Máy bay mô phỏng ý tưởng của Vladimir Tatarenko |
Trong khoảng 100 năm qua, đã có hàng trăm giải pháp được đề xuất và thử nghiệm như trang bị dù cá nhân cho hành khách, lắp đặt các loại phụ kiện để hỗ trợ máy bay có thể “hạ cánh mềm” ngay cả khi động cơ không còn hoạt động… Thậm chí có người còn tính tới chuyện sản xuất ra dòng máy bay có thể bay ở tầm thấp và tốc độ không quá cao - với mức chỉ có thể gây ra những tác động tối thiểu đến hành khách trong khoang nếu máy bay gặp sự cố.
Mặc dù về lý thuyết, những giải pháp ấy có thể chấp nhận được, thậm chí có thể thử nghiệm thành công trong môi trường phòng thí nghiệm, nhưng khi áp dụng vào thực tế thì lại vướng phải hàng loạt bất cập về kỹ thuật.
Tuy nhiên, mọi chuyện có thể sẽ thay đổi sau khi một ý tưởng của kỹ sư hàng không người Ukraina, Vladimir Tatarenko, được hiện thực hóa. Đó là ý tưởng về khoang hành khách có thể được tháo rời khỏi phần còn lại (bao gồm đầu, cánh, động cơ, phần lớn hệ thống điều khiển và buồng lái) của chiếc máy bay trong trường hợp máy bay gặp sự cố, phi công bị mất khả năng điều khiển. “Trong khi các kỹ sư hàng không ở khắp nơi trên thế giới đang cố gắng khiến bản thân chiếc máy bay trở nên an toàn hơn, thì họ lại không thể làm điều gì tác động đến yếu tố con người. Phát minh của tôi chính là nhằm bảo vệ những hành khách trong khoang. Tức là phải làm sao để phần có khối lượng lớn nhưng trọng lượng khá nhẹ này có thể tách rời khỏi phần có trọng lượng nặng, có thể khiến cả chiếc máy bay nổ tung ở trên không hoặc nát vụn khi rơi xuống đất. Một khi đã tách rời được phần khoang chở người ra khỏi chiếc máy bay thì việc cứu nó bằng cách nào đấy, hẳn sẽ dễ dàng hơn nhiều”, Tatarenko cho biết.
Ông đã theo đuổi dự án này trong suốt hơn 3 năm. Theo thiết kế, khoang hành khách và buồng lái được phân chia riêng biệt với các phần khác để có thể “tháo rời” ra khi máy bay gặp sự cố dưới sự điều khiển của các phi công. Ngay lập tức, các tấm dù được gắn vào nóc cabin sẽ bung ra để giúp khoang chở hành khách có thể rơi xuống một cách từ từ. Đồng thời, các ống cao su được gắn dưới đáy khoang sẽ được bơm phồng lên để làm giảm tác động khi nó đáp xuống mặt đất hoặc mặt nước. Tất cả các bộ phận bơm hơi được đảm bảo đủ mạnh để bơm căng các ống cao su, giữ cho khoang chở khách đáp xuống an toàn.
“Công nghệ hiện có về việc dùng kevlar và các vật liệu composite cacbon để sản xuất phần thân, cánh, nắp, đuôi của máy bay sẽ được ứng dụng trong quá trình thiết kế. Nó cho phép bù đắp một phần trọng lượng của hệ thống dù”, Tatarenko giải thích.
Thiết kế của Tatarenko còn chu đáo đến mức, nó bao gồm cả chỗ làm kho chứa các hành lý của hành khách phía dưới cabin, để không ai bị mất hành lý trong trường hợp khẩn cấp khiến khoang chở khách phải tách rời khỏi máy bay.
Mặc dù đó là một ý tưởng hay và đang được nghiên cứu một cách nghiêm túc để ứng dụng vào thực tiễn, song vẫn có nhiều bình luận trái chiều xung quanh thiết kế này, nhất là từ giới chuyên gia hàng không sau khi xem đoạn video mô phỏng nó. Một số ca ngợi đây là thiết kế máy bay tuyệt vời cho tương lai, trong khi số khác lại tỏ ra hoài nghi và cảm thấy nó khó khả thi.
Đây không phải là thiết kế đầu tiên do kỹ sư người Ukraina này sáng tạo nên. Ông Tatarenko từng được cấp bằng sáng chế cho phát minh về 1 hệ thống khoang thoát hiểm, giúp giải cứu các hành khách trên máy bay. Khoang này sẽ được thả trong vài giây sau khi gặp sự cố và thông qua cửa sập phía sau ở cuối đuôi máy bay. Một khi bắn ra ngoài, 2 động cơ sẽ được kích hoạt, nắm quyền kiểm soát để giảm tốc và sau đó, 1 chiếc dù sẽ bung ra. Tuy vậy, ông Tatarenko vẫn thừa nhận rằng sáng chế này không thể cứu mạng người nếu máy bay nổ bên trong hoặc bị tấn công bằng rocket.
Mô phỏng ý tưởng của Vladimir Tatarenko