'Mạng xã hội làm mất đi không khí sum họp bữa cơm gia đình!'

23/10/2018 - 18:45
Nhà báo Thuận Hữu- Đại biểu Quốc hội, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, đã chia sẻ như vậy trong phiên thảo luận tổ về các vấn đề kinh tế - xã hội năm 2018 của Quốc hội, diễn ra chiều 23/10.

Vấn đề được ông Thuận Hữu băn khoăn nhiều nhất trong phần phát biểu của mình là công tác quản lý báo chí, xuất bản, đặc biệt là quản lý mạng xã hội đang tồn tại nhiều điều đáng lo ngại. Thực tế cho thấy, cơ quan chức năng vẫn đang quá buông lỏng việc quản lý mạng mà theo ông Thuận Hữu là buông lỏng quản lý “từ trên xuống dưới”.

“Việc sum họp gia đình để ăn một bữa cơm đàng hoàng ngày càng ít đi, khi đến bữa ăn, mỗi người chúi mũi vào một máy điện thoại, ăn qua loa đại khái. Đáng lo ngại nhất là việc giáo dục lớp trẻ, trên mạng có gì là đưa ra áp dụng, kích động bạo lực, vì thế nảy sinh một lớp người thờ ơ vô cảm, làm lung lay nền tảng văn hóa, đạo đức” – Tổng biên tập báo Nhân Dân cho biết.

img_5446.jpg
Nhà báo Thuận Hữu (ngoài cùng bên phải) trong phiên thảo luận tổ về các vấn đề kinh tế - xã hội, chiều 23/10. Ảnh: D.H
 

Ông Thuận Hữu nhấn mạnh, nếu không quản lý tốt mạng xã hội, hậu quả là không chỉ đạo đức xã hội mà kể cả nền tảng xã hội cũng bị ảnh hưởng lớn.

“Nếu cứ hàng ngày hàng giờ thế này thì chúng ta sẽ nảy sinh ra lớp người sống theo lối sống nước ngoài, không phù hợp với điều kiện sống của ta, tâm lý tiêu xài, ăn chơi, vô cảm… đạo đức lối sống xuống cấp vô cùng! Giáo dục truyền thống nói nhiều nhưng một bộ phận lớp trẻ không quan tâm, chỉ quan tâm đến tiền. Báo chí cũng còn nhiều điều cần uốn nắn nhưng dù sao vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Nhưng mạng xã hội thì không như vậy”.

Cũng theo nhà báo Thuận Hữu, cách đây 3, 4 năm, nhiều diễn đàn Quốc hội đã nói rất nhiều về vấn đề này nhưng đến hiện tại, tình hình càng ngày càng nghiêm trọng, phức tạp.

“Gỡ bỏ một số trang mạng không ý nghĩa gì, quan trọng là phải quản lý gốc rễ. Nếu ta không quản lý ráo riết với nhà mạng thì chỉ như gỡ đầu ngọn vì khi gỡ, nó lại lây lan sang các trang khác rồi. Phải có giải pháp thật sự, cùng với việc đẩy mạnh  thi hành luật An ninh mạng vừa được thông qua và sớm có hiệu lực tới đây” – nhà báo Thuận Hữu cho hay.

Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, được Quốc hội khóa XIV thông qua vào kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5.2018.  Luật gồm 7 chương, 43 điều, quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng như: Sử dụng không gian mạng tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thông tin kích động lôi kéo tụ tập đông người, gây rối ANTT, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, gây mất ổn định về ANTT; các hành vi xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu Cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm