Mẹ đẻ của cuốn sách gây ám ảnh nhất mọi thời đại

18/03/2017 - 10:36
‘Frankenstein’ được xem là một trong những tác phẩm kinh dị đầu tiên của thời hiện đại. Đây cũng là kiệt tác đầu tiên trong sự nghiệp của một nữ tiểu thuyết gia.

Cuốn tiểu thuyết ‘Frankenstein’ được viết bởi nữ nhà văn Anh Mary Shelley xuất bản năm 1818 đã để lại dấu ấn sâu đậm trong đời sống văn hóa đại chúng. Quái vật Frankenstein cũng là một trong những nhân vật kinh dị tạo nên nguồn cảm hứng của rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, được chuyển thể thành nhiều bộ phim khác nhau. Tác phẩm còn trở thành một hiện tượng khi tác giả bắt đầu viết cuốn sách này từ lúc 18 tuổi và hoàn thành nó trong vòng 1 năm.

Trong gần 200 năm qua, cuốn truyện đã làm say mê biết bao độc giả, còn nữ nhà văn Mary Shelly đã truyền cảm hứng cho chúng ta về một sinh vật nhân tạo đầu tiên trên thế giới.

Mary Shelly sinh ngày 30/8/1797 trong một gia đình học thuật, thượng lưu lừng danh tại London, Anh. Bố là nhà chính trị gia và triết gia William Godwin, còn mẹ bà là nhà nữ quyền Mary Wollstonecraft - tác giả của tác phẩm ‘Minh chứng của Quyền phụ nữ’ (1792), một trong những tác phẩm kinh điển cho nữ quyền thế giới. Tuy vậy, thảm kịch đầu tiên xảy ra ngay khi Mary chào đời, đó là mẹ bà mất sớm ngay sau khi sinh.

mary-shelly.jpg
 Văn sĩ Mary Shalley.

Mary lớn lên trong một gia đình có nhiều người con từ những cuộc tình khác nhau của cha mẹ bà trước khi lấy nhau. Mary cảm nhận được sự hạnh phúc khi được sống trong một môi trường đông anh chị em. Tuy vậy, cuộc sống lại đẩy bà vào một sự đau khổ khác: bố lấy vợ mới, và người mẹ kế hoàn toàn không ưa Mary. Bà đã quyết định Mary không cần thiết phải đến trường, trong khi người con gái riêng của bà, Jane - sau này là Claire Clairmont, thì cần phải đi học chính thống.

Có lẽ, đây lại là một điều may mắn của Mary. Cuộc sống bị cô lập trong gia đình bởi chính người đóng vai trò làm mẹ đã đẩy Mary rất khép mình và tập trung cao độ vào học thuật và thế giới sách vở. Những người hầu hay tìm thấy bà đang đọc sách, và nhiều khi đang ngồi đọc cạnh mộ mẹ mình. Mary có khả năng tưởng tượng vượt trội, cũng như có thể hoàn toàn đắm mình, thậm chí là ám ảnh với những tưởng tượng của mình. Bằng cách này,  bà thoát khỏi thực tại đáng chán.

Được ở nhà thường xuyên, Mary Shelly có cơ hội gặp gỡ những người khách đặc biết của cha mẹ mình từ rất sớm. Bà được ngồi nghe đàm luận, tranh cãi giữa những con người đặc biệt và vĩ đại, là những nhà chính trị, kinh tế, văn chương của nước Anh lúc bấy giờ. Trong đó phải kể đến William Wordsworth, Samuel Coleridge… Bố Mary cũng đóng một phần lớn trong việc dạy dỗ con gái, ông nhấn mạnh vai trò của việc đọc sách và thấu hiểu các vấn đề xã hội trong học thuật.

Lớn lên thiếu thốn tình mẹ có lẽ đã giúp Mary Shelly hiểu phần nào rõ hơn những mặt tối của con người. Bà suy nghĩ rất nhiều về cái chết và sự sống, cũng như những mong ước của con người là đưa những người thân yêu đã qua đời trở lại với cuộc đời. Bà hiểu rõ sự ghẻ lạnh của con người với con người, và bà cũng hiểu được sự cô lập sẽ tha hóa, hủy hoạt bản chất cho dù vốn tốt đẹp và lương thiện. Đồng thời, bà cũng hiểu văn chương sẽ cứu rỗi tâm hồn người.

2.jpg
 Tuổi thơ thiếu tình thương của người mẹ đã khiến bà dồn tất cả tình yêu cho văn học.

Hơn tất cả, một đứa trẻ mồ côi luôn cảm nhận được sự thiếu thốn tình thương, và khát khao tình cảm. Đặc biệt, khi trưởng thành, bà vô cùng khát khao hạnh phúc lứa đôi. Một con người với tầm cao trí óc của bà cuối cùng đã tìm được tình yêu của cuộc đời mình. Bà tin tưởng hoàn toàn vào tình yêu cao thượng, đồng thời cũng là tình yêu tự do, được hoàn toàn thoải mái yêu bất kì con người nào phù hợp với mình.

Và bà đã chọn Percy Shelly - nhà thơ, nhà văn gây ảnh hưởng đến toàn bộ nền văn học Anh quốc sau này. Tình yêu này không được cả hai bên gia đình đồng ý do Percy lúc này đã có vợ và hai con. Phá tung khỏi xiềng xích gia đình, Mary và Percy đã bỏ trốn cùng với nhau, dắt theo em gái Clare Clairmont.

Đó là những năm tháng sống rất khó khăn của cặp đôi Shelly. Họ bị cắt hết nguồn chu cấp kinh tế. Cùng với việc đứa con đầu lòng mất sớm chỉ vài ngày sau sinh, giữa họ bắt đầu có những rạn nứt. Cuối cùng, Mary và Percy tìm được cách tiếp tục ngọn lửa tình yêu, thông qua tình yêu với văn chương. Cặp đôi thường được mời đến nghỉ mùa hè với lãnh chúa Byron, cây đại thụ trong văn học Anh quốc. Chính tại nơi đây, Mary Shelly đã thai nghén nên tác phẩm kinh dị kinh điển ‘Frankenstein’.

Một buổi tối, căn nhà đầy những nhà văn đã đưa ra một thử thách: mỗi người hãy bắt đầu viết một câu chuyện kinh dị. Duy chỉ mình Mary Shelly hẹn đến 3 ngày sau vẫn chưa có vì bà không quen viết thể loại này. Ám ảnh với những cuộc nói chuyện về ý nghĩa cuộc sống, về sự sống và cái chết, một cơn ác mộng trong giờ phút nửa mê nửa tỉnh đã đem bà đến với câu chuyện của mình, sau này là tác phẩm kinh điển. Cùng với sự giúp sức của người chồng Percy, hai năm sau bà đã xuất bản câu chuyện mang tính nhân bản tuyệt vời đó.

cun-sach-ni-ting-frankenstein.jpg
 Cuốn sach nổi tiếng 'Frankenstein' - tác phẩm kinh dị nổi tiếng đầu tiên của thời hiện đại. 

Cặp đôi sống với nhau hạnh phúc chỉ được thêm một vài năm. Khi bà 24 tuổi, Percy gặp tai nạn lúc đang đi bơi thuyền với bạn. Ông chết đuối, để lại bà cùng đứa con trai duy nhất còn sống của hai người. Từ đó, bà viết nhiều tác phẩm khác nhau để đảm bảo cuộc sống của hai mẹ con, cũng như hoạt động chăm chỉ để xuất bản thơ của người chồng quá cố. Nhờ những công sức của bà mà tác phẩm của Percy mới đến được với công chúng, cũng như việc ông dần được công nhận  vị trí vĩ đại của mình trong văn chương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm