"Mẹ đỡ đầu" của trí tuệ nhân tạo

Kim Ngọc (Tổng hợp)
27/10/2024 - 20:12
"Mẹ đỡ đầu" của trí tuệ nhân tạo
“Nếu chúng ta dịch chuyển tức thời đến bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử, như thời điểm phát hiện ra lửa, chế tạo động cơ hơi nước hay tạo ra điện, tôi nghĩ các cuộc thảo luận sẽ giống nhau, là về con dao hai lưỡi của công nghệ. Công nghệ trao quyền cho con người nhưng đi kèm với sức mạnh đó là sự nguy hiểm”, Lý Phi Phi, nhà khoa học máy tính người Mỹ gốc Hoa, người đặt nền móng cho hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) nhận dạng hình ảnh, cho hay.

Lý Phi Phi là giáo sư đầu tiên của Sequoia Capital tại khoa Khoa học Máy tính thuộc Đại học Stanford (Mỹ) và là thành viên của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia. Bà cũng từng giữ chức Phó Chủ tịch tại Google và Giám đốc Khoa học tại Google Cloud. Trong hai thập kỷ qua, bà đã dẫn đầu các nghiên cứu về AI, máy học, học sâu và thị giác máy tính. 

Năm 2023, bà được vinh danh trong danh sách TIME100 về "những người có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực AI".

Người phụ nữ tiên phong trong lĩnh vực AI

Trong quá trình học tiến sĩ tại Học viện Công nghệ California, bà Lý đã có những đóng góp quan trọng cho kỹ thuật "one-shot learning", tạo dấu ấn trong cộng đồng khoa học AI. Kỹ thuật này có thể đưa ra dự đoán dựa trên lượng dữ liệu rất nhỏ và rất có giá trị đối với những ứng dụng liên quan đến thị giác máy tính (xử lý và hiểu thông tin từ hình ảnh và video) hay xử lý ngôn ngữ tự nhiên (hiểu và tạo ra ngôn ngữ của con người). 

Năm 2007, bà Lý đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong lĩnh vực AI với việc phát triển ImageNet, một hệ thống giúp máy tính nhận diện hàng triệu hình ảnh và mô tả thế giới xung quanh. Vào thời điểm đó, dự án này bị nhiều người hoài nghi. Một đồng nghiệp của bà thậm chí cho rằng nó quá tham vọng và đi trước thời đại.

“Mẹ đỡ đầu” của trí tuệ nhân tạo- Ảnh 1.

Hồi ký “The Worlds I See”

Đến năm 2012, ImageNet đã cung cấp dữ liệu cho AlexNet, một thuật toán mạng nơ-ron học sâu được phát triển bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Toronto. AlexNet không chỉ là mô hình đột phá trong lĩnh vực AI mà còn thúc đẩy sự phát triển của nhiều mô hình AI khác, như ChatGPT hiện nay.

"Tôi không muốn giao quyền kiểm soát cho AI. Nó sẽ được con người sử dụng và quyền lực thuộc về con người".

Lý Phi Phi, nhà khoa học máy tính người Mỹ

Năm 2017, bà Lý Phi Phi thành lập tổ chức giáo dục phi lợi nhuận AI4ALL, mở các khóa học của Phòng thí nghiệm AI Stanford cho học sinh trung học. AI4ALL cũng cam kết khuyến khích phụ nữ trẻ và học sinh dân tộc thiểu số khám phá và lựa chọn khoa học máy tính làm hướng nghiên cứu trong tương lai. Tháng 11 năm ngoái, bà Lý đã xuất bản cuốn hồi ký "The Worlds I See" ("Những thế giới tôi nhìn thấy"). 

Bà chia sẻ: "Tôi là người nhút nhát và không giỏi thể hiện bản thân nhưng tôi vẫn muốn xuất bản sách vì lĩnh vực AI không thể thiếu tiếng nói của phụ nữ". Trong hồi ký, Lý kể lại những khó khăn ban đầu và cuộc di cư từ Trung Quốc sang Mỹ khi bà 16 tuổi, cũng như hành trình vươn lên để đạt đến đỉnh cao trong lĩnh vực công nghệ. Cuộc sống nơi đất khách quê người hoàn toàn trái ngược với những đủ đầy và sung túc ở quê nhà. Trong thời gian học đại học, Lý đã làm nhiều công việc lặt vặt như làm tại cửa hàng giặt ủi của cha mẹ và làm ca tại một nhà hàng Trung Quốc với mức lương 2 USD/giờ. 

Vượt qua những khó khăn, sự kiên trì và làm việc chăm chỉ đã giúp bà nhận được học bổng của Đại học Princeton, nơi bà theo học ngành Vật lý, trước khi lấy bằng tiến sĩ tại Viện Công nghệ California.

“Mẹ đỡ đầu” của trí tuệ nhân tạo- Ảnh 2.

Bà Lý Phi Phi diễn thuyết trên TED hồi tháng 4/2024

Tham gia "cuộc đua" thương mại hóa công nghệ

Vào thời điểm mà phụ nữ trong ngành công nghệ còn hạn chế, bà Lý đã tạo ra ảnh hưởng lớn hơn khi xây dựng một công ty khởi nghiệp về AI có tên "World Labs", trị giá hàng tỷ USD chỉ trong 4 tháng. Công ty của bà tập trung vào tạo ra "trí thông minh không gian" trong AI, với mục tiêu tạo ra quá trình xử lý dữ liệu hình ảnh gần giống như con người. Dự án này hứa hẹn sẽ là một bước đột phá, giúp AI tương tác tốt hơn với môi trường thực tế và phát triển các hệ thống tự động tinh vi hơn. 

"Sự tò mò thúc đẩy chúng ta tạo ra những cỗ máy nhận dạng hình ảnh thông minh như con người, nếu không muốn nói là thông minh hơn", bà Lý nói trong một bài diễn thuyết trên TED hồi tháng 4/2024.

Trong một cuộc phỏng vấn tại Hội nghị Thượng đỉnh Công nghệ Bloomberg vào tháng 5 vừa qua, bà Lý cho rằng sự bi quan về AI tạo sinh là thái quá. Tuy nhiên, trong hồi ký của mình, bà cũng chia sẻ những nghi ngờ về công việc của mình trong lĩnh vực AI. Trong một đoạn, bà thừa nhận cảm thấy "một chút tội lỗi" trong quá trình phát triển công nghệ mà bà mô tả là "một hiện tượng và nhiệm vụ có khả năng vừa hủy diệt vừa truyền cảm hứng".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm