Mất chồng vì cưới vợ cho chồng

11/03/2016 - 16:58
Người đàn bà cười buồn kể lại chuyện đời mình: “Ban đầu tôi cố chịu đựng cho chồng tìm niềm vui bên ngoài. Không ngờ ngày nọ ông ấy về nằng nặc xin tôi cho lấy thêm vợ bé, vì cô ấy đã có bầu”.
Đã ngoài 60 tuổi, trên gương mặt bà hằn in vết thời gian, nhưng vẫn không che giấu nổi nét đẹp son sắc một thời. Bà cười và kể với vẻ tự hào: “Hồi trẻ, tôi có rất nhiều chàng trai theo đuổi, nhưng tôi đã kết duyên với ông ấy khi bước sang tuổi 20. Ông ấy yêu thương tôi nhiều lắm, lấy vợ rồi, mà còn rất hay ghen bóng ghen gió với trai làng”. 

Cứ nghĩ vợ chồng sẽ có cuộc sống hạnh phúc, bình yên. Thế nhưng phận số như muốn trêu người vợ có vẻ đẹp dịu dàng như bà. Bao năm chung sống, đợi chờ mòn mỏi mà bà Hòa chẳng thể mang thai… Chồng bà là cháu đích tôn, lại là con trai độc nhất bên nội, ba mẹ chồng mong có đứa cháu nội nên sốt sắng, hậm hực với con dâu đẹp người mà không biết đẻ con. Cuộc sống vợ chồng bà vì thế cũng căng thẳng. Cứ nghĩ đến chuyện không thể làm mẹ, nhiều đêm bà giấu mặt vào gối khóc thầm cho số kiếp đen bạc của mình. Nhớ lại những ngày đớn đau trong ký ức, bà Nguyễn Thị Hòa ở xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định vẫn còn rùng mình.
Bà Hòa với đôi mắt nặng trĩu ưu tư
Sau 10 năm chung sống, ngày nọ trong làng có đứa bé gái bị bỏ rơi, bà bàn với chồng nhận về nuôi. Niềm vui chưa kịp lớn khi trong nhà có tiếng trẻ con bi bô thì nỗi buồn lại ập đến. Cô bé hay đau ốm, quấy khóc suốt ngày đêm. Sau này hai vợ chồng mới rõ, cô bé bị di chứng chất độc màu da cam. Chán nản, chồng bà lén lút qua lại với người phụ nữ khác trong làng. Bà Hòa biết mà thấy trái tim đau nhói, nhưng nghĩ mình không làm tròn trách nhiệm người vợ nên đành nuốt nước mắt vào trong.

Ngày nọ ông về van xin bà cho ông lấy vợ bé. Dù giận, bà Hoà vẫn đành chạy vạy vay tiền làm đám cưới tử tế cho chồng.

Cô vợ hai của chồng sinh con, bà Hoà chăm sóc hết mực. Dẫu không còn mặn mà tình nghĩa với chồng, bà vẫn cầu mong những việc làm của bà sẽ giúp ba người gắn bó với nhau hơn trong căn nhà này. Chồng bà vì thế rất cảm kích tấm lòng nhân hậu, nhẫn nhịn của bà. Nhưng người vợ bé thường xuyên kiếm cớ gây sự với bà và chồng vì những lý do không đâu. “Tôi ráng nhịn tất cả, nhưng chồng với vợ bé cứ cãi cọ như cơm bữa, tôi khuyên can thế nào cũng không được. Tôi biết cô ấy gây chuyện chỉ vì muốn hắt hủi tôi ra khỏi nhà. Rồi ông ấy cũng không đứng về phía tôi nữa, tôi thấy mình thừa ra ở chính căn nhà mình, nên tôi quyết định ra đi” - bà Hòa bùi ngùi.

Bà Hòa dắt con gái nuôi về nhà ngoại. Nhà ngoại chật hẹp lại đông người, mẹ con bà trở thành gánh nặng thêm cho gia đình, bà càng khó xử. Biết được hoàn cảnh của hai mẹ con, chính quyền xã cấp cho bà mảnh đất nhỏ rìa làng để dựng mái lều tranh tạm bợ che nắng che mưa.

Trước đây bà Hòa còn sức khỏe, đi làm thuê cũng tạm đủ nuôi con. Bây giờ, tuổi cao sức yếu, có bệnh thần kinh tọa, gai cột sống, bà ở nhà làm hơn 1 sào ruộng. Những ngày nông nhàn, bà đi mua nguyên vật liệu về đan nón. “Mỗi ngày tôi chỉ đan được 2 cái nón, lúc đắt thì bán được 20 nghìn đồng, lúc rẻ thì chỉ 17, 18 nghìn một cái, trừ chi phí nguyên vật liệu, tiền lời thu được vô cùng ít ỏi, nhưng tôi vẫn làm để thêm đồng mua mắm muối cho 2 mẹ con” - bà Hòa tâm sự.

Mới đây, người cha đã ngoài 80 tuổi của bà cũng về chung sống với mẹ con bà. Trước cụ ông sống với vợ chồng em trai bà, nhưng cuộc sống nảy sinh nhiều bất hòa. Thương cha tuổi già mà không được quan tâm săn sóc, bà đón ông về ở với mình.
Chị Bình là niềm hạnh phúc của bà Hòa.
Bộn bề nỗi lo cơ cực, nhưng hiếm khi thấy bà than vãn nửa lời. Bà ân cần chăm sóc con gái rồi lại lo lắng bón cho cha từng thìa cơm. Bà khoe: “Dẫu cuộc đời tôi không được như người ta, nhưng tôi vẫn có niềm vui, lẽ sống những năm tháng cuối đời, đó là tôi có cô con gái Phạm Thị Bình, đã gắn bó với tôi 30 năm nay”.

Do bị di chứng chất độc màu da cam, nửa người bên trái của Bình bị liệt, 30 tuổi mà cô vẫn khù khờ như một đứa trẻ. “Bình bị mẹ chối bỏ ngay khi sinh ra, trong khi tôi lại không có con. Tôi không hiểu nếu con không gặp tôi thì sẽ ra sao, nhưng nếu tôi không có nó thì đời tôi cô quạnh lắm. Dù đói khổ, tôi vẫn ráng chăm sóc, bù đắp cho nó” - bà Hòa cười hiền nhìn con. Nắm chặt bàn tay nhỏ nhắn của con, bà Hòa tự hào: “Bình nó thương mẹ lắm, lúc nào nó cũng quấn quýt, khi thì gãi đầu, khi thì nhổ tóc sâu cho mẹ. Nhiều lúc tôi buồn mà nó cứ quấy rầy, cũng bực, nhưng vắng con bé một ngày, tôi cũng không chịu được”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm