pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹ 8x mách bí quyết giúp con trai đam mê vào bếp, nấu món nào cũng siêu ngon
Nấu ăn là một trong số những kỹ năng cần thiết mà các bé nên được dạy từ nhỏ. Không cần quá cầu kỳ, các món dù đơn giản cũng có thể giúp trẻ học được nhiều kiến thức cũng như rèn luyện khả năng nấu nướng của mình. Ngày nay, có rất nhiều mẹ đã tập cho con cái thói quen biết nấu nướng từ nhỏ, dù bé là con trai hay con gái.
Chị Vũ Thuý Hằng (34 tuổi, sống tại Thụy Điển) mới đây đã chia sẻ loạt hình ảnh con trai vào bếp. Dù còn nhỏ tuổi nhưng cậu bé rất kĩ lưỡng và tỉ mỉ trong việc nấu nướng, thao tác từng công đoạn trong quá trình nấu ăn. Nhìn cậu bé mà mẹ nào cũng phải thốt lên “Sau này ai lấy được bé chắc chắn hạnh phúc”.
Theo chị Hằng, những điều con học được từ việc nấu nướng là rất nhiều. Đó đều là những kỹ năng cần thiết cho bé. Cụ thể, bà mẹ trẻ chia sẻ:
Con trai chị Hằng đang tập trung nấu ăn
“Đã từ lâu rồi anh lớn nhà mình có thói quen dậy sớm làm đồ ăn sáng cho các em. Trước kia anh thường làm bữa sáng đơn giản từ các loại bánh mỳ. Nhưng dạo gần đây anh ấy bắt đầu nghiện bếp hơn! Anh muốn thử sức mình với nhiều món ăn đa dạng, phong phú để các em không còn nhàm chán với những món ăn cũ. Anh cũng "bao thầu" luôn bữa sáng cho cả bố mẹ để mẹ có thêm thời gian rảnh làm những công việc khác.
Mỗi sáng anh đặt báo thức dậy lúc 6h. Vệ sinh cá nhân xong thì anh lao vào bếp và nấu bữa sáng cho cả gia đình. Có những món anh ấy tự tìm hiểu cách làm trên mạng. Có món thì học theo mẹ. Thỉnh thoảng quên bài thì mẹ nhắc nhở chút ít, còn lại mọi thao tác thực hiện anh đều tự làm hết.
Trông cậu bé nấu ăn rất chuyên nghiệp
Mình luôn khuyến khích con làm việc con muốn, bởi mỗi công việc mang tính tích cực đều rèn luyện được rất nhiều kĩ năng. Tự tay chuẩn bị bữa sáng cho gia đình cũng giúp con học tập được rất nhiều điều hay và bổ ích đấy ạ!”.
Dưới đây là một số phương pháp mà chị Hằng đã áp dụng, hy vọng sẽ giúp ích cho các bố mẹ.
1. Lên kế hoạch
Mỗi tối anh cả sẽ bàn với mẹ và 2 em xem sáng mai mình ăn gì? Anh sẽ kiểm tra nguyên liệu xem có đủ để nấu món đó không?
Việc lên kế hoạch sẽ giúp con có sự chuẩn bị trước. Con sẽ hình dung ra công việc phải làm để có thể hoàn thành được món ăn đó. Khi có kế hoạch cụ thể thì thao tác hoạt động cũng linh hoạt và nhanh nhẹn hơn.
Trông cậu bé nấu ăn như người lớn
2. Sử dụng thành thạo mọi dụng cụ, đồ bếp
Việc con nấu nướng thường xuyên sẽ tạo thành thói quen và kĩ năng sử dụng đồ bếp rất tốt. Mình không lo sợ việc con có thể bị đứt tay, bị bỏng khi nấu ăn. Vì cách an toàn nhất, tránh rủi ro tốt nhất không phải là không tiếp xúc với những đồ nguy hiểm. Chúng ta chỉ thực sự an toàn khi làm quen với chúng, hiểu và tự biết cách bảo vệ bản thân.
Ngoài ra con còn biết sắp xếp, dọn dẹp bếp khi nấu rất gọn gàng. Con có thói quen làm đến đâu, dọn luôn đến đó nên không mất nhiều thời gian dọn dẹp.
3. Cách xử lý tình huống
Trong nấu ăn sẽ có những tình huống phát sinh như: khi bị bỏng tay thì phải làm gì? Khi thiếu nguyên liệu để làm món ăn thì có thể thay thế bằng nguyên liệu khác không?... Mỗi tình huống xảy ra sẽ cho con thêm những kinh nghiệm để ứng phó tốt hơn và tự tin hơn khi vào bếp.
Cậu bé có niềm đam mê nấu nướng nhờ phương pháp của mẹ
4. Món ăn thể hiện tình yêu thương
Anh cả thường hỏi ý kiến các em xem bọn chúng muốn ăn gì? Con sẽ ưu tiên làm đồ ăn sáng theo sở thích của các em. Thông thường bọn nhỏ sẽ ăn trước để chuẩn bị đi học. Đồ ăn của bố mẹ sẽ được con làm sẵn và bọc lại cẩn thận để bố mẹ ăn sau. Con ghi nhớ hết sở thích và thói quen ăn uống của mọi thành viên trong gia đình. Con cũng rất chăm chút cho từng món ăn, bày biện đẹp mắt. Mỗi bữa ăn của con làm đều là tình yêu thương con dành cho gia đình.
Có cậu con trai thế này, hẳn chị Hằng tự hào lắm đây!