pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mất 1 tháng thuyết phục bố mẹ đồng ý cho du học, nữ sinh nhận được quả ngọt
Tháng 2/2020, khi đang trong giai đoạn Gap year, Nguyễn Lê Hà (22 tuổi, Hà Nội) nhận thông báo đỗ học bổng vào Đại học Baptist Hồng Kông (Trung Quốc). Đây là ngôi trường khai phóng hàng đầu châu Á. Hà miêu tả cảm xúc của mình như "vỡ òa", không chỉ bởi thành quả ngoài mức mong đợi mà còn vì hành trình săn học bổng khá chật vật trước đó.
Hà từng bỏ ý định xin được học bổng toàn phần Mỹ vì nhận ra cơ hội không cao. Sau đó, em tiếp tục chuyển sang nộp vào các trường ở Singapore nhưng đều không được như mong đợi. Nữ sinh tiếp tục nộp một loạt hồ sơ vào 4 trường tại Phần Lan, Italy và Hồng Kông ngành Truyền thông và cả ngành Kinh doanh.
Cuối cùng, Hà nhận được học bổng cả 4 trường, trong đó có trường Baptist Hồng Kông như đã nói ở trên.
Nữ sinh quyết định chọn Đại học Baptist Hồng Kông vì đây là nơi gửi kết quả đầu tiên, cấp học bổng toàn phần cho Hà theo đuổi ngành học mà mình yêu thích. Học bổng của em bao gồm 100% học phí và ăn ở, trị giá HK$190,000/năm với chương trình 100% là tiếng Anh.
Dành 1 tháng thuyết phục bố mẹ
Trong những năm học cấp 3, Hà cho biết mình chỉ tập trung vào việc học trên lớp để giữ vững GPA (8.8/10 trong 3 năm), thi SAT (1450/1600), thi IELTS (7.5/9.0, đã thi lại lên 8.0/9.0 năm vừa rồi). Em tham gia vào một CLB tổ chức sự kiện của trường, giữ chức Trưởng ban Tổ chức nhân sự. Đây cũng chính là cầu nối khiến Hà hứng thú với lĩnh vực truyền thông, sáng tạo, làm video, chụp ảnh...
Tự nhận mình khá may mắn vì dù thành tích không quá nổi bật nhưng vẫn đạt được học bổng toàn phần, Hà cho rằng, lý do mình được học bổng là thông qua bài luận, phỏng vấn và các email trao đổi với trường, em đã thể hiện được sự khao khát và nghiêm túc muốn được đi học tại Hồng Kông và tại trường Baptist.
"Em nghĩ chính việc em thể hiện mình là người cẩn thận, chăm chút cho bài luận, phỏng vấn để được học bổng đã bổ trợ cho điểm SAT và IELTS của em. Tất nhiên các số điểm đó hay hoạt động ngoại khóa cũng đóng góp một phần lời nhưng tự bản thân em thấy, so với nhiều bạn khác cũng đạt mục tiêu có học bổng toàn phần thì không phải quá nổi bật. Thật sự lúc em nộp hồ sơ em cũng hơi tự ti nhưng em vẫn cứ cố gắng", Hà chia sẻ.
Tuy nhiên, nữ sinh này cũng lưu ý, điểm SAT hay IELTS đều rất cần thiết, trừ khi có điểm thi đại học rất cao, tầm 27-28 điểm thì mới có thể thay được SAT. Ngoài ra nếu có các chứng chỉ như A level hay IB thì có thể dùng thay SAT.
Ước mơ bước ra thế giới được nhen nhóm và nung nấu từ những ngày ấu thơ của Hà cuối cùng đã sắp thành hiện thực. Nhưng đến lúc này, nữ sinh này lại gặp phải một "chướng ngại" khác.
Biết tin con lựa chọn sang Hồng Kông, bố mẹ Hà không đồng tình bởi đây là nơi ít người du học, lo lắng vấn đề an ninh. Nguyện vọng của gia đình là con gái có thể sang học ở một nước châu Âu. Nhưng Hà chia sẻ, khi lần đầu biết đến du học Hồng Kông và tìm hiểu sâu, suy nghĩ của Hà là: một nơi tốt, có danh tiếng trên thế giới và cho nhiều học bổng như thế này nhưng không nhiều bạn trẻ ở Việt Nam biết đến.
Hà biết bố mẹ mình cũng như vậy. Vì chưa hiểu về đất nước này cũng như các trường ở Hồng Kông danh tiếng như thế nào trên thế giới nên mới phản đối. Hơn hết, Hà hiểu bố mẹ yêu thương và lo cho em hơn ai hết. Chỉ cần dành thời gian thuyết phục là mọi chuyện sẽ ổn.
Em đã mở video du lịch về Hồng Kông, nói chuyện về cuộc sống, học tập ở đây cho bố mẹ nghe. Sau một tháng, thấy được quyết tâm và khao khát được theo đuổi ngành học truyền thông tại Hồng Kông của Hà, gia đình cũng đã đồng ý.
Từng áp lực đến mức phải tìm đến dịch vụ tâm lý
Ngành truyền thông mà Hà lựa chọn có 2 hướng học là Quảng cáo PR và Báo chí. Khi học năm 1, Hà nhận thấy mình không phải người quá sáng tạo và thích Truyền thông quảng cáo, nhưng bù lại khả năng viết tiếng Anh của em khá tốt. Ngành Báo chí lại cho em nhiều cơ hội được đi ra ngoài làm tin tức, đi nói chuyện phỏng vấn và từ đó thỏa mãn trí tò mò của em. Cuối năm 1, Hà đã quyết định chọn ngành Báo chí tài chính và dữ liệu để học trong 3 năm còn lại.
Quãng thời gian đầu mới bắt đầu tự lập ở một môi trường xa lạ, chưa làm quen được với việc phải làm mọi thứ một mình, chưa có bạn nên thấy cô đơn, cộng thêm áp lực bài vở khiến Hà phải đăng ký dịch vụ tâm lý của trường. Em kể, mình đã òa khóc trước mặt cô tư vấn. Nhưng sau đó, em hiểu rằng những điều mình đang trải qua là rất bình thường với một người ban đầu chuyển đến một nơi mới. Theo thời gian Hà quen hơn và bận rộn bài vở, nộp hồ sơ thực tập... nên cảm giác cô đơn cũng vơi đi nhiều.
Trong quá trình học tập, Hà được thực hành, đi ra ngoài quay video, chụp ảnh, phỏng vấn rất nhiều. Quá trình này giúp em hiểu hơn về cuộc sống tại Hồng Kông, khó khăn mà người dân đang trải qua, ảnh hưởng của các chính sách lên các nhóm người dân... Em học được rất nhiều và quen thêm được rất nhiều người. Bên cạnh đó, giáo viên cũng luôn khuyến khích Hà và các bạn sinh viên khác thể hiện quan điểm, câu chuyện của mình.
Hà đánh giá, cuộc sống ở Hồng Kông khá hối hả, nhưng vì vẫn là châu Á nên về mặt văn hóa, đời sống nó không khác quá nhiều so với ở Việt Nam. "Hồng Kông tuy nhỏ nhưng có đủ các thành phố, vùng quê, đồi núi và biển nên em rất thích. Cuối tuần rảnh em hay cùng các bạn đi leo núi hoặc ra biển. Được gần gũi với thiên nhiên em cảm thấy rất dễ chịu và thư thái. Ngoài ra em cùng các bạn có thể đi các thành phố lân cận như Macao hay Thẩm Quyến", Hà chia sẻ.
Được nhận vào thực tập ở tờ nhật báo lớn ngay từ năm 2
Thông thường, các sinh viên báo chí sẽ được nhà trường sắp xếp đi thực tập vào mùa hè năm thứ ba, nhưng vì muốn trải nghiệm sớm, Hà ở lại Hồng Kông để tìm cơ hội. Hà bắt đầu đi thực tập từ mùa hè hết năm 1. Khi đó em làm công việc ghi chép nội dung cuộc họp online cho một công ty bên Singapore. Đến hè hết năm 2 em mới đi làm mảng sản xuất video cho South China Morning Post nhờ một cô giáo dạy lớp Báo chí Truyền hình nâng cao giới thiệu.
Khi chuẩn bị kết thúc kì học, cô có nhắn vào group chat của lớp về việc SCMP đang tìm người làm video. Nhận thấy phù hợp và đúng với những gì mình đã học nên Hà nộp hồ sơ thì được nhận. Đến nay, Hà đã làm ở đây được khoảng 9 tháng, từ tháng 7/2022. Mùa hè vừa rồi thì em làm full time, 8 tiếng/ngày, 5 ngày/tuần. Còn vào năm học như bây giờ, Hà làm 2 buổi/tuần.
Một trong những khó khăn ban đầu là Hà chưa bao giờ đi làm tại công ty, chưa quen với tác phong chuyên nghiệp khi đi làm. SCMP có thể nói là công ty đầu tiên Hà đi làm trực tiếp, không phải qua online. Tuy nhiên mọi người ở đó rất tốt, hướng dẫn em cách sử dụng hệ thống lưu trữ video, bài báo của công ty, cách viết kịch bản và sản xuất video theo style của họ. Mọi người ở đó đều rất chuyên nghiệp và giỏi nhưng họ rất thân thiện và dành thời gian để hướng dẫn khi em mới vào.
"Ngoài ra thì khó khăn trong công việc là mới đầu em chưa quen với việc phải viết kịch bản cho video theo style của SCMP. Em thì có xu hướng viết dài nhưng khi làm video ở SCMP mỗi câu em chỉ được viết trong 1 dòng. Em mất khá nhiều thời gian để chọn lọc thông tin cũng như thay đổi cách diễn đạt. Dần dần thì thông qua hướng dẫn và góp ý, em viết tốt và nhanh hơn. Khoảng 2 tuần thì em quen được nhịp sống đi làm và 2 tháng thì em quen được với cách viết kịch bản video theo style của SCMP", Hà chia sẻ.
Làm việc ở SCMP, Hà được trả lương 450 HKD (1,3 triệu đồng) một ngày. Hết mùa hè, em nhận được khoảng 30 triệu đồng. Điều em thích nhất khi đi làm ở SCMP là em học được rất nhiều qua các anh chị đồng nghiệp và sếp của mình. Họ không chỉ giỏi, nhiều kinh nghiệm làm báo mà còn thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ mình khi mình gặp khó khăn trong công việc.
Nhờ làm ở đây, kỹ năng viết báo và đưa tin bằng tiếng Anh của Hà đã phát triển rất nhiều. Em được A môn Thực hành báo chí kỳ học vừa rồi. Ngoài ra khi em làm các bài báo ở trường, hoặc cần tìm người phỏng vấn hoặc góp ý, những cô chú ở chỗ làm cũng sẵn lòng giúp đỡ.
Bốn học kỳ đã qua, Hà có 3 lần giành giải thưởng President's Honour Roll dành cho sinh viên xuất sắc của trường với điểm trung bình GPA từ 3.5/4.0 trở lên. Hiện tại Hà đang giữ chức Phó Chủ tịch, phụ trách mảng truyền thông của Hội Sinh viên Việt Nam tại Hồng Kông.