Mẹ cùng con học Kiếm đạo để rèn nhân cách

31/07/2018 - 16:45
Lúc đầu nhắc đến “kiếm”, vợ chồng chị Nguyễn Ngọc Minh Hương (phố Núi Trúc, Hà Nội) đã phải cân nhắc xem có nên cho con học không. Song, khi tìm hiểu, thấy con sẽ học được lễ nghĩa, cách cư xử… nên vợ chồng chị đã đăng ký cho con tập luyện.
Tôi tò mò về Kiếm đạo (Kendo) khi xem bức ảnh các con của một người bạn đang hăng say tập luyện. Hình ảnh vốn chỉ thấy trên phim ảnh, truyện tranh nay sống động ngay trước mắt. Phòng tập có rất đông các bạn nữ càng thôi thúc tôi tìm hiểu về môn võ thuật lâu đời đến từ đất nước Mặt trời mọc.
kendo-03.jpg
Anh Lê Hải Sơn hướng dẫn các học trò. Ảnh: An Huy

Học võ, học làm người

Tối chủ nhật (29/7), trời mưa tầm tã, nhưng phòng tập Kiếm đạo do Câu lạc bộ Kendo Thăng Long (thành viên của Vietnam Kendo Club) tổ chức ở Trường Thể thao Thiếu niên 10/10 vẫn đông nghịt. Mọi người hối hả thay đồ và chuẩn bị cho buổi tập, không khí vô cùng khẩn trương vào náo nhiệt.

Trước giờ tập, anh Lê Hải Sơn, chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết, câu lạc bộ được thành lập vào tháng 11/2014, tập luyện tuần 2 buổi vào thứ năm và chủ nhật hàng tuần với khoảng 50 đến 60 thành viên thường xuyên. Câu lạc bộ hoạt động với mục đích xây dựng và phát triển sân chơi lành mạnh cho tất cả những ai yêu thích kiếm đạo, cũng như văn hóa Nhật Bản.

Tập luyện kiếm đạo là cách “trui rèn nhân cách qua đường kiếm”, anh Hải Sơn chia sẻ: Kendo có nghĩa là Kiếm Đạo, với tư tưởng rèn luyện nhân cách con người thông qua nguyên lý sử dụng kiếm. Mục đích tập luyện Kendo để nâng cao thể lực, tinh thần, phát triển tính cách, văn hóa, trau dồi nghị lực… - những điều cần thiết trong cuộc sống đời thường. Người Nhật còn ví von môn Kiếm Đạo là “Sửa soạn cho thời son trẻ và một niềm vui xót lại cho tuổi già” nên không phân biệt độ tuổi của đối tượng, từ 6 đến 80 tuổi đều có thể tập môn võ thuật này.

Tuy nhiên, ở đây, thành viên nhỏ nhất là 8 tuổi, cao nhất gần 60 tuổi. Có những gia đình 5 người thì 3 thành viên đăng ký tập vì đây là môi trường tốt để trẻ phát triển nhân cách. Có những thành viên mệt, ngày tập vẫn cố đến chỉ để xem mọi người tập và để được tiếp thêm sức mạnh.

“Việc rèn luyện Kendo, theo thời gian có thể thay đổi bản thân mỗi người theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Trước mỗi buổi tập và kết thúc đều bắt đầu bằng “lễ”, cúi chào, làm theo hiệu lệnh... Đơn cử một thí dụ, tôi vẫn nói với các học trò của mình, dù trước mặt khi đó có treo cờ Tổ quốc hay không, hãy cúi chào với tâm thế như đang có lá cờ của đất nước mình trước mặt. Người học còn học được cách tôn trọng thầy, tôn trọng bạn tập. Tập Kendo, không chỉ để hiểu thêm về một môn võ thuật tượng trưng cho văn hóa Nhật Bản mà còn có thể học hỏi thêm về tính kiên nhẫn, rèn luyện sự chính trực, tính lễ độ, sự can đảm, cảm nhận lòng nhân ái, sự lương thiện”, anh Lê Hải Sơn bày tỏ.

Hiểu con hơn nhờ Kendo

Vũ Kim Oanh, sinh viên năm thứ 4 trường ĐH Bách khoa Hà Nội, có thâm niên theo đuổi Kendo gần 3 năm chia sẻ: “Tôi tập thử một lần đã thấy thích nên theo đến tận bây giờ. Không chỉ khỏe hơn, sau một thời gian tập, tôi thấy mình kiên nhẫn, cẩn thận và tự tin hơn. Tôi học được từ Kendo tinh thần vượt khó, chiến thắng chính bản thân mình mỗi khi gặp trở ngại trong cuộc sống”.

me-con-gia-phong.jpg
Chị Minh Hương và con trai Phạm Gia Phong. Ảnh: An Huy

 

Gia đình có 5 thành viên thì 3 mẹ con chị Nguyễn Ngọc Minh Hương, phố Núi Trúc (Hà Nội) cùng đăng ký tập luyện Kendo. Chị Hương cho biết, các con chị (hai cháu sinh đôi Phạm Gia Phong và Phạm Gia Hưng, học sinh lớp 10 tại Hà Nội) đọc truyện tranh Nhật Bản nên biết tới môn võ thuật này và nhờ bố mẹ tìm lớp Kiếm Đạo để theo học.

Lúc đầu nhắc đến “kiếm”, vợ chồng chị đã phải cân nhắc xem có nên cho con học không, nhưng khi tìm hiểu, thấy con sẽ học được lễ nghĩa, cách cư xử… nên vợ chồng chị đã đăng ký cho con tập luyện tại Câu lạc bộ Kendo Thăng Long.

“Kendo đã giúp các con tôi có động lực học văn hóa bởi chỉ khi các con hoàn thành bài vở ở nhà thì mới được đi tập Kendo. Tôi cũng rất muốn tập yoga hoặc gym để nâng cao sức khỏe, nhưng khi đưa con đến tập Kendo, tôi đã nghĩ tại sao mẹ không tập luôn trong lúc chờ đón con về. Quyết định đó thật sáng suốt vì các con tôi ở tuổi teen vốn có tâm lý nổi loạn, thích chống đối. Tôi đã hiểu các con hơn khi cùng tập Kendo. Tập luyện võ thuật còn giúp các con có môi trường để xả stress một cách hiệu quả. Quan trọng hơn, Kendo còn giúp các con hạn chế được việc sử dụng điện thoại, Ipad quá nhiều, còn với mẹ thì tập môn võ này để tăng khả năng tự vệ”, chị Minh Hương cười chia sẻ.

Chị Vũ Hải Yến, công tác ở một công ty xuất nhập khẩu tại Hà Nội cũng bày tỏ niềm say mê với Kendo khi sau một thời gian tập luyện, không chỉ học được văn hóa kiếm đạo của Nhật Bản, chị còn học được tính nhẫn nại, sự tôn trọng lẫn nhau giữa những người tập.

* Kendo là môn thể thao võ thuật phát triển từ môn kiếm thuật cổ truyền Nhật Bản. Môn này hình thành vào khoảng thế kỷ 19 và được coi là môn thể thao chính thức vào năm 1946. Nó phát triển nhanh chóng và được đưa vào hệ thống các trường học Nhật Bản. Cho đến nay đã có hơn 10 triệu người tham gia tập luyện trên khắp thế giới.

* Kiếm đạo căn bản nằm trong 4 chữ Khí, Kiếm, Thể, Nhất. Khí là khí công, kiếm là vũ khí, thể là thể thực và nhất là hợp nhất. Luyện Kendo phải luyện sao cho chân khí nhập vào kiếm, phối hợp với sức mạnh của cơ thể để những uy lực đó trở thành một.

Cùng xem hình ảnh và clip một buổi tập luyện ở Kendo Thăng Long:

kendo-1.jpg

 

kendo-2.jpg
Nghi lễ cúi chào khi bắt đầu và khi kết thúc mỗi buổi tập

 

kendo-4.jpg
Rất đông phụ huynh tin tưởng đăng ký cho con tập luyện Kendo 

 

kendo-5.jpg
Các thành viên nữ say mê tập luyện

 

kendo-6.jpg
Trong các buổi tập luyện Kiếm Đạo, thành viên nữ chiếm khoảng 50% 

 

gia-phong-gia-hung-va-em-gai.jpg
Gia Phong, Gia Hưng và em gái 
Clip buổi luyện tập Kiếm đạo:

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm