Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, ông Nguyễn Văn Nở kết hôn sớm với bà Nguyễn Thị Huệ và 6 người con lần lượt ra đời. Ông Nở nhận làm thuê tất cả những công việc nặng nhọc để có tiền nuôi con. Từ vác mía tới khuân lúa, đốn cây… Thế nhưng trong ký ức của người đàn ông đã bước sang độ tuổi lục tuần này, công việc vất vả và nguy hiểm nhất vẫn là làm thuê trong rừng. “Không kể nắng mưa, ngày đêm, lúc thì trên cạn đốn cây, xẻ cây, khi lại trầm mình cả ngày dưới nước để ngâm hoặc vớt gỗ. Cuộc sống vất vả, tôi lấy thuốc lá và rượu làm bạn để vơi đi cái lạnh. Sau gần 10 năm ở lì trong rừng, năm 1995, tôi mắc bệnh lao lực”, ông nhớ lại.
Những cơn ho kéo dài, khó thở và không ít lần ho ra máu khiến ông Nở phải trở về nhà, tìm những công việc nhẹ nhàng hơn để thuận tiện cho việc chữa trị. Ông kể: “Ho ra máu, khó thở, trong người mệt mỏi, sút cân… tôi vô bệnh viện huyện rồi họ chuyển tôi lên bệnh viện đa khoa tỉnh. Bác sĩ nói tôi bị lao lực, sau khoảng 2 tuần nằm điều trị thì cho thuốc về nhà tự chích. Thấy đỡ một chút, tôi bỏ không chích nữa, tiếp tục đi giữ vườn thuê. Bệnh trở lại, tôi nhập viện điều trị rồi về… Cứ như vậy, gần 10 năm trôi qua, tôi luôn mệt trong người, đi đâu cũng phải mang thuốc xịt mũi và thuốc uống theo. Kể từ đó, tôi bỏ thuốc lá và bia rượu”.
ông Nguyễn Văn Nở đang được điều trị tại bệnh viện (Ảnh chụp 25/6/2014)
Trong giỏ hành lý lỉnh kỉnh những quần áo, giày dép, chai nhựa…, bà Nguyễn lấy cho tôi xem cuốn sổ hộ nghèo và tờ giấy BHYT được gói cẩn thận bởi “đây là tài sản giá trị nhất của hai vợ chồng”. Bà bảo: “Con cái đã lập gia đình hết rồi nhưng chúng cũng nghèo nên không giúp gì được ba mẹ. Khi còn trẻ, bao nhiêu sức ổng bỏ cả trong rừng, giờ tới lúc “gần đất, xa trời”, 2 vợ chồng vẫn phải lo từng bữa ăn. Đã khó khăn mà còn mắc bệnh nữa thì không nỗi khổ nào thấu”.
Mong sớm khỏe để đi làm trả nợ
Gần 20 năm ông Nở chống chọi với căn bệnh lao lực cũng là khoảng thời gian bà Huệ sát cánh cùng chồng. Có thời gian ông phải nằm điều trị tại bệnh viện cả tháng trời, bà không chỉ chu toàn chăm sóc chồng mà còn tranh thủ ai thuê gì làm nấy để kiếm thêm thu nhập. Khi căn bệnh lao lực của ông được kiểm soát, vợ chồng bà bàn tính vay mượn tiền mở tiệm tạp hóa nhỏ ở nhà hoặc mua thêm đàn gà, con heo để ông Nở chăm, vừa có việc làm kiếm thu nhập, vừa dưỡng sức.
Song, khi dự định vẫn còn dang dở thì căn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính bỗng dưng ập đến khiến vợ chồng bà trở tay không kịp. “Tôi khỏe được vài năm rồi nhưng từ khi ra Tết đến nay, tôi thấy trong người mệt hơn thường lệ, xuất hiện những cơn ho không dứt, khó thở, uống thuốc không bớt… Cứ nghĩ bệnh cũ tái phát, khi nhập viện, bác sĩ bảo tôi bị phổi tắc nghẽn mãn tĩnh”, ông Nở cho hay.
Xếp gọn từng bộ quần áo bỏ vào chiếc giỏ đã bạc màu, ông Nở thành thật: “Trước đây, có ngày tôi đốt hết 2 bao thuốc, rượu thì không biết bao nhiêu mà kể. Nghĩ lại cảnh ho rồi ói ra vũng máu, những lúc bị sốc không thở được, tưởng mình đã “đi” rồi. Nhưng số mệnh vẫn còn cao, hy vọng đây là lần cuối cùng phải nhập viện, vì tính ra, cuộc đời tôi cũng đâu còn được bao lâu nữa!”.
Thấy chồng nói chuyện bình thản, bà Huệ ngồi bên cạnh đồng tình: “Trời kêu ai nấy dạ, có bệnh thì phải chữa, chừng nào không chữa nổi mới bỏ cuộc. Vợ chồng tôi có sổ hộ nghèo, có BHYT chi trả, vậy nhưng viện phí đợt điều trị này lên tới cả chục triệu đồng. Tiền dành dụm thì không có, vì ổng ốm cả chục năm qua, con cái cũng nghèo nên mỗi đứa chỉ giúp được chút đỉnh. Còn thiếu 5 triệu, vợ chồng tôi vay với lãi suất 250.000 đồng/tháng. Vẫn chưa biết trả bằng cách nào, nhưng trước mắt cứ lo 250.000 đồng tiền lãi mỗi tháng rồi từ từ làm ăn, để dành, trả hoài cũng phải hết. Miễn sao 2 vợ chồng được khỏe mạnh để có sức đi làm trả nợ”.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Lân (Phó giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TPHCM) |
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (BPTNMT) là một bệnh lý phòng ngừa được và điều trị được với đặc trưng là tình trạng giới hạn lưu lượng khí thường tiến triển kèm theo đáp ứng viêm bất thường trong đường dẫn khí và phổi do các phân tử hay chất khí có hại. Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây BPTNMT. Hút thuốc lá thụ động cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh. Ô nhiễm môi trường trong nhà với khói lò sưởi, khói bếp rơm, rạ, củi, than... gây nên khoảng 20% các trường hợp BPTNMT trên thế giới. Ô nhiễm không khí với khói của các nhà máy, khói của các động cơ giao thông, khói, bụi nghề nghiệp cũng là các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Khi thấy triệu chứng ho, khạc đàm kéo dài, khó thở ngày một nặng lên, cần đi khám bác sĩ, đo hô hấp ký để thiết lập chẩn đoán. BPTNMT liên tục tiến triển nặng dần, không chữa khỏi hoàn toàn. Một người tiếp xúc và có cơ địa nhạy cảm với các yếu tố nguy cơ của BPTNMT sẽ có khởi đầu của quá trình bệnh lý là viêm phế quản mạn tính không tắc nghẽn, ho khạc đàm nhầy đơn thuần hay ho khạc đàm nhầy mủ, thường do tổn thương những thân phế quản lớn, thỉnh thoảng có những đợt bội nhiễm phế quản phổi và có thể hồi phục… Trong khoảng 10 - 15 năm, viêm phế quản mạn tính có thể dẫn đến suy hô hấp, lúc đầu là suy hô hấp xảy ra khi gắng sức, sau đó xảy ra cả khi nghỉ ngơi. Trong đợt cấp BPTNMT, nếu bệnh nhân không được điều trị đúng có thể đưa đến suy hô hấp cấp và tử vong. Về lâu dài, BPTNMT có thể đưa đến nhiều biến chứng nguy hiểm như tràn khí màng phổi, khí phế thũng, tâm phế mạn... Để phòng tránh BPTNMT, điều quan trọng đầu tiên nên làm là không hút thuốc, Nếu lỡ nghiện thuốc lá hãy sớm bỏ hút. Tránh xa nơi có nhiều người hút thuốc lá. Giữ không khí trong nhà thật sạch, thoáng. Tránh khói và các loại khí gây hại, tránh tiếp xúc với khói bếp than. |