậu có hứng thú với vị trí chuyên viên cộng đồng cho dự án của họ.

“Đây là mô hình hoàn toàn mới, nhưng họ đặt mục tiêu là mang đến cho khách hàng những trải nghiệm du lịch chưa từng có ở đâu. Không hẳn là vị trí hướng dẫn viên như tôi mong, nhưng làm chuyên viên cộng đồng cũng đồng nghĩa với việc tôi vừa được tham gia xây dựng nội dung cho Marketing trên mạng xã hội, vừa được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi để hiểu thêm về khách hàng. Đây là một công việc hấp dẫn và có tiềm năng để tôi phát triển chính mình”.

Quân trải qua buổi phỏng vấn và được nhận vào làm không lâu sau đó. Chính Quân cũng cho rằng, cảm tình của vị CEO trẻ tuổi nhờ phần bình luận của cậu trên mạng xã hội đã giúp cậu chiếm được ưu thế ngay từ đầu. Nhiệm vụ của cậu bây giờ chỉ là chứng minh cho sếp thấy sếp đã không chọn nhầm người. Tổng cộng thời gian từ lúc Quân lập tài khoản trên Linkedin và đến lúc cậu “được tìm thấy” chưa tới 45 ngày.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm