pnvnonline@phunuvietnam.vn
Màu sắc của phân cho bạn biết điều gì về tình trạng sức khỏe?
Ảnh minh họa
Đi tiêu là một phần quan trọng trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Phân được hình thành bởi ruột già là cách cơ thể loại bỏ chất thải.
Độ đặc và màu sắc của phân có thể tiết lộ thông tin về sức khỏe của bạn. Mặc dù bạn có thể không chú ý nhiều đến phân của mình nhưng việc kiểm tra chúng thường xuyên có thể giúp bạn theo dõi về tình trạng sức khoẻ.
1. Màu sắc của phân có ý nghĩa gì?
Phân bình thường, khỏe mạnh có nhiều màu từ nâu đến nâu xanh. Phân cũng có thể thay đổi màu sắc nếu bạn ăn nhiều thực phẩm có màu. Dưới đây là những màu sắc của phân thường gặp và ý nghĩa của chúng:
- Phân màu xanh
Phân màu xanh thường là vô hại và có thể do bạn ăn một số loại thực phẩm (rau xanh, thực phẩm khác màu xanh) hoặc hệ tiêu hóa hoạt động nhanh. Tuy nhiên, phân màu xanh cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng bệnh lý như hội chứng rối loạn tiêu hóa hoặc tiêu chảy. Quan trọng là bạn phải phân biệt giữa những nguyên nhân vô hại và những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn bằng cách xem triệu chứng có kéo dài hay kèm theo các dấu hiệu khác hay không.
Những người đang mang thai đôi khi cũng có thể đi tiêu có phân màu xanh lá cây.
- Phân màu nâu đất hoặc màu nhạt
Phân màu nâu đất hoặc phân màu nhạt là một dấu hiệu cảnh báo đối với sức khoẻ, bởi vì đây có thể chỉ ra bệnh lý liên quan đến ung thư tụy hoặc bệnh gan. Nếu có vấn đề nghiêm trọng xảy ra như ung thư tuyến tụy hoặc bệnh gan, phân có màu đất sét hoặc nhạt cũng có thể đi kèm với tình trạng vàng da hoặc vàng mắt.
Ngoài ra, một số loại thuốc trị tiêu chảy như bismuth subsalicylate (Kaopectate, Pepto-Bismol) đôi khi cũng có thể khiến phân có màu nhạt hoặc màu nâu.
- Phân màu vàng
Phân màu vàng có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau. Phân màu vàng có thể liên quan đến các vấn đề với tụy hoặc thức ăn chứa nhiều mỡ không được tiêu hóa đúng cách.
Trong một số trường hợp, phân có màu vàng cũng có thể chỉ ra tình trạng celiac (bệnh không dung nạp gluten) hoặc nhiễm trùng do ký sinh trùng giardia.
Tuy nhiên, phân màu vàng được coi là bình thường ở trẻ sơ sinh, đặc biệt nếu chúng được bú mẹ. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và một số loại thuốc điều trị GERD cũng có thể dẫn đến phân màu vàng. Lượng mỡ thừa trong phân cũng có thể khiến phân có màu vàng.
- Phân màu đen
Phân màu đen ở người lớn không nên xem nhẹ, vì nó có thể là dấu hiệu cảnh báo chảy máu trong hệ thống tiêu hóa trên. Điều này có thể do loét, vết thương hoặc khối u. Nếu bạn nhận thấy phân có màu đen, giống như nhựa đường, hãy đi khám ngay lập tức.
Tuy nhiên, một số thực phẩm và chất bổ sung như ăn quả việt quất, Pepto- Bismol, bổ sung sắt, hoặc than hoạt tính cũng có thể gây ra phân màu đen.
- Phân màu đỏ
Phân có màu đỏ có thể làm bạn lo lắng, nhưng tình trạng này thường do những yếu tố không đáng ngại như ăn một số loại thực phẩm như củ dền, nam việt quất, nước ép cà chua, súp hoặc uống những loại thuốc nhất định như amoxicillin.
Tuy nhiên, máu trong phân còn cảnh báo một số bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa. Phân màu sẫm thường cho thấy có sự chảy máu ở phần trên của đường tiêu hóa, như dạ dày hoặc thực quản. Mặt khác, máu đỏ tươi trong phân có khả năng chảy máu ở đường tiêu hóa dưới như đại tràng hoặc trực tràng.
Các tình trạng khác có thể gây ra tình trạng phân có màu đỏ do máu như bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn, viêm đại tràng loét, bệnh diverticulosis và ung thư đại tràng. Điều quan trọng cần lưu ý là máu trong phân không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy được, gọi là máu ẩn. Để phát hiện máu ẩn trong phân, các bác sĩ thường sử dụng xét nghiệm gọi là xét nghiệm máu phân ẩn.
2. Hình dạng và độ đặc của phân nói lên điều gì?
Hình dạng và độ đặc của phân cũng có thể cho biết về tình trạng sức khỏe tiêu hóa của bạn. Tương tự như những yếu tố quyết định màu sắc của phân, độ đặc và hình dạng của phân có thể bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn, lượng nước uống, thuốc, việc tập thể dục, và thời gian phân ở trong ruột.
- Phân cứng
Phân cứng, giống như sỏi, là dấu hiệu của táo bón. Tình trạng này chỉ ra rằng phân đã ở lại trong ruột già một thời gian dài, khiến nước và chất dinh dưỡng bị lấy đi và phân trở nên cứng. Sự thiếu hụt vi khuẩn có lợi trong đại tràng cũng góp phần gây ra loại phân này.
- Phân chắc
Phân chắc, dính liền và có cục là dấu hiệu khác của táo bón. Loại phân này đã ở trong ruột quá lâu, khô đi nhưng không vỡ thành từng mảnh nhỏ. Thường gây ra cảm giác không thoải mái khi đi vì kích thước và độ chắc.
- Phân nứt
Phân hình xúc xích với những vết nứt trên bề mặt thường là điều kiện của chế độ ăn không tốt hoặc ngồi quá nhiều. Loại phân này chỉ ra tình trạng táo bón và phân ở trong ruột khoảng 1 tuần.
- Phân khỏe mạnh
Phân khỏe mạnh hình xúc xích, rộng bằng một quả chuối và dài từ 4 đến 8 inch. Nó vẫn còn nguyên khi bị xả nước.
- Phân mềm có đường viền
Phân mềm có đường viền rõ ràng chỉ ra phân hơi lỏng. Những người đi đại tiện 2 đến 3 lần một ngày thường gặp loại phân này. Nó thường xảy ra sau những bữa ăn chính và đi ra mà không cần sức ép.
- Phân nhão
Phân nhão do sự di chuyển nhanh của phân qua ruột do các yếu tố như căng thẳng, thay đổi chế độ ăn, tăng cường hoạt động thể chất hoặc do bạn bị tiêu chảy.
- Phân lỏng
Phân lỏng là giai đoạn tiến triển của tiêu chảy, không có hình thái rắn và đi ra mà không kiểm soát. Tiêu chảy xảy ra khi ruột non bị kích thích, lúc này phân đi ra khỏi cơ thể mà không qua quá trình xử lý đúng cách.
3. Cách bảo vệ hệ tiêu hóa
Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn có thể duy trì đường ruột khỏe mạnh:
- Uống nhiều nước
Việc giữ cho cơ thể đủ nước là cần thiết cho quá trình tiêu hóa đúng cách. Bạn hãy cố gắng uống khoảng 8 ly nước (tương đương khoảng 2 lít) mỗi ngày, đặc biệt là khi bạn tăng cường lượng chất xơ trong chế độ ăn. Uống đủ nước giúp làm mềm phân, từ đó dễ dàng di chuyển qua đường ruột.
- Ăn đủ chất xơ
Việc tiêu thụ đủ chất xơ là rất cần thiết cho chức năng đường ruột khỏe mạnh. Tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính nhưng người lớn nên bổ sung khoảng 22–34 gam chất xơ mỗi ngày, trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 18 tuổi nên được bổ sung từ 14 đến 31 gam chất xơ mỗi ngày. Các thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và đậu.
- Bổ sung probiotic
Probiotic có thể giúp khôi phục sự cân bằng tự nhiên của vi khuẩn trong ruột. Bạn có thể bổ sung probiotics thông qua thực phẩm như sữa chua, kim chi, dưa bắp cải,...
- Thay đổi lối sống
Một số thay đổi về lối sống có thể góp phần cải thiện chức năng ruột. Bỏ thuốc lá, tập thể dục đều đặn và quản lý mức độ lo âu có thể tạo ra hiệu ứng tích cực lên hệ tiêu hóa của bạn. Một hệ tiêu hóa hoạt động tốt là rất quan trọng cho sức khỏe tổng thể và cho thấy bạn đang có một chế độ ăn uống cân đối.
4. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Phân bất thường kéo dài có thể dẫn đến biến chứng. Chẳng hạn, tiêu chảy không dứt có thể gây ra thiếu hụt dinh dưỡng hoặc suy dinh dưỡng, trong khi táo bón có thể gây tắc nghẽn ruột.
Do vậy, nếu thấy hệ tiêu hóa thường xuyên có vấn đề, việc đi đại tiện bất thường cũng như thấy phân có màu sắc khác kéo dài không dứt thì bạn nên đến bệnh viện thăm khám.
Đặc biệt, nếu bạn nhận thấy các triệu chứng sau, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức:
- Phân đen kèm theo chất nhầy hoặc mủ
- Máu trong phân
- Chóng mặt hoặc choáng váng
- Vàng da
- Nôn ra máu
Nhìn chung màu phân của bạn có thể thay đổi vì nhiều lý do. Nguyên nhân phổ biến thường do chế độ ăn uống nhưng trong một số trường hợp, sự thay đổi màu phân có thể là dấu hiệu của một điều gì đó nghiêm trọng hơn. Do vậy, mọi người nên quan sát và quan tâm đến sức khỏe hơn khi đi đại tiện. Nếu có dấu hiệu bất thường thì nên đến bệnh viện ngay.