pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Màu của hy vọng" từ cây bút khuyết tật
Tự truyện "Màu của hy vọng" của Đỗ Hà Cừ
Vì di chứng của chất độc màu da cam, Đỗ Hà Cừ không thể tự làm những việc cần đến chân tay. Toàn bộ sinh hoạt cá nhân như ăn uống, tắm rửa, đi vệ sinh… của anh đều cần sự trợ giúp của người khác. Và suốt 40 năm qua, "người khác" đó là người mẹ, người cha, và những người ruột thịt, hàng xóm láng giềng, bạn bè… của anh.
Là một người không tự chủ được trong việc sinh hoạt cá nhân, chưa qua trường lớp nào ngoài lớp nhà trẻ, không thể cầm một cuốn sách như người bình thường, nhưng Đỗ Hà Cừ lại có thể thành lập một không gian đọc miễn phí cho cộng đồng, kêu gọi hỗ trợ để thành lập rất nhiều không gian đọc do người khuyết tật quản lý. Không chỉ vậy, anh còn là tác giả của cuốn tự truyện dày gần 400 trang Màu của hy vọng, do NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành cuối tháng 7/2024.
Màu của hy vọng được kể theo tuyến tính thời gian, từ lúc bố mẹ Đỗ Hà Cừ yêu nhau, lấy nhau, sinh con, cho tới lúc phát hiện ra con mình không bình thường, bắt đầu hành trình dài đằng đẵng gia đình đưa Cừ đi chữa trị khắp nơi, từ Tây y tới Đông y, với những đớn đau dai dẳng trên cơ thể người con và trong trái tim người mẹ.
Trên hành trình ấy, đã nhiều lần Đỗ Hà Cừ tuyệt vọng, nhưng nhờ có mẹ luôn bên cạnh, anh đã vượt qua tất cả. Không chỉ dạy chữ theo ý nguyện của con, mà người mẹ còn quyết tâm thực hiện rất nhiều ý nguyện khác của Cừ, dù có rất nhiều rào cản. Nhờ sự quyết tâm của mẹ mà Cừ có thật nhiều sách để đọc, có xe lăn để đi, có máy tính để làm thơ và vào facebook, zalo, lập trang cá nhân, trò chuyện với bạn bè khắp nơi.
Được lên không gian mạng "nhìn ngắm" thế giới, Cừ bắt đầu viết lên những ước nguyện của mình. Cừ ước được đi xem đá bóng, có người đưa xe về mời gia đình Cừ đi xem đá bóng. Ước có thật nhiều sách để tự đọc, tự học, rồi có người tới giúp Cừ làm hẳn một tủ sách với số sách ủng hộ ban đầu là gần 3.000 cuốn cho cộng đồng tới mượn miễn phí. Ước cho mình xong rồi ước cho người, Cừ ước thành lập tủ sách cho những người khuyết tật khác cũng có một việc để làm, để thấy sự tồn tại của mình có ý nghĩa. Các tủ sách cộng đồng do người khuyết tật quản lý lần lượt hình thành nhờ những lời kêu gọi của Cừ trên không gian mạng.
Ngoài việc kể những việc mà Đỗ Hà Cừ đã làm được trong quá trình tự đọc, tự học, tự truyện Màu của hy vọng còn là lời tri ân những người đã giúp đỡ Cừ, và trên hết, là hy vọng tiếp thêm động lực cho những người cùng cảnh khuyết tật, và cho cả những người đang cần một lý do để sống, với tinh thần sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.
Tự truyện Màu của hy vọng được tác giả phát hành trên trang facebook cá nhân với tâm nguyện dùng số tiền thu được từ 1.000 cuốn sách in lần đầu để gây quỹ xây dựng các tủ sách cộng đồng do người khuyết tật quản lý.