Trẻ em Nhật Bản được dạy cách đi bộ an toàn khi đến trường. Ảnh minh họa internet. |
“Hầu hết trẻ em đều vui mừng với sự thay đổi này và nhiều phụ huynh dành thời gian thỏa thuận với con những quy định trên hành trình đơn độc phía trước”- cô nhấn mạnh.
Theo đó, trước ngày khai giảng vào đầu tháng 4 hàng năm, nhiều phụ huynh cùng con đi bộ đến trường và về nhà. Trên đường, trẻ được hướng dẫn cách qua đường an toàn. Nếu có thể đi cùng con trong một ngày học bình thường, phụ huynh sẽ dễ dàng chỉ cho con về sự đông đúc trên đường phố, nhìn thấy có bao nhiêu trẻ em cùng đi bộ đến trường từ địa điểm gần nhau.
“Điều quan trọng là lưu ý cho trẻ về các cửa hàng hoặc địa điểm công cộng trên đường có thể dùng làm nơi trú ẩn trong trường hợp khẩn cấp, kiểm tra trước xem địa điểm đó có mở cửa lúc 8h sáng hay không. Trẻ trốn ở đó sẽ được bảo vệ cho đến khi cảnh sát đến” - Kirsty chia sẻ. Ngoài ra, dạy con chào hỏi những người bán hàng và người dân dọc đường đi học sẽ khiến họ để mắt đến trẻ để dễ nhận ra nếu chẳng may có điều bất thường, đồng thời giúp trẻ cảm thấy mình cũng là một cư dân bình thường ở đó.
Hầu hết trường học có người hướng dẫn đứng ở các ngã tư gần trường và sử dụng cờ hiệu để ra dấu cho trẻ sang đường an toàn. Một số trường còn quy định trẻ không được quay về nhà để lấy đồ bị quên.
Cảnh sát nói rằng, thời điểm nguy hiểm nhất đối với học sinh tiểu học là sau khi tan học. Đây là lý do trường yêu cầu học sinh về thẳng nhà, cất cặp sách và mũ trước khi đi chơi. Đi bộ qua công viên với trang phục học sinh sẽ khiến người xấu để ý. Trường tư vấn cho học sinh những tuyến đường từ nhà đến trường và ngược lại, nhờ đó phụ huynh có nhiều lựa chọn để tìm con nếu thấy con về nhà muộn.
Phụ huynh cần lưu ý, nếu trẻ hứa về nhà cùng một người bạn, có thể trẻ sẽ đợi bạn đó tan lớp. Lối vào các tòa nhà, nơi có kệ giày thường là chỗ tụ tập lý tưởng của học sinh. Trẻ có thể kiểm tra bạn mình ở lớp khác đã về hay chưa bằng cách quan sát kệ giày.
Các trường học Nhật Bản hướng dẫn trẻ đừng bao giờ chơi một mình sau giờ học, luôn thông báo với người giám hộ mình sẽ đi đâu, với ai và về nhà lúc mấy giờ. Nhiều trẻ Nhật Bản sử dụng điện thoại di động từ sớm và có thể gọi về hỏi xin bố mẹ nếu muốn chơi lâu hơn.
Các công ty bán điện thoại di động thường cung cấp phiên bản dành cho trẻ em với các chức năng đơn giản như chấp nhận cuộc gọi, thực hiện cuộc gọi đã được đăng ký trước. Số điện thoại đăng ký thường hạn chế, do đó trẻ chủ yếu chỉ liên lạc với gia đình. Điện thoại di động dành cho trẻ em cũng thường được trang bị hệ thống định vị toàn cầu cho phép phụ huynh tìm được vị trí của con bất cứ lúc nào.
Trẻ và bố mẹ có thể nhắn tin cho nhau qua điện thoại, nhưng không có những tính năng khác như chụp ảnh, lướt web, chơi game nhằm hạn chế những tiêu cực liên quan đến thiết bị công nghệ này đối với trẻ.
Một số trường cấm học sinh mang điện thoại di động. Trong trường hợp đó, có thể phụ huynh sẽ cần đến thiết bị định vị GPS, kiểm tra vị trí của con qua máy tính hoặc smartphone. “Một số công ty bảo mật cung cấp thêm nút khẩn cấp, nghĩa là nếu nút này được nhấn, công ty sẽ liên hệ với phụ huynh để xác minh rằng có muốn nhân viên an ninh có mặt hay không. Các nhân viên có thể đưa trẻ trở về nhà”- Kirsty cho hay.