Trên đường về hôm đó, tôi kể cho con là mình vừa bị giám đốc quở trách vì suýt làm công ty mất uy tín. Chẳng là mấy hôm trước, giám đốc điều tôi sang phụ trách một dự án mới. Công việc khá mới mẻ, tôi chưa biết cách triển khai nhưng vì ngại mất mặt nên tôi đã không dám thú nhận. Cũng vì thế mà dự án đó đã không nhận được sự hài lòng của đối tác. Biết mình đã sai, tôi chỉ biết nói lời xin lỗi và xin nhận hình thức phạt của ban giám đốc.
- Mẹ ơi, mẹ đừng buồn. Vấn đề là mình biết nhận ra lỗi sai của mình mẹ ạ. Con cũng như mẹ, có lần giấu dốt, không hiểu bài mà chẳng dám hỏi cô và các bạn. Thế rồi kết quả là lúc làm bài kiểm tra, con đã bị điểm kém, mẹ nhớ không?
- Ừ, mẹ biết mình đã sai rồi. Lần sau, mẹ sẽ không tỏ ra “nguy hiểm” nữa. Mình đâu có giỏi hết mọi thứ phải không con. Mình phải khiêm tốn, chịu khó học hỏi, không hiểu thì hỏi. Hôm nay, mẹ bị giám đốc mắng, con có thấy thất vọng về mẹ không.
- Không đâu mẹ ạ. Con vẫn yêu mẹ, như là lúc con thất bại, mẹ vẫn luôn yêu con đó thôi.
- Tôi để ý, ở nhiều gia đình, thường thì chỉ có bố mẹ biết về thất bại của con mình. Chúng ta nổi giận, mắng mỏ, so sánh con với con nhà khác kiểu như “con nhà người ta giỏi thế, mà con mình thì lẹt đẹt hay bị thất bại thế”. Nhưng chúng ta lại có xu hướng giấu diếm khó khăn, thất bại bản thân chúng ta gặp phải với con cái.
Một phần vì chúng ta nghĩ con còn nhỏ, đâu cần biết việc của người lớn. Phần khác, chúng ta sợ sẽ để lộ “gót chân Ashin” khiến các con không còn nhìn bố mẹ như tấm gương sáng nữa.
Nhưng, tôi lại có suy nghĩ khác. Ở nhà tôi, hai mẹ con đều bình đẳng trong việc nói về thất bại, lỗi lầm của bản thân mình. Khi con mắc lỗi, tôi là người lắng nghe, an ủi và phân tích xem con có thể rút ra bài học gì từ lỗi lầm đó? Ngược lại, khi tôi gặp thất bại, con luôn động viên tôi đừng buồn. Chỉ cần tôi cố gắng thì khó khăn, thất bại cũng sẽ bị đẩy lùi.
Có một lần, trong lúc dọn dẹp lại tủ tài liệu, hai mẹ con vô tình tìm thấy cuốn sổ liên lạc của tôi cách đây hơn 30 năm khi tôi chỉ là một cô học sinh tiểu học. Mặc dù cuốn sổ đã ố vàng, một vài trang bị rách nhưng vẫn có thể đọc được những lời nhận xét của cô giáo dành cho tôi: “Em viết chữ còn xấu, đôi khi chưa chăm học bài”, “Trong lớp, em còn nói chuyện riêng, đi học muộn 2 lần trong tháng”, “Cuối năm có nhiều tiến bộ, là học sinh tiên tiến, xếp thứ 5/20 học sinh trong lớp”. Tôi không ngại ngần thú nhận:
- Ngày xưa, mẹ học không nhanh đâu, chữ của mẹ còn xấu nữa. Mẹ chỉ toàn nhận điểm 6,7 môn toán thôi.
- Vâng. Có phải ai cũng học giỏi đâu mẹ. Mẹ làm toán không nhanh, nhưng, mẹ lại viết văn giỏi. Từ một học sinh học trung bình, cuối năm, mẹ vươn lên xếp thứ 5 và đạt danh hiệu học sinh tiên tiến là đáng được ghi nhận lắm chứ.
Rồi con tôi nói tiếp: “Xuất phát điểm không quan trọng bằng việc mình đã đi trên đường thế nào mẹ nhỉ? Sau này, mẹ của con vẫn đỗ đại học, rồi sau đó còn tìm được công việc tốt nữa đấy thôi”.
- Đúng rồi, thế nên con cũng hãy luôn cố gắng nhé.
Làm cha mẹ, chúng ta thường cố tỏ ra hoàn hảo trước mặt các con. Nhưng, nếu bố mẹ luôn tròn trịa, thì các con sẽ thấy chúng ta thật xa lạ, khó đạt tới. Vậy tại sao, chúng ta không thoải mái là một con người bình thường, có cả ưu và nhược điểm. Giống như các con, chúng ta đôi khi vẫn mắc lỗi và bị người khác phàn nàn. Nhưng, quan trọng là chúng ta luôn tự học tập, sửa sai để hoàn thiện mình.
Với con gái, tôi không ngại khi những vấp váp của mình trở thành đề tài để con “mổ xẻ”. Bởi mỗi lần như vậy, tôi có thể đánh giá cách xử lý, nhìn nhận vấn đề của con đã đúng hay chưa? Nếu con nói đúng, tôi sẽ thừa nhận và nghe theo lời khuyên của con. Ngược lại, tôi sẽ cùng con thảo luận lại cách khắc phục. Tôi cũng nhận thấy, từ ngày tôi cởi mở với con, con tôi đã trở nên chững chạc, hiểu biết, có cái nhìn nhân văn hơn rất nhiều.