May mặc Việt Nam đối mặt nhiều thách thức (Bài 1): Bao giờ hết gia công?

10/07/2019 - 09:00
Vừa qua, việc Central Group của Thái Lan (đơn vị điều hành hệ thống siêu thị Big C) đơn phương ra quyết định thông báo tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam kể từ tháng 7/2019 (nhưng sau đó đã thu hồi lại quyết định) là một cảnh báo đối với các sản phẩm may mặc Việt.
"Giọt nước tràn ly"
 
bigc.jpg
Vụ lùm xùm liên quan đến Big C vừa qua chỉ là một câu chuyện nhỏ trong một chuỗi các vấn đề bất ổn có tính thâm căn của dệt may Việt Nam đã từng được cảnh báo trong suốt thời gian qua mà vụ việc của Công ty Asanzo vừa rồi có thể xem là một viễn cảnh cho các doanh nghiệp may mặc Việt khi phải định hình lại tiêu chí “made in Vietnam” hay “make in Vietnam”

 

Central Group là một trong những tập đoàn mẹ lớn nhất tại Thái Lan, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, chuỗi cửa hàng bán lẻ, khách sạn và nhà hàng. Tập đoàn này đã liên tục bơm vốn đầu tư đều đặn trong suốt hàng chục năm nhằm phát triển công ty con Big C tại Việt Nam từ những ngày đầu tiên.
 
Năm 2016, sau gần 20 năm âm thầm kiên trì thâu tóm, Central Group của người Thái đã lấy trọn Big C từ tập đoàn Casino của Pháp với giá 920 triệu euro (tương đương 1,05 tỷ USD). Việc bán Big C cho Central Group cũng nằm trong một phần kế hoạch của chuỗi bán lẻ thực phẩm Pháp nhằm cắt giảm bớt các khoản nợ đang ngày một tăng cao.
 
Màn ra mắt đầu tiên của vị chủ mới hệ thống siêu thị bán lẻ lớn nhất Việt Nam khi đó là tăng đồng loạt phí chiết khấu đối với các sản phẩm của Việt Nam bày bán tại đây, mà trọng tâm là hàng thủy sản, một trong những sản phẩm chủ lực của Việt Nam. Sau việc này, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam bày bán tại Big C giảm đi đáng kể, thay thế vào đó là hàng hóa của Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...
 
Thực tế, dù hiện nay vẫn được xem là ngành xuất khẩu mũi nhọn và đóng góp đáng kể vào tỉ trọng tăng trưởng GDP, song dư địa tăng trưởng của các may mặc (và dệt may nói chung) của Việt Nam đã không còn nhiều sau một chu kỳ tăng trưởng nóng.
 
Vụ lùm xùm liên quan đến Big C vừa qua chỉ là một câu chuyện nhỏ trong một chuỗi các vấn đề bất ổn có tính thâm căn của dệt may Việt Nam đã từng được cảnh báo trong suốt thời gian qua, mà vụ việc của Công ty Asanzo vừa rồi có thể xem là một viễn cảnh cho các doanh nghiệp may mặc Việt khi phải định hình lại tiêu chí “made in Vietnam” hay “make in Vietnam”.
 
Một đại diện doanh nghiệp may mặc tại Hà Nội cho hay, không riêng gì Big C, doanh nghiệp may mặc Việt Nam cũng gặp khó khăn với hệ thống AEON Mall (của Nhật) khi siêu thị này nâng mức phí chiết khấu và định mức bán hàng cao chót vót, khiến doanh nghiệp may mặc Việt khó cạnh tranh được với các thương hiệu nước ngoài đã có tên tuổi. Một số doanh nghiệp may mặc nội địa không chịu được định mức và phí chiết khấu đã buộc phải rút lui khỏi hệ thống trung tâm thương mại này.
 
Sau động thái “tạm ngưng”, rất có thể sắp tới Big C sẽ đồng loạt tăng phí chiết khấu và định mức bán hàng đối với các sản phẩm may mặc của các doanh nghiệp Việt Nam khi bày bán tại siêu thị này như đã từng làm với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam từ mấy năm trước. Tất nhiên là để nhường lại giá kệ cho các sản phẩm may mặc đến từ các hãng may mặc lớn của nước ngoài đã và đang tràn vào thị trường Việt Nam.
 
Đối mặt nhiều rủi ro
 
Nhìn lại năm 2018, ngành dệt may trong nước có kết quả tăng trưởng ấn tượng, tăng hơn 16% so với năm 2017, đạt hơn 36 tỉ USD, nằm trong nhóm 3 nước xuất khẩu cao nhất nhóm mặt hàng này trên thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ). Đây là mức tăng trưởng rất cao trong điều kiện tổng cầu thế giới chỉ tăng trưởng 3% và nhóm 10 nước xuất khẩu dệt may cũng tăng dưới 5%.
 
 
maymacvn2.jpg
Trong 5 khâu sản xuất 1 sản phẩm may mặc hiện nay thì Việt Nam mới chỉ dừng ở mức tham gia khâu sơ khai nhất là gia công, những khâu còn lại như thiết kế, phân phối... đều đang bỏ lửng.

 

Ngoài ra, kết quả quý I-2019 của ngành dệt may cũng thể hiện sự tăng trưởng cao khi xuất khẩu trên 8,6 tỉ USD (tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2018). Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cho hay, đơn hàng của ngành cũng đang ổn định theo chiều hướng tăng trưởng từ 8-10% so với cùng kỳ năm 2018, nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng sản xuất tới quý III-2019. Với những con số ấn tượng này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) bày tỏ sự lạc quan với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 40 tỉ USD vào cuối năm nay.
 
Dẫu vậy, những con số lạc quan trên vẫn không đủ để xóa đi những rủi ro đang dần hiện hữu mà ngành dệt may (và may mặc nói riêng) của Việt Nam sẽ phải đối mặt. Thực tế, ngành may mặc Việt Nam hiện nay về thực chất vẫn chủ yếu là gia công, phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu từ bên ngoài.
 
Nếu như trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), Việt Nam đã tham gia chỉ áp dụng nguyên tắc từ 1-2 công đoạn thì CPTPP áp dụng nguyên tắc 3 công đoạn gồm tạo xơ, xe sợi; dệt và hoàn thiện vải; cắt may. Các công đoạn này đều phải thực hiện ở các nước thành viên nằm trong hiệp định CPTPP.
 
Quy tắc xuất xứ từ vải trở đi là “cú đòn” nhắm vào khâu yếu nhất của dệt may Việt Nam khi phải nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu (trong đó gần 50% từ Trung Quốc, 18% từ Hàn Quốc, 15% từ Đài Loan, Trung Quốc). Điều này khiến ngành dệt may đang đứng trước nguy cơ không tận dụng được ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được ký kết khi không giải quyết được nguồn nguyên liệu tại chỗ.
 
Do đó, nếu áp dụng đúng tiêu chuẩn công khai và truy xuất nguồn gốc hàng hóa (theo cam kết trong các FTA) thì có thể hàng may mặc của Việt Nam khó được xem là “hàng Việt” đúng nghĩa và dễ bị áp thuế khi xuất khẩu (đơn cử như sản phẩm của Việt Tiến, dù được xem là “hàng Việt Nam chất lượng cao” nhưng vẫn có thể bị xem là hàng gia công).
 
Cũng cần nói thêm, trong nhiều năm qua, vai trò hoạch định ngành dệt may, đặc biệt là xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ cho ngành, vẫn bị bỏ lửng.
 
Hiện nay, dưới tác động của thương chiến Mỹ - Trung, đặc biệt sau khi Việt Nam vừa ký kết Hiệp định EVFTA, nhiều doanh nghiệp may mặc của Mỹ, EU, Hàn Quốc, đã sẵn sàng đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Đáng chú ý, việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất của các doanh nghiệp này giúp tăng năng suất mà không cần phải tốn chi phí cho nhiều nhân công. Lợi thế về nhân công giá rẻ của doanh nghiệp may mặc Việt Nam sẽ không còn nữa, sức cạnh tranh sẽ giảm.
 
Trong trung và dài hạn, doanh nghiệp may mặc Việt Nam cần phải “lột xác” để đáp ứng tình hình mới, trước hết là cơ cấu lại lao động. Bởi trong 5 khâu sản xuất một sản phẩm may mặc hiện nay thì Việt Nam mới chỉ dừng ở mức tham gia khâu sơ khai nhất là gia công, những khâu còn lại như thiết kế, phân phối... đều đang bỏ lửng.
 
Bài 2: Lao động nữ ngành dệt may trước nguy cơ mất việc 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm