Bà Hậu chăm sóc bé Bình An
Dù đã gần 2 năm trôi qua, song bà Bùi Thị Hậu (58 tuổi), chủ phòng trọ ở huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, vẫn còn nhớ như in cái ngày mình nhận được “món quà” không mong đợi. Bà Hậu kể: “Nửa đêm, tiếng khóc thét của trẻ sơ sinh làm tôi chợt thức giấc. Hơn 1 giờ sau, vẫn là tiếng khóc oe oe ấy vang lên, sức ngày càng yếu dần. Tôi bật dậy, cầm đèn pin ra ngoài kiểm tra thì thấy một cánh cửa phòng trọ mở toang, bên trong là đứa bé sơ sinh được quấn chiếc chăn mỏng, cơ thể tím tái vì lạnh, vì đói sữa. Phía dưới là bức thư vỏn vẻn dòng chữ của nữ công nhân đã trọ tại đây tên là Nguyễn Thu Hà: “Con lỡ dại. Mong cô thương tình nuôi giúp cháu”. Nước mắt bà Hậu ứa tràn và tiếng gào khóc xé ruột của đứa bé trong đêm ấy đã ám ảnh bà mãi tới sau này.
Sau khi bỏ rơi con, Hà đi đâu không rõ. Mọi thông tin ít ỏi về cô gái 24 tuổi này, tôi ghi lại được là nhờ Diễm Thúy - bạn thân với Hà ở cùng khu trọ. Thúy kể, năm 2011, Hà lặn lội từ Quảng Ngãi vào tận Bình Dương làm công nhân trong KCN Sóng Thần. Cuộc sống đời thợ tẻ nhạt, bận rộn gắn liền với vòng quay “ăn - làm - ngủ” suốt ngày này qua tháng khác. Ở quê, vào tuổi này đã bị liệt vào hàng “gái ế chồng” nên Hà cũng thấy lo lắng. Thế rồi đến một ngày, cô vui sướng khi được một đồng nghiệp nam cùng công ty để ý. Tuy “bạn trai” lớn hơn tới 10 tuổi, điều kiện kinh tế chẳng mấy khá giả nhưng “có còn hơn không”, 2 người quyết định “kết đôi” và sống chung với nhau như vợ chồng.
Khi có thai, Hà mừng rỡ báo cho người yêu. Tuy nhiên, đáp trả lại “tin vui” đó là sự vô cảm, dửng dưng đến lạnh lùng. 1 tuần sau, cô mới bàng hoàng nhận ra sự thật đau lòng: Gã “bạn trai” ấy đã có vợ con đề huề ở tỉnh Long An. Anh ta tìm đến Hà chỉ đơn thuần để “giải sầu” trong lúc cô đơn. Ngay lập tức, gã liền chuyển chỗ làm và cao chạy xa bay, không để lại thông tin gì, ngoài dòng tin nhắn: “Em hãy bỏ cái thai ấy đi mà còn đường để lấy chồng”. Hà chia tay “mối tình đầu” đầy cay đắng, tủi hổ để bỏ về quê “cầu cứu” cha mẹ. Song chỗ dựa, niềm hy vọng cuối cùng đó cũng tan biến khi cô bị gia đình từ chối vì sợ lời bàn tán, dị nghị hà khắc của dân làng. Bế tắc, tuyệt vọng, Hà lặn lội trở lại Bình Dương, chuyển về khu nhà trọ của bà Hậu để tiếp tục làm công nhân. Thúy kể: “Cái Hà không nỡ phá thai vì có cảm giác như “giết người” nên đã quyết giữ lại. Chuyện “động trời” này, nó chỉ kể cho mình em biết vì sợ bị thiên hạ đàm tiếu “không chồng mà chửa”.
Để giấu cái “bụng bầu” ngày càng lớn, Hà đã quấn băng thun quanh bụng rồi nịt lại. Sau đó, cô chọn những bộ quần áo rộng, mặc thêm áo khoác để che mắt mọi người. Ở công ty, Hà luôn cố tỏ ra bình thường, vẻ mặt chẳng bao giờ thấy mệt mỏi. Về nhà thì đóng kín cửa, tránh tiếp xúc với người khác. Chính vì vậy mà những người cùng dãy trọ không ai hay biết. “Buổi tối trước khi sinh, nó vẫn còn đi làm bình thường. Đến khi đau bụng quá thì chạy ra ngoài bắt xe ôm chở thẳng vào một cơ sở tư để “giải quyết”. 2 ngày sau, nó lén ôm đứa con đỏ hỏn về nhà trọ rồi bỏ lại”, Thúy kể.
Hiện, bé Bình An (đứa trẻ bị bỏ rơi) được cậu con trai út của bà Hậu nhận làm con nuôi. Điều đáng buồn là đã gần 2 năm qua, Hà chưa 1 lần hỏi thăm “giọt máu đào” mà mình đã dứt ruột đẻ ra. Bình An lớn lên trong tình thương của những “người dưng” tốt bụng.
Tìm tới các khu nhà trọ khác ở thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương), chúng tôi rất dễ bắt gặp cảnh các cặp “vợ chồng son” chưa qua cưới đã dọn về góp gạo thổi cơm chung. Bà Mai, một chủ phòng trọ, tiết lộ: “Dãy trọ 24 phòng thì có đến 16 phòng là các cặp công nhân sống chung không có hôn thú. Tụi nó bạo dạn lắm, quen dăm ba bữa là dọn qua ở cùng nhau rồi. Sống được vài tuần thì cãi nhau ầm ĩ rồi… chia tay”.
Mới đây, liên tiếp những dòng thông tin đau lòng khiến người ta xót xa, phẫn nộ. Ngày 22/5, ở khu Đồng Bún (quận Lê Chân, TP Hải Phòng), thi thể 1 bé sơ sinh bị vứt bên vệ đường khi vẫn còn dây rốn được bọc vào trong một chiếc áo. Khi được phát hiện, cháu bé đã tử vong. Tiếp đó, ngày 27/6, 1 thi thể trẻ sơ sinh còn nguyên dây rốn và nhau thai được bọc trong bao nylon đen, bỏ trong sọt rác, khiến nhiều người dân ở khu dân cư Cầu Chợ (Q.12, TPHCM) bàng hoàng.
Còn theo thống kê của Bệnh viên đa khoa tỉnh Bình Dương, từ đầu năm 2015 đến nay, đã có 16 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại bệnh viện. Mẹ của các em đa phần là công nhân đến nhập viện, sau khi sinh con thì… bỏ trốn. Con số đó thực tế còn lớn hơn nhiều bởi chuyện người dân “nhặt” được những đứa bé bị bỏ rơi là chuyện… thường ngày.
Cuộc sống “chồng hờ, vợ tạm” tuy bớt cô quạnh nhưng về lâu dài sẽ phát sinh nhiều hệ lụy, nhất là chuyện tình cảm chẳng thành thì những đứa con “không mong đợi” được họ xem là “của nợ” và phải đi “giải quyết” bằng nhiều cách khác nhau. Mỗi khi có thông tin về một đứa bé nào đó bị bỏ rơi, các công nhân lại râm ran đồn đoán, rằng con của người này, người kia, song cuộc sống cơm áo gạo tiền lại khiến chuyện “rùng rợn” đó nhanh chóng chìm vào quên lãng và... tái diễn liên tục.