pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹ muốn con đi học lớp 1, bố nhất định bắt con chậm lại 1 năm: Chuyên gia "gỡ rối" thế nào?
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh
“Với các bé có một số vấn đề về tiếp thu hay chậm nói, liệu có nên xin cho con học lùi lại 1 năm hay không?”- mới đây, một bà mẹ đem thắc mắc này lên một diễn đàn dành cho phụ huynh xin tư vấn.
Chị cho biết, con của chị sinh cuối tháng 11/2020 có biểu hiện chậm nói. Hiện con đã nói rành các từ đôi, từ ba thì ngọng âm giữa. Con đã đi học can thiệp được gần 1 năm và theo đánh giá của các cô là có tiến bộ, tuy hơi chậm vì tính cách con tương đối bướng, chỉ hợp tác lúc tâm trạng vui. Tuy nhiên đợt này lại thấy con hơi chững, chưa nói thêm được nhiều hoặc câu dài hơn.
Nhận thức của con khá tốt và nhanh, hiện tại con đã đếm số 1 - 10 bằng tiếng Việt - Anh, con vật, xe cộ, đồ dùng, màu sắc và bảng chữ cái tiếng Việt thuộc 90%, chỉ lẫn các chữ giống nhau như A Ă Â. Chị cho biết không phải bản thân "đua đòi" cho con học chữ sớm, mà đây là chương trình học bật âm và ghi nhớ của trung tâm con học can thiệp.
"Em vẫn lạc quan là con sẽ sớm theo kịp các bạn, nhưng sáng nay tự dưng trước lúc đi làm chồng lại bảo lên lớp 1 sẽ cho con học muộn lại 1 năm mà em chùng cả người xuống. Cũng biết là nếu con thật sự chậm thì học muộn 1 năm sẽ tốt cho con nhưng em vẫn mong muốn con được học đúng tuổi, sẽ tốt cho nhiều thứ sau này", bà mẹ phân vân.
Chị cũng nói thêm, với các bé bình thường thì không sao, còn con chị chậm nói nên phải tính mọi phương án từ sớm. Gia đình kinh tế không "mạnh" nên chỉ có thể cho con học trường công cấp 1. Lớp đông cháu, cô bận rộn, các bạn phải tự lập nhiều, sợ con đã chậm đã nhát lại càng nhát hơn.
Bà mẹ này muốn xin ý kiến: Liệu trường hợp của con mình có thể lạc quan là sẽ theo được đúng tuổi vào lớp 1? Câu chuyện của chị thu hút hàng trăm bình luận trái chiều.
Phụ huynh căng thẳng: Hậu quả còn mệt hơn việc chậm nói
Nhiều người cho rằng, việc trẻ nói nhanh hay chậm là do sự phát triển của từng bé là khác nhau ở các giai đoạn. Có những bạn, 3 tuổi nói rất ít, 2 từ, 3 từ nhưng từ giai đoạn 4 tuổi đến 5 tuổi thì vẫn bắt kịp các bạn khác. Có thể không quá "lợi khẩu", mồm mép nhưng không phải là bất thường về mặt chức năng. Quan trọng là phụ huynh đừng căng thẳng, vì hậu quả còn mệt hơn là việc chậm nói của con.
Tuy nhiên, luồng ý kiến ngược lại phản bác, việc phụ huynh lo lắng cho tình trạng của con là chính đáng. Chậm nói ở trẻ cần được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời bởi có nhiều trường hợp chủ quan dẫn đến ảnh hưởng đến sự phát triển về trí não, cảm xúc, hoạt động của trẻ.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh nhận định, với một đứa trẻ chưa đầy 3 tuổi đã đếm số 1 - 10 bằng tiếng Việt - Anh, con vật, xe cộ, đồ dùng, màu sắc và bảng chữ cái tiếng Việt thuộc 90%, chỉ lẫn các chữ giống nhau như A Ă Â... chứng tỏ con có sự tiến bộ. Nếu có sự đồng hành của gia đình thì con sẽ phát triển khả quan.
"Con mình 35 tháng mới nói những từ đầu tiên nhưng mình thấy quá bình thường. Bây giờ qua 1 năm con nói tiếng Anh, tiếng Việt, giờ qua Hàn học cả tiếng Hàn chẳng sao cả", một người chia sẻ.
Hầu hết phụ huynh đều khuyên bà mẹ này nên tính nhiều phương án. Lo xa không có gì sai. Tuy nhiên hãy chờ thêm đến thời điểm trước khi con vào lớp 1 khoảng 6 tháng - 1 năm rồi hãy có quyết định.
Hiện tại để phát triển kỹ năng cho con, nhiều người khuyên chị nên tìm trường mầm non có nhiều hoạt động sôi nổi, ngoài ra ở nhà bố mẹ tương tác với con thật nhiều, cắt hoàn toàn tivi, điện thoại một thời gian.
"Con mình sinh cuối tháng 12/2020, đợt 24 tháng con mới nói được từ đơn và vốn từ ít nhưng mình đã áp dụng các cách như trên và bây giờ con mình đã nói được cả câu, chủ động đặt câu hỏi mặc dù con nói vẫn còn ngọng. Mình thì không cho đi học can thiệp vì chi phí cao nên mình cố gắng tăng tương tác với con, chơi với con nhiều hơn nên may mắn hiện tại con tiến bộ rất nhiều rồi. Quan trọng nhất là mẹ phải giữ niềm tin và lạc quan nhé", phụ huynh L.A chia sẻ.
Hãy căn cứ vào khả năng của con thay vì mong muốn của bố mẹ
Nói về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho rằng: Mỗi đứa trẻ lớn lên và học theo tốc độ riêng, vì thế định nghĩa của việc phát triển bình thường có thể khá rộng. Tuy vậy, khi nhận thấy con có những dấu hiệu chẳng hạn như không có các kỹ năng mà hầu hết trẻ em ở cùng độ tuổi sở hữu, thì có thể đó là vấn đề của sự chậm phát triển, bao gồm cả chậm nói.
Khi có con chậm nói, phụ huynh phải truy xét nguyên nhân. Nếu chậm nói do khiếm khuyết cơ thể thì cần tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Nếu chậm nói tâm lý thì trước hết phụ huynh cần rà soát các cách thức giao tiếp hằng ngày của mình với trẻ.
Còn việc học chậm lại 1 năm hay lên lớp là tùy theo khả năng của trẻ, chứ không phải tùy theo mong muốn của bố mẹ. Phụ huynh cần có sự đánh giá 1 cách khách quan - đầy đủ các mặt phát triển của trẻ từ ngôn ngữ, giao tiếp đến vận động, hành vi thì mới có thể đưa ra định hướng. Các vấn đề về tâm sinh lý như khả năng nhận thức, khả năng ghi nhớ, khả năng tập trung, khả năng kiên nhẫn… cũng nên được kiểm tra.
Nếu khả năng trẻ chưa đáp ứng được mà bố mẹ vẫn muốn con theo học thì lúc đó sẽ có 1 trong 2 khả năng: Nhà trường hay cô giáo sẽ yêu cầu gia đình đưa trẻ đi khám, đánh giá lại, hoặc nhà trường từ chối và trả bé về gia đình. Một số trường hợp có thể trẻ cũng sẽ cố gắng nhưng chủ yếu là chỉ lẹt đẹt ở nhóm dưới - lúc đó bố mẹ sẽ suốt ngày cãi nhau sẽ gây áp lực lên trẻ. Trẻ có khi sẽ bị stress và có nhiều nguy cơ về mặt tâm lý.
Với trẻ chậm nói, ông Khanh khuyên, muốn phát triển ngôn ngữ cho trẻ, gia đình cần kết hợp giao tiếp với các hoạt động ăn uống, tắm rửa, chơi đùa. Khi giao tiếp với trẻ cần lưu ý 4 nguyên tắc: Nói ngắn gọn, nhắc lại vài lần, nói nhấn mạnh vào từ chính và nói với giọng rõ ràng, vui vẻ.